Chân Lạp là nước nào? Nguồn gốc của tên gọi Chân Lạp
Cập nhật lần cuối vào ngày 29/09/2023

Chân Lạp là nước nào? 

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Chân Lạp là nhà nước đầu tiên của người Khmer, tồn tại từ năm 550 đến 802 trước khi khởi đầu đế quốc Angkor hùng mạnh (802 - 1434). 
 


Bản đồ Chân Lạp
Chân Lạp là nhà nước đầu tiên của người Khmer, tồn tại từ khoảng năm 550 đến năm 802. Ảnh: Internet


Chân Lạp có nghĩa là gì? 
Nguồn gốc của tên gọi Chân Lạp cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Khi lập quốc vào nửa cuối thế kỷ VI (khoảng năm 550), người Khmer - chủ nhân của Chân Lạp, gọi tên nước theo tên vua là Bhavapura. Trong khi đó, chính sử của Trung Quốc đã gọi nước này là Chen La 真臘 (âm Hán Việt: Chân Lạptừ khá sớm, được ghi chép lần đầu tiên trong Tùy Thư (soạn vào thế kỷ VII): 

Nước Chân Lạp (真臘), ở phía tây nam Lâm Ấp, vốn là thuộc quốc của Phù Nam vậy. Từ quận Nhật Nam đi thuyền sáu mươi ngày thì tới”. [1]


Ngoài ra, theo Đường thư, nước Chân Lạp còn được người phương Nam gọi là nước Cát Miệt [2] [3] tức là phiên âm của chữ Khơ Me (Khmer). [4]

Chân Lạp = Chegn Lak?

Giả thuyết phổ biến hiện nay cho rằng tên gọi Chân Lạp là ký âm từ tiếng Khmer cổ Chegn Lak có nghĩa là "sáp cánh kiến đỏ".


Cụ thể, từ thời nhà Tùy (581 - 619), các thuyền buôn Trung Hoa đã mon men thám hiểm xuống phương Nam để tìm mua và nhập khẩu sáp cánh kiến đỏ - một sản vật quý để nhuộm thuộc da vào thời đó. Tuy nhiên, ban đầu do ngôn ngữ bất đồng nên khi giao dịch, hai bên thường nhắc đi nhắc lại từ Chegn Lak  (= sáp Lac hoặc nhựa Lac, tức sáp cánh kiến đỏ trong tiếng Khmer cổ). [5]

Để khai báo với quan trên về nguồn gốc hàng hóa khi về nước, các lái buôn Trung Hoa đã ký âm Chegn Lak  thành Chen La 真臘 mà âm Hán Việt là Chân Lạp

Nếu căn cứ theo giả thuyết trên thì về từ nguyên, Chân Lạp (tiếng Khmer: ចេនឡា) trên mặt chữ Hán được hiểu là "xứ có thứ sáp chính hiệu". Sáp ở đây tức là sáp cánh kiến đỏ hoặc nhựa cánh kiến đỏ - một cống phẩm thượng hạng giữa các nước trong khu vực châu Á thời xưa mà Ấn Độ và Thái Lan vốn đã sản xuất và xuất khẩu từ mấy nghìn năm trước. [6] 

Tuy vậy, kiến giải ở trên cũng chỉ là một giả thuyết để chúng ta tham khảo mà thôi.  



Chân Lạp nằm ở đâu?

Chân Lạp vốn là một thuộc quốc của vương quốc Phù Nam với địa bàn ban đầu khi mới lập quốc nằm ở hạ lưu sông Sê Mun - một phụ lưu của sông Mê Kông trên cao nguyên Khorat (Đông Bắc Thái Lan ngày nay). 

Từ cuối thế kỷ VI, lợi dụng tình hình tôn chủ cũ là Phù Nam bị suy yếu, Chân Lạp đã tiến công xâm chiếm nước này. Mặc dù vậy, phải đến năm 627, Chân Lạp mới hoàn toàn thôn tính vương quốc Phù Nam
. [7]

Sau năm Thần Long (705 - 707) đời Đường, Chân Lạp chia thành hai là Lục Chân Lạp (Land Chenla) và Thủy Chân Lạp (Water Chenla). [8] [9] [10]
 

• Lục Chân Lạp nằm ở phía Bắc có nhiều đồi núi, được xem là vùng đất gốc của Chân Lạp, tương ứng với khu vực Biển Hồ thuộc Campuchia và cao nguyên Khorat thuộc Thái Lan ngày nay.

