Champa (Chăm Pa) là nước nào?
Quang Nguyễn
Champa là danh xưng của một vương quốc cổ từng tồn tại ở miền Trung Việt Nam từ thế kỷ II đến thế kỷ XIX với cương vực lãnh thổ kéo dài từ dãy Hoành Sơn (Quảng Bình) đến Đồng Nai hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay.
Champa bắt nguồn từ Phạn ngữ Campā (चम्पा) vốn có nghĩa gốc là tên của cây sứ đại Campakā (tên khoa học là Plumeria obtusa L.) Ảnh: Pixabay
Champa có nghĩa là gì?
Danh xưng Champa bắt nguồn từ Phạn ngữ Campā चम्पा vốn là tên của một thành phố và cũng là thủ đô của vương quốc cổ Aṅga nằm trên bờ sông cùng tên Campā, gần các làng Campānagara và Campāpura, cách Bhagalpur (thuộc bang Bihar miền đông Ấn Độ ngày nay) khoảng 24 dặm (gần 40 km). [1]
Campā từng là một trong sáu thành phố cổ quan trọng của Ấn Độ, do vua Mahāgovinda thành lập. Thành phố Campā có hồ Gaggarāpokkharaṇī rất đẹp do Hoàng hậu Gaggarā cho đào. Trên bờ sông có rừng cây Campakā nổi tiếng vì sắc trắng và hương thơm của hoa. Sở dĩ thành phố này có tên Campā là vì có rất nhiều cây Campakā như thế. [2] [3]
Việc đặt quốc hiệu theo địa danh có sẵn ở Ấn Độ cộng với việc tiếp nhận tôn giáo, nghệ thuật xây dựng công trình theo phong cách kiến trúc Ấn Độ, v.v. cho thấy ngay từ khi mới lập quốc, Champa đã chịu ảnh hưởng sâu đậm văn minh Ấn Độ.
Tên gọi Champa có từ lúc nào?
Danh xưng Champa bắt đầu từ lúc nào không rõ, chỉ biết rằng bi ký [4] sớm nhất có nhắc đến tên Champa khắc vào năm 658 (thế kỷ VII) là bi ký C96, được tìm thấy tại thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam). Cụ thể, bi ký này đề cập đến Champa với danh từ chỉ đất nước, vùng lãnh thổ như Campanagar (= vương quốc Champa), Campapuryyam (= thành phố Champa), hoặc liên từ chỉ người đứng đầu, người trị vì như Campapuraparamesvara (= chúa tể của thành phố Champa), Campesuara (= chúa tể của Champa). Ngoài ra, một bi ký khác là C73 cũng tại Mỹ Sơn có lẽ cùng thời với bi ký C96 nhắc đến danh xưng Campadesa (= người mang lại sự thịnh vượng cho đất nước Champa). Điều này chứng tỏ Champa đã trở thành quốc hiệu của vương quốc nằm ở khu vực thuộc Quảng Nam ngày nay và là điểm khởi đầu của Champa. [5]
Trong khi đó, nếu chiếu theo nguồn sử liệu Trung Quốc và Việt Nam thì chỉ thấy ghi nhận ba danh xưng, đó là Lâm Ấp, Hoàn Vương và Chiêm Thành; [6] còn tên gọi Champa chỉ mới phổ biến vào đầu thế kỷ XX trong các tập du ký và công trình nghiên cứu của các nhà du thám và các học giả phương Tây mà thôi. Điều này được Lê Xuân Diệm trong bài Về tên gọi Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành và Cham-pa (Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ hai, 2004) cho rằng "đây là hiện tượng khác thường và hiếm thấy trong lịch sử các quốc gia cổ ở Đông Nam Á và trên thế giới". [7]
Mối liên hệ giữa Chiêm Thành và Champa
Chiêm Thành xuất hiện trong sử liệu Trung Quốc từ năm 877 đời vua Đường Hy Tông 唐僖宗 để thay thế quốc hiệu trước đó là Hoàn Vương. Việc thay thế quốc hiệu này cũng có những kiến giải khác nhau.
