Sài Gòn là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi Sài Gòn | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 16/11/2022

Sài Gòn là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi Sài Gòn

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Sài Gòn là tên gọi khác của thành phố Hồ Chí Minh và có lẽ là một trong những tên gọi tốn khá nhiều công sức của các nhà nghiên cứu nhiều thế hệ trong việc lý giải nguồn gốc địa danh này. Cho đến nay, việc tầm nguyên ý nghĩa tên gọi Sài Gòn vẫn chưa có hồi kết. 

Mặc dù đã có nhiều sách báo, tài liệu viết về chủ đề này nhưng chúng tôi [Quang Nguyễn] vẫn muốn đóng góp một góc nhìn khác hầu rộng thêm đường tham khảo về tên gọi Sài Gòn. 


1. Tên gọi Sài Gòn được nhắc đến lần đầu tiên từ bao giờ?


Trong cuốn Phủ biên tạp lục viết năm 1776, Lê Quý Đôn đã nhắc đến địa danh Sài Gòn.

Lê Quý Đôn nhắc đến Sài Gòn trong Phủ biên tạp lục
Nguồn đã dẫn, trang 76. Ảnh: Quang Nguyễn

Ngoài ra, cũng trong quyển sách này, Lê Quý Đôn tiếp tục nhắc đến tên gọi Sài Gòn khi trích thư của Nguyễn Cư Trinh gửi chúa Nguyễn Phúc Khoát tấu trình về việc lập châu Định Viễn sau khi đánh nước Cao Miên, thu nhận được đất Tầm Đôn và Xôi Lạp, xin trích dẫn như sau:

"Từ xưa dụng binh chẳng qua chỉ muốn giết kẻ cừ khôi, mở rộng đất đai. Tự dinh đồn Gia Định đến dinh La Bích, đường đi xa xôi, nghìn rừng muôn rú, không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang bờ cõi, cũng nên trước lấy hai phủ ấy để giữ vững sau lưng hai dinh. Nếu bỏ gần lấy xa, sợ hình thế gián cách, dân binh không tiếp nhau, lấy thì tuy dễ, giữ thì rất khó. Đời trước lập Gia Định, tất trước mở xứ Mỗi Xoài[1], rồi mở xứ Đồng Nai, để cho quân dân hoàn tụ, rồi mới mở xứ Sài Gòn, thế là lấy ít đánh nhiều, lấn dần như tằm ăn. Nay đất cũ từ Mỗi Xoài đến Sài Gòn đường đi 2 ngày, dân chưa khai khẩn hết ruộng, binh đóng vẫn chưa đủ huống nữa từ Sài Gòn đến Tầm Đôn là 6 ngày đường, đất rộng ruộng nhiều, dân số có đến hàng vạn, chính binh đóng đồn thực lo không đủ" (Nguồn đã dẫn, trang 159-160).

Như vậy, ít nhất tên gọi Sài Gòn đã tồn tại trước năm 1776 - thời điểm Lê Quý Đôn viết Phủ Biên tạp lục.

 

2. Trương Vĩnh Ký có thật sự đưa ra giả thuyết tên gọi Sài Gòn được phiên âm từ tiếng Khmer Prei Nokor?


Một số sách báo, tài liệu cho rằng Trương Vĩnh Ký là người đã đưa ra giả thuyết tên gọi Sài Gòn được phiên âm từ tiếng Khmer Prei Nokor, dựa vào danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt Miên ở nam Kỳ trong cuốn Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ của ông!

Trên trang Atabook.com của chúng tôi hiện đang có cả bản in lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1875 (
Petit Cours de Géographie de la Basse-Cochinchine) và cả bản dịch tiếng Việt Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ của Nguyễn Đình Đầu do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1997, tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy bảng danh sách này! E rằng có sự nhầm lẫn nào không?
 

3. Các cách lý giải về tên gọi Sài Gòn 


Có khá nhiều lý giải về tên gọi Sài Gòn, dưới đây là một số giải thuyết phổ biến nhất

• Sài Gòn là nơi có nhiều củi gòn 


- Năm 1885, trong cuốn Souvenirs Historiques Sur Saigon Et Ses Environs (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận), ngay từ phần đầu của sách, học giả Trương Vĩnh Ký đã đặt vấn đề về tên gọi Sài Gòn. Theo đó, ông dẫn nguồn từ cuốn Description de la Basse-Cochinchine mà ông tự chú là Gia Định thông chí, cho rằng Sài Gòn là nơi có nhiều cây gòn do người Cao Miên trồng. 

