Tên gọi Việt Nam nghĩa là gì?
Quang Nguyễn
Việt Nam nghĩa là nước của người Việt ở phương Nam hoặc nước Nam của người Việt.
Bản đồ Việt Nam. Ảnh: Thuvienvector.com
Quốc hiệu Việt Nam có từ khi nào?
Theo Đại Nam thực lục 大南實錄 của Quốc Sử Quán triều Nguyễn (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2002), ngay khi mới lên ngôi vào tháng 5 năm 1802 thì tháng 6 năm 1802, vua Gia Long(1) đã phái đoàn sứ giả do thượng thư hộ Bộ là Trịnh Hoài Đức(2) làm chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc), đem trao trả lại sắc ấn mà triều Thanh đã phong cho nhà Tây Sơn. Đến tháng 11 năm 1802, Gia Long lại phái đoàn sứ giả do thượng thư bộ Binh là Lê Quang Định(3) làm chánh sứ sang nhà Thanh xin phong vương và xin đặt quốc hiệu là Nam Việt.
Hai đoàn này đi sứ đến tháng 7 năm 1803 thì về nước. Đến tháng giêng năm 1804, Án sát Quảng Tây là Tề Bố Sâm mới được vua Thanh phái sang mang cáo sắc, quốc ấn đến Thăng Long để làm lễ phong vương cho Nguyễn Phúc Ánh.
Đại Nam thực lục đệ nhất kỷ, quyển 23 (Thực lục về Thế tổ Cao Hoàng Đế) chép về việc này như sau (nguyên văn):
“Giáp tý, Gia Long năm thứ 3 [1804] (Thanh - Gia Khánh năm thứ 9), mùa xuân, tháng giêng, vua(4) ở hành cung thành Thăng Long. Sứ nhà Thanh là Án sát Quảng Tây Tề Bố Sâm đến cửa Nam Quan. Trước là người Thanh bị Nguyễn Văn Huệ(5) đánh thua, vẫn sợ thế giặc Tây Sơn là mạnh. Kịp khi nghe quân ta(6) dẹp giặc, đánh đâu được đấy, lấy làm kinh dị.
Mùa hạ năm Nhâm tuất, vua sai bọn Trịnh Hoài Đức vượt biển sang thăm, đưa những sắc án nhà Thanh phong cho Tây Sơn mà ta bắt được, lại xin nghiêm phòng biên giới để triệt đường giặc chạy. Vua Thanh bèn sai Tổng đốc Lưỡng Quảng đóng giữ địa đầu để nghiêm phòng bị. Thế là Tây Sơn không còn đất trốn, đem đầu chịu giết. Khi việc xong, vua lại sai bọn Lê Quang Định sang xin phong và xin đổi quốc hiệu, trong thư lược nói : “Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã quét sạch miền Nam, vỗ yên được toàn cõi Việt, nên khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt”.
Vua Thanh trước cho rằng chữ Nam Việt giống chữ Đông Tây Việt nên không muốn cho. Vua hai ba lần phục thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong. Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước, gửi thư lại nói: “Khi trước mới có Việt Thường đã xưng Nam Việt, nay lại được toàn cõi An Nam, theo tên mà xét thực thì nên tóm cả đất đai mở mang trước sau, đặt cho tên tốt, định lấy chữ Việt mào ở trên để tỏ rằng nước ta nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới để tỏ rằng nước ta mở cõi Nam giao mà chịu mệnh mới, tên xưng chính đại, chữ nghĩa tốt lành, mà đối với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở nội địa [Trung Quốc] lại phân biệt hẳn”. Đến đây vua Thanh sai Bố Sâm đem cáo sắc và quốc ấn đến phong, lại cho gấm đoạn và đồ khí mãnh" (Dẫn theo Đại Nam thực lục tập 1, chính biên, đệ nhất kỷ, quyển XXIII, Thực lục về Thế tổ Cao Hoàng đế, tr. 580).
Như vậy, quốc hiệu Việt Nam chính thức được thừa nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao là từ năm 1804.
Ý nghĩa tên gọi Việt Nam
Hiện nay, ý nghĩa tên gọi Việt Nam vẫn còn tranh luận, trong đó chủ yếu có hai ý kiến chính như sau:
1. Việt Nam là sự kết hợp của Việt Thường và An Nam
Quan điểm này chủ yếu dựa vào thư từ và quá trình thương lượng qua lại từ năm 1802 - 1804 giữa nhà Nguyễn và nhà Thanh về việc đổi quốc hiệu được ghi nhận trong Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn. Theo đó, dù là Nam Việt hay Việt Nam thì Việt cũng là tên gọi tắt của Việt Thường và Nam là gọi tắt của An Nam.