• Thủy Chân Lạp nằm ở phía Nam sát biển, có nhiều hồ, đầm phá, chằm [11] chỉ phần lãnh thổ Phù Nam mà Chân Lạp đã xâm chiếm trước đó, tương ứng với vùng hạ lưu sông Mê Kông, tức vùng Nam Bộ của Việt Nam ngày nay.
 
Bản đồ Chân Lạp và Phù Nam
Bản đồ Chân Lạp. Ảnh: Epic world history
 

Sự ra đời và tồn vong của Chân Lạp 

• Nguồn gốc dân tộc Khmer và sự ra đời của Chân Lạp

Dân tộc Khmer vốn là một bộ lạc của người Môn cổ - chủ nhân của hầu như toàn bộ lưu vực sông Mê Kông, kể cả sông Sê Mun trên cao nguyên Khorat (Đông Bắc
 Thái Lan) và phía Đông nơi hội lưu của sông Mê Kông - sông Sê Mun (nay là đất Champasak - Lào). [12]

Tuy nhiên, từ thế kỷ III, một phần vùng đất của người Môn cổ đã bị Phù Nam xâm chiếm, nhất là vùng ngã ba sông, trong đó có khu vực sinh sống của một bộ lạc Môn cổ là tiền thân của người Khmer sau này.

Mặc dù bị phụ thuộc và phải cống nạp Phù Nam suốt 3 thế kỷ (thế kỷ IV – VI) nhưng bộ lạc Môn cổ này đã tiếp thu được văn hóa Ấn Độ thông qua tôn chủ của mình là vương quốc Phù Nam nhờ sự giao lưu kinh tế và văn hóa với vùng biển. Chính nhờ vậy mà bộ lạc này đã tiến bộ vượt lên, 
đến khoảng nửa cuối thế kỷ VI thì bắt đầu lập nước với vị vua đầu tiên là Bhavavarman, có niên đại khoảng năm 598. Tên nước được gọi theo tên của vua là Bhavapura.

Trên văn bia Baksei Chamkrong có niên đại thế kỷ X cũng khắc huyền tích về một ẩn sĩ Ấn Độ tên là Kampu Svayambhuva, đi đến xứ sở này thì ở lại, gặp gỡ và kết hôn với tiên nữ Mera vốn là con gái của thần Shiva. Con cháu họ về sau được gọi là hậu duệ (ja) của Kampu, hay Kampuja, phát âm là Kampuchea; từ đó mà có tên nước. Đôi vợ chồng thuỷ tổ Kambu - Mera trở thành tên dân tộc Khmer. [13] [14]

• Xâm chiếm và thôn tính vương quốc Phù Nam

Tuy đã lập nước, người Khmer, xuất thân từ một bộ lạc Môn cổ, vẫn không thể dễ dàng thu phục được các bộ lạc Môn cổ khác dù là đồng tộc. Mặc dù vậy, trên đà phát triển, người Khmer lại hướng tham vọng về tôn chủ cũ của họ: vương quốc Phù Nam.

Nước Phù Nam ra đời và phát triển trên châu thổ sông Cửu Long, trải qua 13 đời vua, 5 thế kỷ trước khi 
dân tộc Khmer và nước Bhavapura/ Chân Lạp hình thành. Nhưng từ thế kỷ VI, sự chuyển đổi đường giao thương trên biển ra xa bờ khi tuyến hải trình qua đường eo Malacca - Sunda trở thành tuyến chính của hải thương châu Á thay cho đường chạy qua eo Kra vào vịnh Thái Lan và cập cảng Óc Eo như trước đó đã khiến nền kinh tế thương mại cũng như vị thế của Phù Nam bị giảm sút; trong khi đó, nội bộ hoàng tộc lại có xung đột do tranh quyền giữa các hoàng tử con chính cung và thứ phi khiến Phù Nam bị khủng hoảng trầm trọng.

Lợi dụng tình hình đó, em trai của vua Bhavavarman là Chitrasena (cũng gọi là Mahendravarman) và con của ông là Isanavarman đã tiến đánh Phù Nam.

