Tại sao có tên gọi sông Cửu Long | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 30/09/2023

Tại sao có tên gọi sông Cửu Long?

Quang Nguyễn
 Quang Nguyễn

 

Từ cuối thế kỷ XVIII đến nay, đồng bằng sông Cửu Long luôn là vựa thóc lớn nhất của Việt Nam và là một trong những vựa thóc lớn ở Đông Nam Á. Vùng đất miền Tây Nam Bộ này là nơi có sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu nhỏ của sông Mekong chảy ra biển được dân gian quan niệm là chín con rồng (Cửu Long) phun nước để tưới vùng đất trù phú này.

Nội dung chính

1. Sông Cửu Long bắt nguồn từ đâu?
2. Tại sao gọi là sông Cửu Long?
    2.1 Cửu Long là do Slong / Klong gọi trại ra
    2.2 Cửu Long là phiên âm của Kroong
3. Chín cửa sông Cửu Long là gì?
4. Sông Cửu Long hiện nay còn bao nhiêu cửa?
5. Sông Mekong chảy qua những tỉnh nào của Việt Nam?

Sông Cửu Long
Miền Tây Nam Bộ còn được gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long hoặc vùng đất chín rồng


Sông Cửu Long bắt nguồn từ đâu?

Sông Cửu Long là tên gọi của sông Mekong khi chảy qua địa phận Việt Nam mang ý nghĩa "sông chín rồng" tương ứng chín cửa sông đổ ra biển. Ngoài tên Cửu Long, người Việt còn gọi sông này là sông Cái hoặc sông Lớn

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Cửu Long chỉ là tên gọi chung mà người Việt dùng để chỉ các phân lưu của sông Mekong chảy trên lãnh thổ Việt Nam mà thôi, chứ không đồng nghĩa là tên gọi của toàn bộ lưu vực sông Mekong. 

Thực tế, sông Mekong là con sông dài nhất Đông Nam Á, đứng hàng thứ 7 ở châu Á và thứ 12 trên thế giới, chảy qua 6 quốc gia, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng (cao nguyên Thanh Tạng), theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tiếp tục chảy qua 5 nước là Thái Lan, Myanmar, Lào, CampuchiaViệt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. 


Bản đồ sông Mê Kông 
Bản đồ sông Mê Kông. Ảnh: Sharechat.

 
Sông Mekong có tổng chiều dài suốt tuyến ước tính 4,350 km [1] trong đó chiều dài của sông khi chảy qua lãnh thổ Việt Nam (tính từ biên giới Campuchia - Việt Nam ra tới Biển Đông) xấp xỉ 230 km.


Tại sao gọi là sông Cửu Long?

Về từ nguyên, sông Cửu Long là phiên âm Hán Việt của Cửu Long giang (九龍江) nghĩa là sông (của) chín rồng. Đây là những mỹ từ rất đẹp để hình tượng hóa về sông Mekong khi chảy qua địa phận Việt Nam mang hình chín con rồng vươn đầu tuôn nước ra biển

Vì sông Cửu Long chủ yếu chảy qua các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên khu vực này còn được gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long hoặc vùng đất chín rồng. 
 
Dưới đây một số kiến giải về nguồn gốc tên gọi Cửu Long để quý vị rộng đường tham khảo: 

 Cửu Long là do Slong / Klong gọi trại ra

Các dân tộc hệ Nam Á (Austro – Asiatique) đều có âm gọi giống nhau để chỉ một dòng sông, đó là Slong, Klong: Mekong = Cửu Long; trong đó,  = mẹ, Kông = nguồn. Cửu Long chính là do Slong, Klong, Luông gọi trại ra để chỉ sông Mê Kông nghĩa là sông Cái (tức sông Mẹ). [2]

Minh chứng cho luận điểm trên là hiện nay một số địa danh vẫn còn giữ nguyên tên gốc của nó, chẳng hạn như sông Hàm Luông – một trong chín nhánh của sông Mê Kông khi chảy qua địa phận Việt NamCó ý kiến cho rằng Hàm Luông có tên gốc là Hàm Long Giang (含龍江), nhưng do "kỵ húy" tên vua Gia Long (mặc dù miếu hiệu vua với chữ Long 隆 là đầy đủ, nhưng đọc âm hai chữ đều là Long) nên phải đọc trại đi là Luông. Còn theo di cảo Trương Vĩnh Ký ghi lại thì tên sông Hàm Luông có nguồn gốc từ tiếng Khmer là Tonlé prek kompong luon [3] vì vùng này xưa kia vốn là của Chân Lạp - nhà nước đầu tiên của người Khmer.