Trong Việt sử xứ Đàng Trong 1558 - 1777, Phan Khoang cho rằng sau khi nước Hoàn Vương (tác giả gọi là đệ ngũ vương triều) cáo chung vào năm 851 (hoặc 859) vì vị vua cuối cùng của họ tuyệt tự (không có con) thì:
"Năm 875, một triều vua mới lên làm vua ở phía Bắc tại Indrapura (Đồng dương) trong tỉnh Quảng Nam ngày nay. Ấy là đệ lục vương triều (875-991). Đồng thời, sử Trung Quốc cũng đổi, gọi là nước Chiêm Thành". [8]
Còn Vương Khả Lâm trong Chiêm Thành lược khảo lại chép rằng:
"Thế kỷ thứ IX, Sử chép: đời nhà Đường sai Trương Châu qua đánh nước Hoàn Vương và đổi quốc hiệu là Chiêm Thành, ấy là người Tàu đổi quốc hiệu cho nước Hoàn Vương." [9]
Tuy vậy, theo chúng tôi, ý kiến dưới đây của Lê Xuân Diệm về lý do Hoàn Vương được sử liệu Trung quốc đổi tên thành Chiêm Thành có vẻ hợp lý hơn cả:
"Campāpura, từ ngữ này đã từng được nhiều nhà vua thuộc vương triều Lâm Ấp và Hoàn Vương tự nhận là quốc danh truyền thống thiêng liêng của cộng đồng cư dân Lâm Ấp - Hoàn Vương. Việc triều đình nhà Đường xóa tên cũ Hoàn Vương, đặt tên mới là Chiêm Thành xem ra có vẻ như tôn trọng tâm nguyện cũng như quyền “tự chủ” của nước chư hầu. Thực ra, đó chỉ là chiêu thức mị dân dọn đường cho việc thực thi mưu đồ mới, kế sách mới sau khi sách lược chính trị “tọa sơn quan hổ đấu" bị phá sản trong giai đoạn nước Hoàn Vương". [10]
Trong ba danh xưng Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành thì Chiêm Thành là danh xưng có liên quan nhất với tên gọi Champa. Theo đó, Chiêm Thành (Hán ngữ: 占城 / Zhan Cheng) được dịch từ Phạn ngữ Campāpura चम्पापुर; trong đó, Campā चम्पा được phiên âm ra Hán ngữ là Chiêm bà, nói gọn là Chiêm (tức Zhan đọc theo Hán ngữ), còn pura पुर được dịch nghĩa ra là kinh thành hoặc thành phố, nói gọn là thành (tức Cheng đọc theo Hán ngữ).
Michael Vickery trong Champa revised (Champa nhìn lại) lập luận Chiêm Thành là "thành của người Chăm" (city of the Cham). [11] Tuy nhiên, quan điểm cho rằng Champa là vương quốc của người Chăm và do người Chăm cai trị của Vickery (và một số nhà nghiên cứu khác như E. Aymonier, G. Maspero, Dorohiem và Dohamide, Lương Ninh, ...) bị Po Dharma bác bỏ thẳng thừng.
Cụ thể, trong cuốn Vương quốc Champa - Lịch sử 33 năm cuối cùng (1802 - 1835), Po Dharma nêu lý do như sau:
"Những tư liệu viết trên bia đá Champa trước thế kỷ thứ XV thường nói về Nagara Champa “vương quốc Champa” và Urang Champa “dân tộc Champa”, nhưng không bao giờ nhắc đến người Chăm. Biên niên sử Việt Nam cũng lập đi lập lại thuật ngữ Chiêm Thành Vương “vua Champa” và Chiêm Thành Minh “nhân dân Champa”, chứ không nói về người Chiêm. Trong văn chương Việt Nam, cụm từ người Chiêm, người Chàm hay người Chăm chỉ xuất hiện sau thế kỷ thứ XIX." [12]
Kinh đô của Champa nằm ở đâu?