Mặc dù đến nay, Việt Thường nằm ở đâu vẫn chưa được làm sáng tỏ(7) nhưng phần đông những nhà làm sử từ thời nhà Nguyễn trở về trước thì Việt Thường dùng để chỉ vùng lãnh thổ nằm phía nam Giao Chỉ, có thể bao gồm cả Phù Nam, Chăm Pa, Chân Lạp, tức là Đàng Trong. Còn An Nam là xứ lấy Thăng Long làm kinh đô, tức là Đàng Ngoài.
Như vậy, Việt Nam dùng để chỉ một lãnh thổ thống nhất giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, tức là giữa Việt Thường và An Nam. Theo đó, Việt Nam là quốc hiệu mang ý nghĩa về sự hợp nhất lãnh thổ, bao gồm nhiều cộng đồng dân tộc chứ không chỉ riêng dân tộc Việt.
2. Việt Nam là nước của người Việt ở phương Nam, hoặc nước Nam của người Việt
Chúng tôi ủng hộ quan điểm này!
Khoan bàn về ý nghĩa quốc hiệu Việt Nam [chúng tôi nhấn mạnh chữ Quốc hiệu - Quang Nguyễn], không phải đến tận đầu thế kỷ 19 khi Gia Long lên ngôi vua thì cái tên Việt Nam mới xuất hiện, tên gọi Việt Nam (chúng tôi nhấn mạnh chữ tên gọi - Quang Nguyễn) đã được biết đến ít nhất từ thế kỷ 14 trong các thư tịch, bi ký còn lưu giữ lại đến ngày nay như: Việt Nam thế chí tự (越南世志序) của Hồ Tông Thốc (thế kỷ 14)(8), Dư địa chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ 15), Sấm ký của Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ 16), Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn (thế kỷ 18),....
Vậy ý nghĩa của tên gọi Việt Nam trong các thư tịch này là gì khi Việt Nam lúc ấy chưa trở thành quốc hiệu vì chưa được các triều đại phong kiến nước ta tuyên bố hoặc ghi nhận bằng pháp luật, tức là vẫn chưa phải là quốc hiệu?
Chúng tôi cho rằng tên gọi Việt Nam giai đoạn ấy chính là lấy Trung Quốc - “gã hàng xóm” phương Bắc, làm hệ quy chiếu: Việt Nam là "nước của người Việt ở phương Nam" để làm đối trọng với Trung Quốc là "nước của người Hán ở phương Bắc".
Theo đó, tên gọi Việt Nam khẳng định sự tự tôn dân tộc và tinh thần không khuất phục của người Việt đối với sự bành trướng và đồng hóa của người Hán.
Có hai sự trùng hợp khá thú vị giữa Việt Nam và Trung Quốc mà chúng tôi liệt kê dưới đây nhằm rộng đường tham khảo trong luận điểm về ý nghĩa tên gọi Việt Nam chúng tôi đưa ra ở trên.
1. Tên gọi Việt Nam dù được nhắc đến từ trước đó ít nhất nửa thiên niên kỷ, thậm chí là tên gọi Trung Quốc được nhắc đến còn lâu hơn thế (ít nhất là từ thế kỷ 5 trước công nguyên trong cuốn Kinh Thư do Khổng Tử san định) nhưng chính thức trở thành quốc hiệu thì lại cách đây không lâu, như Việt Nam là từ năm 1804, còn Trung Quốc thậm chí đến năm 1912 mới chính thức trở thành quốc danh khi Trung Hoa Dân Quốc kiến lập.
2. Việt Nam và Trung Quốc có số lượng dân tộc khá suýt soát nhau (hiện nay Việt Nam có 54 dân tộc, còn Trung Quốc có 56 dân tộc) và ở mỗi nước đều có một dân tộc chính với số lượng đông đảo vượt trội so với các dân tộc khác, trở thành đại diện của quốc gia đó mỗi khi nhắc đến. Cụ thể, người Việt (tức người Kinh) ở Việt Nam chiếm 86.2%, còn ở Trung Quốc, người Hán (còn gọi là người Trung Hoa, người Trung Quốc, người Tàu, ...) chiếm tới gần 92%!