• Cửu Long là phiên âm của Kroong

Trong bài viết "Văn hóa đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh Đông Nam Á", Phạm Đức Dương đã lý giải nguồn gốc tên gọi Cửu Long như sau:

"Mỗi con sông đều có đời sống văn hóa riêng trong bối cảnh văn hóa chung của toàn vùng. Ngay tên gọi của nó cũng đã chứa đựng bao lớp văn hóa. Người Lào gọi sông Cửu Long là Mè Khoóng. Theo cấu trúc địa danh Lào - Thái thì các sông lớn đều gọi là sông mẹ ("mè"), như Mè Khoóng, mè Nặm mà người châu Âu phiên âm là Mékong, Me1nam. Nhưng "Khoóng" trong Mè Khoóng lại là cách gọi của cư dân Nam Á: "Kroong" để chỉ con sông. Từ "sông" trong tiếng Việt cũng bắt nguồn từ đấy.

Như vậy là trước khi người Lào - Thái xuống theo sông Mè Khoóng thì ở đây đã có cư dân Nam Á. Cha ông ta đã dùng tên Hán Việt Cửu Long để phiên âm từ Kroong, và từ đó người ta mới đặt ra câu chuyện chín con rồng theo lới từ nguyên dân gian
."
 [4] 


Tác giả Phạm Đức Dương cũng dẫn theo tài liệu của Đào Thế Tuấn để giải thích thêm rằng từ Kroong để chỉ sông, gần như phổ biến khắp vùng Đông Nam Á kể cả miền Nam Trung Quốc. Ở Trung Quốc, có hai từ để chỉ sông: được dùng từ bắc sông Trường Giang trở lên và Giang được dùng từ nam Trường Giang trở xuống. Giang có thanh phù "công" là để phiên âm từ "krông" của ngữ hệ Nam Á. [5]
 
 

Chúng tôi cho rằng những từ như Slong / Klong, Kroong, Krông hay Công , Kong.... thật ra chỉ là một từ thuộc ngữ hệ Nam Á dùng để gọi một con sông, chỉ có điều mỗi dân tộc lại có cách phiên âm khác nhau mà thôiKhông nói đâu xa, ngay ở Việt Nam, tên sông Mekong cũng viết là Mê Kông hay Mê Công.

Từ đó, phải công nhận rằng việc đặt tên gọi Cửu Long Giang theo Hán Việt của ông cha ta xưa là trên cả tuyệt vời! Bởi nó không chỉ là phiên âm từ để chỉ tên sông gần như phổ biến khắp vùng Đông Nam Á (Slong, Klong, Kroong, Krông, Cửu Long, v.v. đọc không khác nhau mấy!) mà còn vừa chỉ đúng chín nhánh sông đổ ra biển khi sông chảy qua địa phận Nam Bộ nước ta (Cửu) lại vừa mang màu sắc dân gian về cội nguồn dân tộc (Long).

Việc đặt một tên gọi giàu hình tượng như vậy hẳn nhiên phải có lịch sử của nó. Chúng ta cũng biết các địa danh nói chung thường phản ánh một đặc điểm thiên nhiên, xã hội hay lịch sử  và phải trải qua một quá trình chấp nhận, phổ biến. 

Khái niệm "đồng bằng sông Cửu Long" thực ra chỉ mới phổ biến từ sau chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây mà thôi. [6] Tuy vậy, việc ai là người đã định danh tên gọi Cửu Long (Giang) vẫn chưa có kết luận sau cùng. Ban đầu, chúng tôi đồ rằng chính Trịnh Hoài Đức là người đầu tiên đặt tên Cửu Long Giang cho sông Mekong qua quyển Gia Định Thành Thông Chí nhưng chưa dám khẳng định có phải ông là người đã đặt tên hay không. Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ cho các nhà nghiên cứu để tìm ra nguồn gốc thật sự tên gọi của con sông ở vùng đất chín rồng này. 


Chín cửa sông Cửu Long là gì?

Chín cửa sông Cửu Long thuộc hai con sông lớn Tiền Giang (sông Tiền) và Hậu Giang (sông Hậu) gồm:

1. Cửa Tiểu (Tiền Giang)

2. Cửa Đại (Tiền Giang - Bến Tre)

3. Ba Lai (Bến Tre)

4. Hàm Luông (Bến Tre)

5. Cổ Chiên (Bến Tre)

6. Cung Hầu (Trà Vinh)

7. Định An (Trà Vinh)

8. Ba Thắc / Bassac (Sóc Trăng)


9. Trần Đề (Sóc Trăng)

 
Sông Cửu Long hiện nay còn bao nhiêu cửa?

Thực tế đến nay sông Cửu Long chỉ còn 7 cửa là Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An và Trần Đề.