Champa không phải là một vương quốc có thể chế chính trị trung ương tập quyền như Đại Việt hay Trung Hoa mà là một tập hợp của nhiều địa khu theo trục thẳng đứng từ Bắc chí Nam. Trong tiến trình lịch sử của Champa, có 5 địa khu sau đây:
Bản đồ 5 địa khu Chăm Pa. Ảnh: Po Dharma
1. Indrapura (875 - 982): địa bàn tương ứng với tỉnh Quảng Nam ngày nay. Đây là thời kỳ Champa bắt đầu có tên gọi là Chiêm Thành. Kinh đô của Indrapura là thành phố Indrapura, nay thuộc địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thành phố Sư tử Simhapura (hoặc Sinhapura) cũng từng là kinh đô của Indrapura, nay thuộc làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
2. Amaravati (657 - 1471): địa bàn tương ứng với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ngày nay. Amāravatī vốn là tên của một thành phố miền nam Ấn Độ thời cổ đại (nay thuộc bang Andhra Pradesh của Ấn Độ); còn thư tịch, sử sách Trung Quốc thường gọi Amāravatī là Cựu Châu. Amāravatī từng có 3 kinh đô là Indrapura (nay thuộc tỉnh Quảng Nam), Simhapura (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) và Kandapurpura (còn gọi là Phật Thệ/ Phật Thành, nay thuộc Thừa Thiên Huế).
3. Vijaya (988 - 1471): địa bàn tương ứng với tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên ngày nay. Kinh đô của Vijaya cũng là thành phố cùng tên Vijaya mà trong sách sử của người Việt gọi là Chà Bàn hoặc Đồ Bàn, nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
4. Kauthara (757 - 1653): địa bàn tương ứng với tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Kinh đô của Kauthara là thành phố Kauthara, nay thuộc địa phận thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
5. Panduranga (757 - 1832): địa bàn tương ứng với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay. Kinh đô của Panduranga là Virapura (nghĩa là "thành phố Chiến Thắng") nay thuộc địa phận 2 huyện Ninh Phước và Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận.
Vương quốc Champa tồn tại bao lâu?
Hiện nay, khi tra cứu tài liệu về thời gian ra đời của Champa, hầu hết các cứ liệu đều cho rằng vương quốc Champa bắt đầu từ năm 192 với sự kiện thành lập nước Lâm Ấp - tiền thân của vương quốc Champa sau này.
Người đầu tiên đưa ra dữ kiện Lâm Ấp quốc thành lập vào năm 192 là nhà Hán học người Pháp Georges Maspero (1872 - 1942). Cụ thể, trong công trình nghiên cứu Le royaume de Champa (Vương quốc Champa) xuất bản năm 1928, G. Maspero đã dựa vào sách Thủy kinh chú 水经注 của Lịch Đạo Nguyên 酈道元 (466 hoặc 472 - 527) mà lập luận rằng nước Lâm Ấp được thành lập vào năm 192 niên hiệu Sơ Bình 初平 (190 - 193) đời vua Hán Hiến Đế. [13]
Luận cứ trên của G. Maspero đã có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà nghiên cứu về lịch sử Champa sau này khi hầu hết đều "mặc định" thời gian lập quốc của Champa là năm 192!
Chẳng hạn, trong lời Tựa cho cuốn Dân tộc Chàm lược sử của hai tác giả Dohamide và Dorohiem (Sài Gòn, 1965), Nghiêm Thẩm (1920 - 1982) đã viết:
"Người Chàm lập quốc từ năm 192, hồi đó nước Việt Nam còn đang bị người Trung Hoa đô hộ. Đó là nước Lâm Ấp. Đến thế kỷ thứ VIII, ta thấy sử Trung Hoa dùng danh từ Hoàn Vương để chỉ Vương Quốc của người Chàm. Và từ cuối thế kỷ thứ IX, ta thấy Vương Quốc Chàm được gọi là Chiêm Thành." [14]
"Đến cuối đời Đông Hán, con của viên công tào huyện Tượng Lâm là Khu Liên nhân trong xứ có loạn, giết quan huyện lệnh mà tự lập làm vua. Ấy là năm Sơ Bình thứ 3 đời vua Hiến đế nhà Hán, tức là năm 192." [15]
Tuy vậy, vẫn có những kiến giải khác với G. Maspero khi cho rằng Lâm Ấp thành lập vào năm 137 chứ không phải năm 192.