Chúng tôi nhắc hai đặc điểm trên để một lần nữa khẳng định rằng ý nghĩa tên gọi Việt Nam trong lịch sử dân tộc ta chính là lấy Trung Quốc làm hệ quy chiếu:
►►
Người Việt phương Nam > < người Hán phương Bắc.
Hãy nhớ rằng, tổ tiên của người Hán có nguồn gốc du mục, ban đầu vốn chỉ là bộ lạc làm nông nghiệp sống dọc theo lưu vực sông Hoàng Hà. Nhưng họ đã bành trướng và sử dụng chính sách đồng hóa với các dân tộc khác, kết quả là nhiều nhóm dân tộc vốn không phải người Trung Quốc đã bị "Hán hóa". Đến ngày nay, người Hán là nhóm dân tộc lớn nhất thế giới, chiếm 18% dân số toàn cầu! Riêng Singapore, người gốc Hán chiếm khoảng 75% tổng dân số quốc gia này!
Điều đó càng cho thấy tên gọi Việt Nam mà ông cha ta đã sử dụng trong lịch sử (ít nhất là từ thế kỷ 14 với thư tịch, bi ký còn lưu giữ lại), có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì đó là lời khẳng định một nước nhỏ như Việt Nam dù từng bị người Hán đô hộ cả nghìn năm và không ngừng áp dụng chính sách đồng hóa, Hán hóa nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc Việt, vẫn là "người Việt ở phương Nam", vẫn là "nước Nam của người Việt".
|
Quay trở lại với quốc hiệu Việt Nam, sau khi lên nối ngôi vua Gia Long, vua Minh Mạng cho đổi quốc hiệu là Đại Nam (1838) và cái tên Việt Nam không còn thông dụng như trước nữa.
Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, hai tiếng Việt Nam được sử dụng trở lại bởi các nhà sử học và chí sĩ yêu nước, trong nhiều tác phẩm và tên tổ chức chính trị: Phan Bội Châu viết Việt Nam vong quốc sử (năm 1905) rồi cùng Cường Để thành lập Việt Nam công hiến hội (năm 1908), Việt Nam quang phục hội (năm 1912); Phan Chu Trinh viết Pháp – Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam; Trần Trọng Kim viết Việt Nam sử lược; Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (năm 1925) và Việt Nam độc lập đồng minh hội (1941),...
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, trao chính quyền hình thức cho Bảo Đại. Vua Bảo Đại đã đổi quốc hiệu từ Đại Nam sang Việt Nam.
Ngày 19/8/1945, Cách Mạng Tháng Tám thành công, vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 2/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Hiến pháp năm 1976 chính thức thể chế hóa quốc hiệu này và đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sử dụng cho đến ngày nay.
Chú thích
(1) Gia Long (chữ Hán: 嘉隆; 8 tháng 2 năm 1762 – 3 tháng 2 năm 1820), tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (阮福暎, thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh), là Hoàng đế đã thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
(2) Trịnh Hoài Đức (chữ Hán: 鄭懷德; 1765 - 1825), còn có tên là An (安), tự Chỉ Sơn (止山), hiệu Cấn Trai (艮齋); là một công thần của triều Nguyễn, là một nhà thơ, nhà văn và là một sử gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 18. Đặc biệt, quyển Gia Định thành thông chí của ông cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng nhất cho các nhà nghiên cứu sử học và địa lý của miền Nam Việt Nam.
(3) Lê Quang Định (chữ Hán: 黎光定; 1759 - 1813), là văn thần đầu đời Nguyễn, và là nhà thơ có tiếng trong nhóm Sơn Hội ở Gia Định và Bình Dương thi xã. Ông cùng Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh (1761 - 1813) được người đương thời xưng tụng là Gia Định tam gia của đất Gia Định xưa.
(4) Tức vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh)
(5) Tức Nguyễn Huệ (vua Quang Trung)
(6) Tức quân nhà Nguyễn
(7) Đến nay giới nghiên cứu lịch sử vẫn còn hai quan điểm trái ngược nhau về nước Việt Thường và vị trí của nước Việt Thường, gồm phái chủ trương có nước Việt Thường miền Cửu Chân, cụ thể là vùng Nghệ Tĩnh ngày nay và phái phủ nhận nước Việt Thường ở Việt Nam, trong đó có học giả Đào Duy Anh. Trong cuốn Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Đào Duy Anh phản bác nước Việt Thường ở Việt Nam. Ông cho rằng đó là quốc gia của người Việt ở Nam Dương Tử bên Trung Quốc.