2 cửa đã không còn tồn tại là:

- Ba Lai (Bến Tre) đã được thay bằng hệ thống cống đập ngăn mặn được đưa vào sử dụng từ năm 2002, chỉ xả lũ ra cửa biển khi cần qua hệ thống 10 cửa đóng mở tự động

- Cửa Ba Thắc nằm ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) hiện đã biến mất trên bản đồ do mất dấu cửa sông từ khoảng những năm 60 - 70 của thế kỷ 20 do sự bồi đắp và ngày càng rộng ra của cồn nổi cộng với sự phát triển của rừng bần phòng hộ tại đây.

Các cửa sông Cửu Long
9 cửa sông Cửu Long nay chỉ còn 7 cửa sông đổ ra biển

 

Sông Mekong chảy qua những tỉnh nào của Việt Nam?


Sông Mekong khi chảy vào địa phận Việt Nam thì chảy qua 9 tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ gồm: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. 

Như vậy, trong 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ, có 4 tỉnh sông Mê Kông không trực tiếp chảy qua là Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. 

Cụ thể dòng chảy của sông Mekong khi chảy qua Việt Nam như sau: 

Khi chảy từ Campuchia đổ về đến Việt Nam thì sông Mekong chia làm hai nhánh theo dòng chảy từ Bắc xuống Nam: bên trái (tả ngạn) gọi là sông Tiềnbên phải (hữu ngạn) là sông Bassac (tức sông Hậu), mỗi nhánh dài khoảng 220–250 km. 

 Sông Tiền

Chảy vào Việt Nam qua phần giáp ranh giữa huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và huyện Tân Châu (An Giang). Đến huyện Cái Bè (Tiền Giang) và thành phố Vĩnh Long (Vĩnh Long), sông Tiền tách thành hai nhánh là sông Tiền và sông Cổ Chiên. 

+ Sông Cổ Chiên ra biển bằng hai cửa Cổ Chiên (Bến Tre) và Cung Hầu (Trà Vinh). 

+ Sông Tiền tiếp tục chảy đến huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thì tách thành ba nhánh sông Hàm Luông, sông Ba Lai và sông Tiền. Sông Hàm Luông ra biển bằng cửa Hàm Luông (Bến Tre). Sông Ba Lai ra biển bằng cửa Ba Lai - Bến Tre (cửa này nay đã bị chắn làm cống đập ngăn nước mặn từ biển chảy vào). Sông Tiền ra biển bằng cửa Tiểu (Tiền Giang) và cửa Đại (Tiền Giang - Bến Tre). 

 Sông Hậu

Chảy vào Việt Nam từ xã An Khánh (An Phú, An Giang). Sông Hậu chảy gần như song song với sông Tiền qua các tỉnh thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và ra biển bằng ba cửa: Định An (Trà Vinh), Ba Thắc - Sóc Trăng (đã bị bồi lấp và mất hẳn từ những năm 1970), Trần Đề (Sóc Trăng). 

Chú thích

[1]. C
ó thông tin ghi là 4,909 km.

[2]. Đoàn Giỏi. (1986). Các con vật trên rừng dưới biển. Phụ trương tạp chí Văn Nghệ An Giang

[3]. Chú giải về sông Hàm Luông của dịch giả Lý Việt Dũng trong Gia Định Thành Thông Chí, quyển II-b: Sơn Xuyên Chí, của Trịnh Hoài Đức, NXB Tổng hợp Đồng Nai.

[4], [5]. Phạm Đức Dương. (1984). Văn hóa đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh Đông Nam Á. [Dẫn theo: Nhiều tác giả. (1984). Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. NXB: Viện Văn Hóa. Tr. 82, 83].

[6]. Lê Xuân Diệm. (1984). Vài nét về con đường phát triển kinh tế - văn hóa trong buổi đầu lịch sử của đồng bằng sông Cửu Long. [Dẫn theo: Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Sđd, Tr. 54].


 
Thư mục 

• Trịnh Hoài Đức, dịch giả Lý Việt Dũng. (2005). Gia Định Thành Thông Chí. NXB Tổng hợp Đồng Nai.

• Đoàn Giỏi. (1986). Các con vật trên rừng dưới biển. Phụ trương Tạp chí văn nghệ An Giang

• Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận chủ biên. (1995). Các vùng văn hóa Việt Nam. NXB Văn Học

• Phan Quang. (1985). Đồng bằng sông Cửu Long. NXB Cửu Long, NXB Mũi Cà Mau.

• Nhiều tác giả. (1984). Mấy Đặc Điểm Văn Hóa Đồng Bằng Sông Cửu Long. Viện Văn Hóa.

• Bùi Đức Tịnh. (1999). Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ. NXB Văn Nghệ TP. HCM.



Sách hay viết về miền Tây Nam Bộ


Văn hóa người Việt vùng Tây Nam BộVăn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ
NXB Tổng hợp TP.HCM, 2022
Mua sách

Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa NguyễnCông cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn
NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2022
Mua sách

Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, Văn minh miệt vườnĐồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, Văn minh miệt vườn
NXB Trẻ, 2018
Mua sách  

 

Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)