Cà Mau nghĩa là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 30/09/2023

Cà Mau nghĩa là gì? 

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Cà Mau có nghĩa là nước đen, xuất xứ từ tiếng Khmer ទឹកខ្មៅ (Tuk Khmau); trong đó, ទឹក (tuk) nghĩa là nước, còn ខ្មៅ (khmau) nghĩa là đen. 
 

Rừng U Minh Hạ
Cà Mau có nghĩa là nước đen. Ảnh minh họa: camau.gov.vn


Cũng như một số tên đất trên sông ở miền Tây Nam Bộ có nguồn gốc từ tiếng Khmer, sở dĩ tên gọi Cà Mau có nghĩa là nước đen” vì khi những người Khmer đầu tiên tới đây khai khẩn và lập nghiệp, vùng đất này chủ yếu là rừng đước, vẹt, tràm rậm rạp, đầm lầy ngập nước; đồng thời, nước ngả sang màu sậm (đen) vì vô số lá mục của tràm, đước, vẹt, dừa nước ... của rừng U Minh rụng xuống làm đổi màu nước. Vì thế, họ gọi vùng đất này là ទឹខ្មៅtiếng Khmer có nghĩa là nước đen. [1]


Cà Mau thuộc miền nào?


Cà Mau là tỉnh cực Nam của Việt Nam và là một trong 13 tỉnh thành của khu vực miền Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long). 

Tỉnh Cà Mau hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 8 huyện với diện tích 5.274,51 km2, dân số 1.208.800 người (tính đến năm 2021).
 
Tính đến đầu năm 2017, người Kinh ở Cà Mau chiếm đại đa số, với khoảng 1.180.000 người, chiếm trên 96% dân số và sinh sống hầu hết ở các nơi trong tỉnh. Tiếp theo là người Khmer khoảng 33.439 người, chiếm 2,73% dân số, sống tập trung tại các ngôi chùa ở cả thành thị và nông thôn, tạo thành các xóm người Khmer, sinh sống bằng nghề trồng lúa, rau màu, chăn nuôi, khai thác thủy sản, mua bán nhỏ. Người Hoa có 9.418 người, chiếm 0,76% dân số, chủ yếu sống ở khu vực thành thị, sinh sống bằng nghề mua bán. Còn lại là các dân tộc khác như: Mường, Thái, Tày, Nùng, Giao, Gia rai, Ê đê, Chăm, Chu ru, Si la, người nước ngoài



Hình ảnh Cà Mau trong văn học Việt Nam


Trong văn học Việt Nam, Cà Mau là một địa danh gợi khá nhiều cảm hứng trong ca dao thời trước cũng như các nhà thơ hiện đại sau này.

Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um

(Ca dao)

Cà Mau là xứ quê mùa
Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu

(Ca dao)

Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau

(Mũi Cà Mau – Thơ Xuân Diệu)

Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang
Cà Mau mũi đất mỡ màng phù sa

(Việt Nam – Thơ Lê Anh Xuân) 


Cà Mau có gì ngon?

Do gần biển, sở hữu nhiều rừng ngập mặn nên đặc sản nổi tiếng của Cà Mau hầu hết là hải sản, trong đó nổi tiếng đến phải kể đến là cua biển Cà Mau, ba khía (Rạch Gốc). Ngoài ra còn có lẩu mắm U Minh lừng danh được nấu từ mắm cá sặc, dưa bồn bồn Cà Mau, bánh tằm Cà Mau, ...

Còn nếu đi du lịch Cà Mau rồi mua đặc sản về làm quà thì không nên bỏ lỡ mắm tép Cà Mau, khô cá sặc U Minh, tôm đất khô Rạch Gốc, mắm cá sơn, bánh phồng tôm, mật ong rừng U Minh, rượu trái giác, ... 



Chú thích

[1]. Trong cuốn Đồng bằng sông Cửu Long (NXB Cửu Long, NXB Mũi Cà Mau, 1985), Phan Quang cho rằng giải thích theo cách trên dễ dẫn tới sự tùy tiện, mà tùy tiện quá thì khó tránh khỏi gò ép. Cho nên, có tác giả khuyên nên thận trọng khi tìm nguồn gốc địa danh. Nhiều tên đất tên sông phảng phất tiếng Khmer, nhưng không phải nơi nào có tên Khmer là nơi đã từng có người Khmer đến lập nghiệp thuở xa xưa. (Sđd, tr. 354, 355).

Thư mục


• Nghê Văn Lương. (1972). Cà Mau xưa và An Xuyên nay. Sài Gòn: Trung tâm học liệu Bộ giáo dục (Việt Nam Cộng Hòa)

• Phan Quang. (1985). Đồng bằng sông Cửu Long. NXB Cửu Long, NXB Mũi Cà Mau.

• Bùi Đức Tịnh. (1999). Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ. NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh.



Sách hay viết về miền Tây Nam Bộ


Văn hóa người Việt vùng Tây Nam BộVăn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ
NXB Tổng hợp TP.HCM, 2022
Mua sách

Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa NguyễnCông cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn
NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2022
Mua sách

Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, Văn minh miệt vườnĐồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, Văn minh miệt vườn
NXB Trẻ, 2018
Mua sách  

 

Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)