(8) Trích trong tuyển tập Thơ văn Lý- Trần (tập 3) - trang 75. Việt Nam thế chí là một cuốn sách sử biên soạn về các đời vua của nước ta, song đến nay đã thất truyền, chỉ còn lại bài tự này. Theo khảo cứu, hai chữ Việt Nam xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử là từ tập sách này. Nguyên văn bài tự này như sau:
越南世志序
世志之作,其來尚矣。考諸既往,以明乎端本之流傳;稽諸傳聞,以著乎古今之標準。第信疑相間,有未盡于人心。然世變各殊,豈不涉于怪誕。千年而下,難以概詳,按索簡編,曷克查究,輯校窮原,寸懷勞苦。或有問于余曰:舍怪存常聖賢之道也,子何乃拘于印舊,而徇然不著明新信,以革世之惑耶?
余答曰:太古之初,混沌未判,中土猶有漫茫之說,如補天觸山奠鰲十日之類,後世據經論議會計無門,是耶非耶,存之史冊。況我越,地在天末,風鑒各殊。蓋自洪荒之始,緇塵迥隔,草昧乾坤,文籍未具,禮樂未作,以為誠有耶,曷克而知焉,以為誠無耶,莫從何而可考。是故,拾遺餘響,得之傳言,采摭其類,以紹記耳。其奇怪之跡,寥然難稽,故存之,以俟後君子,豈敢有穿鑿毀言以誣世惑民者乎?讀者須留心以細認,刻抑推驗,則玉石彰然,著明其形聲影響,不敢自潰矣。
且,我南天疆宇,炎壤之墟,塵海茫茫,英君大作雖江山溟漠,辯別靡常:自亙古以來,總關俗跡,詢載于已往,靳憑耆耄之傳。檢驗于相稽,現有廟堂之奉。拙時忘其故陋,述簡寓略其所遺;蓋欲俟後之進步博格高明者,朗日憶情,庶乎知所先後,無自錯誤。倘若,正諸其靈,工諸筆端,削剝研精,刊行于世,使人人洞察古今,默會玄微,其亦傳中之史記歟!是為序。
Việt Nam thế chí tự
Thế chí chi tác, kỳ lai thượng hỹ. Khảo chư ký vãng, dĩ minh hồ đoan bản chi lưu truyền; kê chư truyền văn, dĩ trứ hồ cổ kim chi tiêu chuẩn. Đệ tin nghi tương gián, hữu vị tận vu nhân tâm. Nhiên thế biến các thù, khởi bất thiệp vu quái đản. Thiên niên nhi hạ, nan dĩ khái tường, án sách giản biên, hạt khắc tra cứu, tập hiệu cùng nguyên, thốn hoài lao khổ. Hoặc hữu vấn vu dư viết: Xả quái, tồn thường thánh hiền chi đạo dã, tử hà nãi câu vu ấn cựu, nhi tuẫn nhiên bất trứ minh tân ngôn, dĩ cách thế chi hoặc da?
Dư đáp viết: Thái cổ chi sơ, hỗn độn vị phán, trung thổ do hữu mạn mang chi thuyết, như bổ thiên, xúc sơn, điện ngao, thập nhật chi loại, hậu thế cứ kinh luận nghị cối kế vô môn, thị da, phi da, tồn chi sử sách. Huống ngã Việt, địa tại thiên mạt, phong giám các thù. Cái tự hồng hoang chi thuỷ, truy trần quýnh cách, thảo muội càn khôn, văn tịch vị cụ, lễ nhạc vị tác, dĩ vi thành hữu da, hạt khắc nhi tri yên, dĩ vi thành vô da, mạc tòng hà nhi khả khảo. Thị cố, thập di dư hưởng, đắc chi truyền ngôn, thái chích kỳ loại, dĩ thiệu thế ký dĩ. Kỳ kỳ quái chi tích, liêu nhiên nan kê, cố tồn chi, dĩ sĩ hậu quân tử, khởi cảm hữu xuyên tạc huỷ ngôn dĩ vu thế hoặc dân giả hồ. Độc giả tu lưu tâm dĩ tế nhận, khắc ức suy nghiệm, tắc ngọc thạch chương nhiên, trứ minh kỳ hình thanh ảnh hưởng, bất cảm tự hội hỹ.