Trương Vĩnh Ký giải thích tên gọi Sài Gòn
Nguồn đã dẫn, trang 4. Ảnh: Quang Nguyễn

Dịch nguyên văn từ tiếng Pháp:

Sài Gòn là tên xưa đặt cho thành phố Hoa kiều bấy giờ [tức Chợ Lớn - Quang Nguyễn]. Theo tác giả Gia Định thông chí [tức tác giả cuốn Description de la Basse-Cochichine mà Trương Vĩnh Ký tự chú là Gia Định Thông Chí - Quang Nguyễn], Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ (để đun, đốt); Gòn là tiếng Nam chỉ bông gòn hoặc cây bông gòn (nhẹ và xốp hơn bông thường). Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh những đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận. Người Pháp gọi thành phố là Sài Gòn vì thấy tên này có ghi trong các bản đồ địa lý của tây phương vẽ, ở đây người ta gọi thành phố bằng một tên phổ thông nhưng nôm na, xưa nay tên này chỉ chung cả địa phận tỉnh Gia Định" [1]

• Năm 1895, trong cuốn Đại Nam Quấc Âm tự vị, ông Huình-Tịnh Paulus Của cũng giải thích Sài nghĩa là củi; Gòn là tên cây có bông nhẹ xốp hơn bông thường, thường dùng mà dồi gối. Riêng Sài Gòn thì Huình-Tịnh Paulus Của vẫn giảng là: "Tên riêng đất Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là Bến Nghé", "tên xứ ở về tỉnh Gia Định". 
 
Huỳnh Tịnh Của - Sài là gì

Huỳnh Tịnh Của - Gòn là gì
 

• Sài Gòn là phiên âm từ Prei Nokor của người Khmer, nghĩa là "Thị trấn ở trong rừng" 

 
Trương Vĩnh Ký cho rằng tên gọi Sài Gòn được phiên âm từ Prei Nokor của người Khmer. Giả thuyết này được ông Ký đưa ra trong cuốn Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ của mình. Một loạt cách gọi tương tự về địa danh Việt - Miên ở Nam Kỳ phiên âm giống vậy như Cần Giờ là từ KancoCần Giuộc là KantuộcGò Vấp là Kompăp

Prei theo tiếng Khmer nghĩa là rừng, còn Nokor là thị trấn. Như vậy Prei Nokor nghĩa là một thị trấn ở trong rừng. Nghĩa rộng hơn theo Phạn tự là lâm quốc. Vùng này trước đây là đại bản doanh của một Phó vương nước Chân Lạp cũ.

Dần dần, người dân đọc trại từ Prei thành Rai rồi thành Sài. Từ Nokor đọc lướt thành Kor và từ Kor thành ra Gòn.

Căn cứ của lý giải này dựa vào việc Prei Nokor xưa kia là rừng rậm có nhiều cây gòn được dân cư sử dụng làm củi, học giả Trương Vĩnh Ký kể lại rằng, người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai. Chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ tại đó năm 1885.

Tuy nhiên giả thuyết này bị cho là không có căn cứ, vì qua thời gian, không ai tìm ra được dấu tích của một “khu rừng có nhiều cây gòn” tại Prei Nokor cả, mà đó chỉ là suy đoán.

 

• Sài Gòn là phiên âm tiếng Quảng Đông Tai-Ngon/ Thầy Ngồn (Đề Ngạn), nghĩa là "Vùng đất ăn nên làm ra"


Học giả Vương Hồng Sển cho rằng không thể dựa vào ngữ nghĩa hai từ Sài Gòn hay Prei Nokor để phân tích. Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, cụ Vương đã dày công tra cứu hàng loạt sách báo Pháp lẫn Việt. Ngoài ra, ông đi thu thập dữ liệu từ dân gian nên rút ra cách lý giải khác.

Theo Vương Hồng Sển, khi người Hoa rời Cù lao Phố (Biên Hòa) vào năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay. Họ nhận ra đây là nơi "ăn nên làm ra" cần được củng cố cho thật bền vững. Người Hoa cho đắp thêm bờ kinh cao ráo và kiên cố hơn, và gọi vùng đất này là Tai-Ngon hay Tin-gan mà theo Hán Việt là Đề Ngạn.