Chẳng hạn, trong Chiêm Thành lược khảo, Vương Khả Lâm viết như sau:
"Nước Chiêm Thành khởi đầu chửa lập thành quốc hiệu (trước Thiên Chúa giáng sinh 102 năm), chỉ là một quận, thống thuộc bộ Việt Thường nhà Hán đặt chức quan Trưởng Sử cai trị và kiêm quận Nhật Nam (Jènan). Nhà Hậu Hán vua Thuận Đế ở quận Tượng Châu (Tượng quận) có người tên là Khu Liên nổi loạn giết quan quận huyện Tầu, rồi tự xưng làm Vua và đổi quận Tượng Lâm làm nước Lâm Ấp (dương lịch 137 năm); khi ấy nước Tầu gọi nước Lâm Ấp là : Liu Yi (Liêu Di)". [16]
Trong Lịch sử cổ đại Việt Nam, học giả Đào Duy Anh cho rằng Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên đã nhầm giữa chữ Sơ Bình 初平 là niên hiệu của Hán Hiến Đế với chữ Vĩnh Hòa 永和 là niên hiệu của Hán Thuận Đế khi nói về cuộc khởi nghĩa của Khu Liên vốn đã chép trong Hậu Hán Thư trước đó. Và sự nhầm lẫn đó của Thủy Kinh Chú khiến G. Maspero tưởng rằng hai cuộc khởi nghĩa này là khác nhau ở hai đời vua khác nhau! Cụ thể, G. Maspero cho rằng ở đời Vĩnh Hòa (136-141) có rợ Khu Liên khởi nghĩa dựng nước nhưng không thành; sau đó G. Maspero đã dựa vào đoạn chép nhầm về niên hiệu của Thủy Kinh chú để lập luận rằng mãi đến đời Sơ Bình (190-193) thì con viên công tào huyện Tượng Lâm là Khu Liên khởi nghĩa xưng vương mới dựng lên nước Lâm Ấp.
Sau khi bác bỏ quan điểm của G. Maspero, Đào Duy Anh cũng dẫn các sử liệu của Việt Nam như Cương mục, Đại Việt địa dư toàn biên (Phương Đình Nguyễn Văn Siêu) và Việt Sử Cương Giám Khảo Lược (Nguyễn Thông) thời nhà Nguyễn để khẳng định rằng nước Lâm Ấp thành lập vào năm thứ 2 hiệu Vĩnh Hòa (136 - 141) đời vua Hán Thuận Đế, tức năm 137 mới là chính xác! [17]
Như vậy, sự ra đời của vương quốc Champa có thể tạm thời ghi nhận hai cột mốc: hoặc là năm 192 hoặc là năm 137, mặc dù chúng tôi (Quang Nguyễn) cũng không chắc rằng dân nước Lâm Ấp đã có phải là dân của Champa - tức vương quốc mà sử liệu ghi là Chiêm Thành, hay không!?
Giai đoạn từ 1771 đến 1802, trong suốt cuộc chiến giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh, vương quốc Champa gần như không còn tồn tại khi:
- Biên giới hoàn toàn bị xóa bỏ trên bản đồ;
- Mọi cơ cấu tổ chức chính trị và xã hội hoàn toàn bị sụp đổ;
- Các tầng lớp lãnh đạo và nhân dân Champa chia thành hai phe nhóm, nhóm theo nhà Tây Sơn và nhóm theo Nguyễn Ánh.
Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho tái lập lại vương hiệu Champa nhưng đóng vai trò như là một lãnh thổ tự trị đặt dưới quyền bảo hộ của triều đình Việt Nam.
Đến năm 1832, vua Minh Mạng đã sáp nhập hoàn toàn vùng đất này vào lãnh thổ Đại Nam khi đó và người Chăm chính thức trở thành một thành phần dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ thời điểm này.
Như vậy, vương quốc Champa có thể tồn tại được ít nhất 1.640 năm, tính từ năm 192 đến năm 1832. Còn nếu theo luận điểm của Đào Duy Anh cho rằng nhà nước Lâm Ấp (tiền thân của nước Champa) thành lập từ năm 137 thì vương quốc Champa tồn tại được gần 1.700 năm.
