Thủ đô Hà Nội với lịch sử hơn nghìn năm văn hiến luôn là niềm tự hào của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà văn hóa, các sử gia, ... vẫn có những quan điểm khác nhau về tên gọi Hà Nội. Hãy cùng AtaBook tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh này trong bài viết dưới đây nhé.
Khuê Văn Các - biểu tượng của Hà Nội. Ảnh: internet
Tên gọi Hà Nội có từ năm nào?
Thăng Long - Hà Nội là một trong những thủ đô lâu đời nhất ở vùng Đông Nam Á và là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ năm 1010 khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về vùng đất này và đặt tên là Thăng Long. Trước đó, nơi đây vốn là vùng đất đặt cơ sở trấn trị của nhà Tùy (581 - 618), nhà Đường (618 - 907) thời Bắc thuộc với các tên gọi Tống Bình, Đại La.
Trải qua gần 800 năm (1010 - 1788) là kinh đô của nước Đại Việt thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê trung hưng với các tên gọi chính thức lần lượt là Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh; đến thời Tây Sơn rồi sau đó là thời Nguyễn, Thăng Long đã nhường vai trò đầu não chính trị cho Phú Xuân (Huế), trở thành Bắc Thành rồi Thăng Long (đồng âm với tên gọi Thăng Long do Lý Thái Tổ đặt trước đó nhưng mang ý nghĩa khác). [1]
Năm 1831 đời Minh Mạng thứ 12, vị vua nhà Nguyễn này đã tiến hành đợt cải cách hành chính lớn, chia toàn quốc thành 29 tỉnh - trong đó có tỉnh Hà Nội. Thăng Long lúc này trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nội.
Như vậy, tên gọi Hà Nội bắt đầu có từ năm 1831.
Hà Nội lúc mới thành lập có bao nhiêu phủ, huyện?
Theo Đại Nam thực lục, tỉnh Hà Nội lúc mới thành lập vào năm 1831 có 4 phủ với 15 huyện, gồm:
• Phủ Hoài Đức gồm huyện Từ Liêm và 2 huyện thuộc kinh thành Thăng Long cũ là Thọ Xương, Vĩnh Thuận (ứng với các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa của thành phố Hà Nội ngày nay);
• Phủ Thường Tín gồm 3 huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín), Thanh Trì, Phú Xuyên;
• Phủ Ứng Hoà gồm 4 huyện Sơn Minh (nay là Ứng Hoà), Hoài An (nay là phía nam Ứng Hoà và một phần Mỹ Đức), Chương Đức (nay là Chương Mỹ), Thanh Oai;
• Phủ Lý Nhân gồm 5 huyện: Nam Xang (tức Nam Xương, nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục. [2]
Vì sao nhà Nguyễn không giữ tên gọi Thăng Long trước kia?
Về xuất xứ tên gọi Thăng Long, Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại như sau:
"Mùa thu, tháng 7 [năm 1010], vua [Lý Thái Tổ] dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long". [3]
Cái tên Thăng Long mà vua Lý Thái Tổ đặt vào năm 1010 bắt nguồn từ chữ Hán 昇龍 có nghĩa là "rồng bay lên", "rồng (bay) trong ánh mặt trời lên cao". [4] Tuy nhiên, gần 800 năm sau, vào tháng 8 năm 1805, vua Gia Long nhà Nguyễn đã cho đổi chữ Long 龍 (= "rồng") thành chữ Long 隆 (= "thịnh vượng") [5] khiến cái tên Thăng Long 昇龍 với hình tượng "rồng bay lên" thành cái tên Thăng Long 昇隆 có nghĩa là "thịnh vượng lên".
Cuốn Lịch sử thủ đô Hà Nội (1960) đã lý giải về sự việc này như sau:
"Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô tại nơi cũ là Phú Xuân (Huế), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Kinh thành đã chuyển làm trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi. Nhưng vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân toàn quốc, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ “Long” là “rồng” thành chữ “Long” là “thịnh vượng”, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ “Long” là “rồng”. [6]
Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu An Chi cũng cho rằng "bấy giờ nhà Nguyễn đã thiết lập kinh đô mới ở Phú Xuân nên muốn tên của thành Thăng Long không còn gợi cho người ta liên tưởng gì đến vương quyền nữa. Vương quyền là ở Phú Xuân kia!" [7]. Đồng thời, ông An Chi cũng gay gắt cho rằng cách hành xử như vậy của vua Gia Long là bất kính đối với sự nghiệp của tiền nhân.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lý do năm 1805 Gia Long đổi chữ Long trong Thăng Long là để phù hợp với niên hiệu mà vị vua này đã đặt ra từ 3 năm trước đó (năm 1802). Theo đó, vị vua sáng lập triều Nguyễn này muốn là "người đầu tiên thống nhất nước Việt, khởi đi từ Gia Định thành tới Thăng Long thành, nên mới cố tình lấy chữ đầu của Gia Định ghép với chữ cuối của Thăng Long để thành hai chữ Gia Long làm niên hiệu". [8] Luận cứ của ý kiến này là chữ Gia 嘉 trong Gia Long 嘉隆 đã có cùng một cách viết và cùng một ý nghĩa với Gia trong Gia Định 嘉定 rồi, nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần; còn điều kiện đủ là chữ Long 龍 trong Thăng Long 昇龍 phải là Long 隆 trong niên hiệu Gia Long 嘉隆 của ông (!?)