Thả, ngã Nam thiên cương vũ, viêm nhưỡng chi khư, trần hải mang mang, anh quân đại tác tuy giang sơn minh mạc, biện biệt mỹ thường: Tự cắng cổ dĩ lai, tổng quan tục tích, tuân tái vu dĩ vãng, ngận bằng kỳ mạo chi truyền. Kiểm nghiệm vu tương kê, hiện hữu miếu đường chi phụng.
Chuyết thời vong kỳ cố lậu, thuật giản ngụ lược kỳ sở di; cái dục sĩ hậu chi tiến bộ bác cách cao minh giả, lãng nhật ức tình, thứ hồ tri sở tiên hậu, vô tự thác ngộ. Thảng nhược, chính chư kỳ linh, công chư bút đoan, tuớc bác nghiên tinh, san hành vu thế, sử nhân nhân động sát cổ kim, mặc hội huyền vi, kỳ diệc truyện trung chi sử ký dư! Thị vi tự.
Dịch nghĩa:
Bài tựa sách Việt Nam thế chí
Sách chép về thế phả, vốn có từ lâu, khảo xét các đời đã qua để rõ nguồn gốc lưu truyền, kê cứu những điều truyền văn, đề rõ những tiêu chuẩn xưa nay. Hiềm vì chuyện tin chuyện ngờ lẫn nhau, có điều chưa hợp hẳn với lòng người. Nhưng việc đời biến đổi khác nhau thì làm sao lại khỏi có những điều quái gở. Nghìn năm về sau, khó lòng biết được đầy đủ, mà tìm trong sách vở cũng không thể tra cứu vào đâu được. Bởi vậy, ghi chép về nguồn gốc thực là nhọc lòng lắm. Có người hỏi tôi rằng : "Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?
Tôi đáp rằng: Thời Thái cổ còn hỗn mang, chưa phân biệt trời đất, ngay trung thổ cũng còn có nhiều thuyết hoang đường, như những chuyện vá trời, húc núi, lấy chân ngao làm cột trời, mười mặt trời cùng mọc v.v.. đời sau cứ theo sách mà bàn luận, không kê cứu vào đâu được, đúng hay không đúng, vẫn còn ghi chép trong sử sách. Huống chi đất Việt ta ở vào cõi xa, sự hiểu biết cũng khác, từ đời hồng hoang thời gian xa cách, trong lúc mới mở mang, sách vở chưa đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có, thì do đâu mà xét ra? Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá; thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử; tôi đâu tự dám cho ý mình là thỏa đáng.
Vả lại, nước Nam ta ở vào giải (tức dải - Quang Nguyễn) đất nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng đời nào cũng có. Dẫu rằng núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền và dấu vết, hỏi việc và dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể chuyện lại; xét nghiệm ở tương lai thì có những đền miếu cúng thờ.
Tôi quên mình hẹp hòi quê hủ, chép sơ lược những chuyện ngụ ngôn, những điều truyền thuyết, muốn đợi các bậc cao minh học rộng tiến bộ sau này, nhận rõ xét kỹ mới có thể biết được trước sau mà không tự nhầm lẫn. Nếu có ai sửa lại cho tập này được đúng, cho lời chép được hay, đẽo gọt kỹ càng, rồi đem in ra, để mọi người thấy rõ việc xưa nay và hiểu thấu lẽ huyền vi thì đó cũng là một bộ sử ký trong các truyện cổ chăng ? Vậy làm tựa.
Tài liệu tham khảo
1. Thơ văn Lý Trần tập 3, nhiều tác giả (chỉ đạo và duyệt: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy), NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978
2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Giáo dục, 2005
3. Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, dịch và chú giải: Phạm Vũ - Lê Hiền, nhà sách Tự Lực, Sài Gòn, 1972
4. Nguyễn Trãi, Dư địa chí, người dịch Phan Duy Tiếp, hiệu đính và chú thích: Hà Văn Tấn, NXB Đại học quốc gia TP.HCM
5. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (ấn bản kỷ niệm 100 năm xuất bản lần đầu), NXB Văn Học, 2021
6. Đào Duy Anh, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, NXB Thế Giới, Hà Nội, 1950
7. Lê Hương, Sử liệu Phù Nam, Sài Gòn, 1974
8. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2002
9. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1998