Đề Ngạn phát âm theo giọng Quảng Đông nghe ra là Thầy Ngồn hay Thì Ngòn. Và đó chính là âm để gọi vùng đất Chợ Lớn thời ấy. Theo thuyết này của cụ Vương thì âm Sài Gòn là từ Thầy Ngồn, Thì Ngồn mà ra.

Tuy nhiên theo Phủ Biên tạp lục của Lê Qúy Đôn viết năm 1776 có dữ kiện “năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn”… Đây cũng là lần đầu tiên hai từ Sài Gòn xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Điều này chứng tỏ từ Sài Gòn có trước thời điểm người Hoa đến Chợ Lớn nên cách lý giải của Vương Hồng Sển là không thuyết phục. 

• Sài Gòn là phát âm theo từ Tây ngòn (Tây cống) của tiếng Hoa, nghĩa là "Cống phẩm của phía Tây" 


Học giả người Pháp Louis Malleret cho rằng Sài Gòn có nguồn gốc từ tiếng Tây ngòn - nghĩa là cống phẩm của phía tây (Tây Cống). Tiếng Tây ngòn phát âm theo giọng người Hoa thành Sài Gòn.


Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này vì dựa vào dữ kiện lịch sử do Trịnh Hoài Ðức chép lại. Khi Campuchia bị phân ra cho hai nhà nước thì cả hai vua đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor. 

Về lý giải này của học giả người Pháp, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng "Tây Cống" chỉ được người Hoa dùng sau này. Ngày trước vùng Chợ Lớn được gọi là Sài Gòn nhưng khi người Pháp chiếm các tỉnh Đông Nam bộ đã gọi vùng Bến Nghé là Sài Gòn vì tên Bến Nghé quá khó đọc với họ.

Hình ảnh Sài Gòn xưa
Nguồn gốc tên gọi Sài Gòn vẫn còn đang bỏ ngỏ dành cho các nhà nghiên cứu. Ảnh: 

 
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc tham khảo các cách lý giải về nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi Sài Gòn. Nếu bạn đọc nào có nghĩa ý kiến khác để lý giải nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi sài Gòn, hãy để lại bình luận bên dưới hoặc xem thêm các bài viết thú vị khác trên Atabook.com

Tham khảo

• Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, Viện Sử Học, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2007

• Trương Vĩnh Ký, Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ, người dịch Nguyễn Đình Đầu, NXB Trẻ, 1997

• Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam Quốc Âm tự vị, Sài Gòn, 1895

• Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2004
 

5 cuốn sách hay viết về Sài Gòn


• Ký ức về lịch sử Sài Gòn và các vùng phụ cận là bài diễn văn do học giả Trương Vĩnh Ký viết và đọc tại trường Thông ngôn khi ông làm giám đốc, và được in lại trong tập san Du ngoạn và Thám sát (Excursions et Reconnaisances) năm 1885.

 Sài Gòn năm xưa là một tác phẩm của học giả Vương Hồng Sển được đông đảo độc giả yêu thích với những câu chuyện đã xưa cũ, từng tồn tại một thời không xa nhưng mới đây thôi mỗi khi nghĩ lại sẽ rất dễ khiến con người thổn thức cõi lòng mình. 

• Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ viết về một Sài Gòn xưa qua những mảnh hồi ức vô cùng sống động của nhà văn Lê Văn Nghĩa. Đó là một Sài Gòn lạ lẫm với những hàng cây cao su, Sài Gòn rực rỡ ánh đèn màu của các rạp cải lương, Sài Gòn sôi động với các ban nhạc trẻ, Sài Gòn với bến tắm ngựa và những con đường ghi đậm dấu tích một thuở.

• Vọng Sài Gòn khiến cho bất cứ ai, dù sống ở đây chưa lâu hay có gốc gác nhiều đời ở vùng đất này, vừa cảm thấy gần gũi nhiều điều cuốn sách đề cập đến, vừa cảm thấy tình không đủ nặng, yêu chưa da diết và còn nhiều thờ ơ với nó, khi đọc những trang viết của Trác Thúy Miêu.

• Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và ... Em là một "món hời" với bạn đọc của cây bút best-seller Anh Khang, bởi không có cuốn sách nào mà khi cầm trên tay bạn lại được cảm nhận, trải nghiệm nhiều đến thế
Bình luận (0)