Cũng trong năm 1805, ngoài việc sửa tên gọi Thăng Long, vua Gia Long còn cho phá bỏ tường thành ở đây để xây lại thành mới theo kiểu Vauban (một kiểu thành quân sự đương thời của phương Tây) nhưng có quy mô nhỏ hơn nhiều. Quyết định này của ông cũng gây ra những ý kiến trái chiều cho các nhà nghiên cứu sau này.
Có ý kiến cho rằng lý do vua Gia Long "triệt phá" thành Thăng Long là nhằm mục đích "hạ thấp vai trò kinh đô cũ, để làm mất tư cách “quốc đô” lâu đời của Thăng Long". [9]
Nhưng lại có ý kiến phản bác rằng vào thời điểm Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn và thu phục thành Thăng Long thì thành đã chẳng còn gì nữa. Vì vậy, đến năm 1805, vua mới tiến hành tu bổ thành (chứ không phải là triệt phá). [10] Nói như Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) trong cuốn Phương Đình dư địa chí thì lý do vua Gia Long cho xây lại thành Thăng Long là vì "thấy thành cũ không đúng khuôn phép, đắp lại (xét thành Thăng Long vốn là đô cũ của các triều, lâu năm nghiêng núng...)" [11]
Hà Nội có nghĩa là gì? Ý nghĩa tên gọi Hà Nội?
Tên gọi Hà Nội lâu nay vẫn có những tranh cãi nhất định trong giới nghiên cứu văn hóa – lịch sử. Tựu trung có hai ý kiến lý giải nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Hà Nội như sau:
Những người theo quan điểm này lý giải rằng Hà Nội thuộc về địa dư ở phía bên trong sông Hồng Hà [12] hoặc Hà Nội trên đại thể nằm trong những con sông, đó là sông Hồng và sông Nhuệ như nhà sử học Lê Văn Lan giải thích trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia ngày 15/4/1999. [13]
Ngoài ra, nhà sử học Phan Huy Lê còn lấy bản đồ thời Hồng Đức (1490) làm bằng chứng cho thấy Hà Nội nằm lọt vào góc bên trong của sông Hồng (sông Cái) nằm phía bắc và đông Hà Nội để khẳng định rằng "Hà Nội cổ của chúng ta đúng như tên gọi là "thành phố bên trong sông". [14]
Tuy nhiên, có không ít ý kiến phản bác các giả thuyết trên. Chúng tôi tóm lược vài ý kiến dưới đây để Quý vị rộng đường tham khảo.
• Hà Nội là một cái tên, không thể tách rời từng chữ rồi giải nghĩa là "trong sông" được vì đó là một từ rất tối nghĩa trong tiếng Việt, nghe rất lạ tai và vụng về. Thông thường người Việt chỉ nói trong nhà, trong vườn, trong thành, v.v., chứ chẳng ai lại nói trong sông cả. Nếu nói đến sông thì người Việt thường chỉ nhắc đến hữu ngạn hay tả ngạn, hoặc bên này sông, bên kia sông mà thôi. Còn một vùng đất nằm ở giữa hai con sông, chẳng ai lại gọi vùng đất ấy là “trong sông”! Huống hồ vua Minh Mạng vốn là một vị vua thông minh và hay chữ vào hàng bậc nhất của nhà Nguyễn mà nhìn một thành phố nằm giữa hai con sông lại dùng chữ “nội” thì thật là khó tin!
Trường hợp một vùng lãnh thổ được chia làm hai, nếu người ta đã dùng chữ Nội rồi thì sẽ dùng thêm chữ Ngoại để dễ phân biệt, chẳng hạn như Nội Mông, Ngoại Mông của Trung Quốc; hay ở Việt Nam khi nói đến xứ Thanh, chúng ta cũng nhắc đến Thanh nội hay Thanh ngoại. [15] Nghĩa là nếu cứ theo cách đặt tên như thế thì hễ có Hà Nội tất phải có Hà Ngoại mới hợp lý.