Trong bài
 Sự thiên di và sự hình thành những nhóm cư dân ở Đông Nam Á lục địa, Lương Ninh đã mô tả khá chi tiết sự kiện này như sau:

"Cuộc tấn công bắt đầu khoảng cuối thế kỷ VI, đã hạ được kinh đô của Phù Nam ở Angkor Borei. Vua Phù Nam rút chạy về phía Nam, có lẽ là đến cảng thị Óc Eo - Ba Thê và còn trụ ở đây cho đến khoảng năm 640, năm mà con Mahendravarman là Isanavarman tiến đánh tiếp. Dòng vua núi Sailendraraja chạy sang Java, tiếp tục duy trì vương triều của mình ở đây.

Vua Isanavarman của Bhavapura/ Chân Lạp không lui về đất cũ Sê Mun, cũng không lấy kinh đô cũ của Phù Nam ở Angkor Borei làm thủ đô mới, mà lui về Đông Biển Hồ Tonle Sap xây dựng kinh đô mới, gọi tên là Isanapura, nhưng trên kinh đô cũ của Phù Nam, ông cho xây dựng đền miếu thờ thần Hindu giáo, cúng tặng một số ruộng đất, vườn tược, nô lệ và kể rõ việc làm của mình trong một tấm bia khá dài, được coi là bia đầu tiên khắc chữ Khmer cổ, có niên điểm 611.

Năm này vừa được coi là mốc lớn mở đầu của văn hóa, ngôn ngữ, văn tự Khmer, vừa là mốc mở đầu của cuộc xâm chiếm và cai quản đất Phù Nam mà người Khmer tiến hành, năm bắt đầu của sự phổ biến văn hóa Khmer, đặc biệt là về mặt tôn giáo thờ Visnu và nghệ thuật tạc tượng Visnu phong cách Tiền Angkor. Đây cũng là mốc mở đầu cho cuộc di dân lần thứ nhất của người Khmer về phía Nam.

Giai đoạn này kéo dài chừng 1 thế kỷ (năm 611 - 713). Họ (
tức người Khmer) xuống chưa nhiều, bởi chính họ cũng còn tình trạng "đất rộng người thưa", nhưng điều chủ yếu là do họ không có thói quen làm ruộng chằm, không có thói quen làm thuỷ lợi nhân tạo mà quen sống và canh tác trên đất giồng, nhờ vào nước tự nhiên (tưới và tiêu tự nhiên trên thềm cao bằng nước mưa và đắp bờ vùng). Họ cũng chưa từng biết biển và không hào hứng với biển. Nhưng họ cũng thích sự mới lạ và sự giàu có của quốc gia mới bị chiếm. Họ xuống một ít, chiếm lấy những thềm cao, đồi gò và chân núi, tranh những 
điểm tụ cư cũ của người Phù Nam." [15] 

• Thời kỳ Chân Lạp chấm dứt và sự khởi đầu của thời kỳ Angkor

Năm 713, sau khi vua thứ 4 và là cuối cùng của vương quốc Chân Lạp là Jayavarman I qua đời, hoàng hậu Jayadevi nhiếp chính thì sự khủng hoảng đã xảy ra. Sử liệu Trung Quốc như Cựu Đường thưTân Đường thư đều ghi nhận sau năm Thần Long đời Đường (705 - 707), Chân Lạp chia rẽ thành hai nước là Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp.

Trong bối cảnh đó, người Java tấn công 2 lần đến kinh đô của Thủy Chân Lạp ở Sambor PreiKuk, năm 774 và đến năm 787 thì chiếm đóng, bắt vua và một số hoàng thân mang về Java, để lại quân cai quản trong 20 năm (787 - 802). 
 
Một người trong hoàng tộc Chân Lạp bị bắt làm tù binh đã trốn thoát từ Java về nước, tập hợp lực lượng và lên ngôi vua lấy hiệu là Jayavarman II (năm 802), tự xưng là chakravartin (nghĩa là "vua của các vua" hoặc "hoàng đế của thiên hạ"đặt nền móng cho đế quốc Khmer. 

Vua Jayavarman II thu phục dần dần từng lãnh chúa địa phương và co về phía Tây - bắc Biển Hồ, nơi sẽ xây kinh đô Angkor. Từ đây chấm dứt thời kỳ Chân Lạp, bắt đầu thời kỳ Angkor. [16]

Chú thích

[1]
Tùy thư, quyển 83 Nam Man [Dẫn theo: Châu Hải Đường. (2021). An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa. Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn. Tr. 275].