- Nguyễn Ngọc Ngạn - nhà văn, người dẫn chương trình. [16]
• Nếu xét kỹ trên bản đồ thì chỉ có sông Nhị là địa giới tỉnh Hà Nội cũ về phía Đông, còn sông Hát và Thanh Quyết không là địa giới, như vậy có bộ phận Tỉnh Hà Nội không nằm bên trong những con sông này. Và khi Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp, tên gọi lại càng không tương xứng với thực địa.
- Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, tập 1 (2007). [17]
• Trước khi nước Đại Nam bị thực dân Pháp xâm lược và cai trị thì Hà Nội chưa bao giờ là một kinh thành hay thành phố nào cả. Cái tên Hà Nội mà Minh Mạng đặt năm 1831 là tên của một tỉnh gồm 4 phủ, 15 huyện; và Thăng Long chỉ là tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nội khi đó mà thôi. Như vậy, trước năm 1831 ở nước ta làm gì đã có kinh thành Hà Nội hay địa danh Hà Nội đâu mà GS. Phan Huy Lê sử dụng bản đồ từ thời Hồng Đức năm 1490 để khẳng định là "thành phố bên trong sông"? [18]
Mặt khác, địa dư của tỉnh Hà Nội khi đó có phủ Lý Nhân nằm trong một phần lưu vực của sông Đáy còn sông Nhuệ lại nằm lọt trong lưu vực của sông Đáy và sông Hồng thì làm sao có thể nói Hà Nội nằm bên trong sông Hồng và sông Nhuệ được như GS. Lê Văn Lan đã giải thích? [19]
- Học giả An Chi.
"Trung văn đại từ điển, tập 19 (Đài Bắc 1967, tr.103) cho biết Hà Nội là tên một quận được đặt từ đời Hán (202 Tr.CN - 220 S.CN) nằm phía Bắc Sông Hoàng Hà.
Tên Hà Nội từng được ghi trong Sử ký của Tư Mã Thiên (Hạng Vũ Kỷ), kèm lời chú giải: “Kinh đô đế vương thời xưa phần lớn ở phía Đông Sông Hoàng Hà, cho nên gọi phía Bắc Sông Hoàng Hà là Hà Ngoại”.
Rất có thể Minh Mạng đã chọn tên gọi Hà Nội, một tên hết sức bình thường để thay tên gọi Thăng Long đầy gợi cảm, nhưng tên gọi mới Hà Nội này lại có thể được giải thích là “đất Kinh đô các đế vương thời xưa”, để đối phó với những điều dị nghị.
Chính cách đặt tên đất “dựa theo sách cũ” đã lại được thực thi, sau này, năm 1888 Thành Hà Nội và phụ cận trở thành nhượng địa của thực dân Pháp, tỉnh lỵ Hà Nội phải chuyển tới Làng Cầu Đơ (thuộc Huyện Thanh Oai, Phủ Hoài Đức), cần có một tên tỉnh mới. Người ta đã dựa vào một câu trong sách Mạnh Tử [21] (Lương Huệ Vương, thượng, 3) “Hà Nội mất mùa, thì đưa dân đó về Hà Đông, đưa thóc đất này về Hà Nội, Hà Đông mất mùa cũng theo phép đó”. [22] Dựa theo câu trên, người ta đặt tên tỉnh mới là Hà Đông, tuy rằng tỉnh này nằm ở phía Tây Sông Nhị, theo thực địa phải đặt tên là Hà Tây mới đúng". [23]
"Hà Nội cổ của chúng ta đúng như tên gọi là "thành phố bên trong sông". Theo bản đồ thời Hồng Đức (1490) mà ta có được, phía bắc và đông Hà Nội là sông Hồng (sông Cái), Hà Nội nằm lọt vào góc bên trong của nó. Phía bắc của Hà Nội là sông Tô Lịch, gần hồ Tây. Phía tây cũng là sông Tô Lịch (ngày xưa dòng Tô Lịch còn nối liền với dòng sông rất lớn là sông Thiên Phù, giờ đã bị lấp mất). Hồ Tây được hình thành từ một đoạn của sông Hồng sau khi nó đổi dòng. Hồ Hoàn Kiếm cho đến thế kỷ XV còn nối liền với sông Hồng, sau này mới tách ra, dần thành hồ như hiện nay. Sông Tô Lịch ở phía tây nam thành phố nối với sông Nhuệ, sau đó đổ ra sông Hồng" .