[2]Cựu Đường thưquyển 197 - Nam Man, Tây Nam Man  [Dẫn theo: Châu Hải Đường, An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa, Sđd, tr. 280].

[3]Tân Đường thưquyển 222 Hạ - Nam Man (Hạ) [Dẫn theo: Châu Hải Đường, An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa, Sđd, tr. 283].

[4]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Sử học. (2007). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1. NXB Giáo Dục. Tr.193.


[5]Lak (hoặc Lac) xuất xứ từ Phạn ngữ Sanskrit là lakh (tiếng Anh là shellac). Đây là một loại nhựa tự nhiên được lấy từ cánh của côn trùng mà ở đây là sáp cánh kiến đỏ.

[6]. Cyclamen Trần. (2005). Nhựa cánh kiến (Shellac). Vietsciences. Đăng ngày 21/11/2005. 

[7]. Trong bài viết Nước Phù Nam và hậu Phù Nam (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1 năm 2010), Lương Ninh ghi
 là năm 649.

[8]Cựu Đường thưquyển 197 - Nam Man, Tây Nam Man  [Dẫn theo: Châu Hải Đường, An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa, Sđd, tr. 280].

[9]Tân Đường thưquyển 222 Hạ - Nam Man (Hạ) [Dẫn theo: Châu Hải Đường, An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa, Sđd, tr. 284].

[10]Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Sử học, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Sđd, tr.193.

[11]Tức là làm ruộng ở vùng đất thấp, trũng thường bị ngập nước.

[12], [13]
Lương Ninh. (2003). Sự thiên di và sự hình thành những nhóm cư dân ở Đông Nam Á lục địaTạp chí Khoa Học, Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Tr. 39.

[14]Huyền tích về đôi vợ chồng thủy tổ của người Khmer phần nào cũng giống huyền tích của tôn chủ cũ của họ là Phù Nam, nói về sự tích đạo sĩ Ấn Độ Kaundinya (Hỗn Điển) kết hôn với nữ hoàng Soma (Liễu Diệp), sinh ra dòng giống Phù Nam. Cả hai huyền tích này đều được ghi riêng rẽ trong thư tịch Trung Hoa và trên bi ký của một nước thứ ba là Champa. Có lẽ người Khmer muốn tạo nên sự đối xứng với tôn chủ cũ của họ làPhù Nam, kể cả huyền tích về nguồn gốc của dân tộc mình chăng?

[15], [16]. Lương Ninh, Sự thiên di và sự hình thành những nhóm cư dân ở Đông Nam Á lục địa, tài liệu đã dẫn, tr. 41, 42, 43.
 

Thư mục

• Étienne Aymonier. (1900 - 1904). Le Cambodge. Paris: Ernest Leroux.

• Lawrence Palmer Briggs. (1951). The Ancient Khmer Empire. Thailand: White Lotus Press. ISBN-974-8434-93-1

• Châu Hải Đường. (2021). An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa. Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn.

• Cyclamen Trần. (2005). Nhựa cánh kiến (Shellac)Vietsciences. Đăng ngày 21/11/2005. 

 Lê Hương. (1974). Sử liệu Phù Nam. Sài Gòn: NXB Nguyên Nhiều.  

• Nguyễn Văn Kim chủ biên. (2021). Vùng đất Nam Bộ, tập III: từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI. Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật.

• J. Moura. (1883). Le Royaume du CambodgeParis: Ernest Leroux. 

• Nguyễn Đức Nhuệ. (2008). Nam Bộ từ sau diệt vong của vương quốc Phù Nam đến cuối thế kỷ XVII. Tạp chí Xưa và Nay, số 308, tháng 5/ 2008. Tr. 31 - 34.

 Lương Ninh. (2003). Sự thiên di và sự hình thành những nhóm cư dân ở Đông Nam Á lục địa. Tạp chí Khoa Học, Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

• Chu Đạt Quan, người dịch Lê Hương. (1973). Chân Lạp phong thổ ký. Sài Gòn: NXB Kỷ Nguyên Mới.

• Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Sử học. (2007). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1. NXB Giáo Dục.

 Wikipedia.org | Shellac 

Bình luận (0)