Dân tộc Chăm có nguồn gốc từ đâu?
Trước khi tìm hiểu nguồn gốc nhân chủng của dân tộc Chăm, thiết nghĩ cần phân biệt rõ giữa người Chăm và Champa.
Vương quốc cổ Champa trước kia là một liên bang đa chủng, đa văn hóa gồm người Chăm sinh sống trên những vùng đất thấp dọc duyên hải miền Trung và người Thượng sinh sống rải rác ở khu vực Tây Nguyên và dãy Trường Sơn. Nói cách khác, dân tộc Chăm không phải là đại diện cho toàn bộ cư dân của Champa mà chỉ là một thành phần dân tộc của vương quốc cổ Champa trước kia mà thôi. Còn hiện nay, thuật ngữ “người Chăm” dùng để chỉ tên gọi của một tộc người (tộc danh) với tư cách là một bộ phận, là công dân của quốc gia Việt Nam ngày nay.
Có nhiều kiến giải khác nhau về nguồn gốc nhân chủng của dân tộc Chăm. Chúng tôi liệt kệ dưới đây một số luận cứ để quý vị rộng đường tham khảo.
- Là giống người Mã Lai, theo sông Mê Kông mà tiến vào rồi chiếm dãy núi Hoành Sơn, hỗn hợp với các thổ dân thời ấy là giống người Khmer, người Thái, có lẫn cả người Phi Châu và Ấn Độ nữa. [18]
- Là giống người thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo - Polynésiens (Mã Lai - Đa Đảo), tức ngữ hệ Nam Đảo. [19] [20]
- Là một giống lai giữa các giống Mông Cổ, giống thượng Indonesia, giống Mã Lai và giống Aryan (nay gọi là giống Ấn - Âu). [21]
- Là hậu duệ của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh. [22]
Luận điểm phổ biến hiện nay là người Chăm thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo (Malayo Polynésien), nghĩa là có nguồn gốc từ các hải đảo phía Nam vùng biển Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo Nguyễn Đình Khoa trong Nhân chủng học Đông Nam Á thì nét nổi bật của khối cư dân thuộc ngữ hệ này là sự hỗn chủng cao giữa các các tộc người không có cùng nguồn gốc ban đầu nên không còn là đại diện điển hình của các nhóm loại hình nhân chủng hoặc Nam Á, Indonesien hay Vedoit nữa mà trở thành các hình thái trung gian, lai tạp. Người Chăm ở Việt Nam là một dẫn chứng như thế. [23]
Chúng tôi xin đưa ra kết luận để tạm khép lại chủ đề này như sau: người Chăm thuộc chủng Indonesien, là cư dân bản địa và là hậu duệ về mặt văn hóa của người Sa Huỳnh cổ, có mối quan hệ gần gũi với nhóm ngữ hệ Nam Đảo Austronesien (thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo - Polynésiens).
Người Chăm hiện sống ở đâu nhiều nhất?
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người Chăm, trong đó tập trung đông nhất là ở Campuchia với trên 950.000 người, được gọi là Khmer Islam. Ở Việt Nam, có gần 180.000 người Chăm sinh sống. [24]
Địa bàn cư trú của dân tộc Chăm phân bố theo tín ngưỡng là chủ yếu. Cụ thể, người Chăm theo đạo Bà la môn giáo (Ấn Độ giáo) và Hồi giáo Bàni (Hồi giáo cũ) cư trú chính ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Hai tỉnh miền Trung này cũng là nơi tập trung người Chăm sinh sống nhiều nhất cả nước. Còn người Chăm theo đạo Islam chính thống Suni (Hồi giáo mới) thì cư trú ở một số địa phương thuộc các tỉnh An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Ðồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang v.v.. trong đó An Giang là nơi tập trung nhiều người Chăm nhất theo nhóm tín ngưỡng này.
[2]. Một số tài liệu cho rằng tên gọi Champa bắt nguồn từ loài hoa có tên khoa học là Michelia champaca hoặc Champaca michelia hoặc Magnolia champaca (L.) Baill. ex Pierre, v.v.. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng giả thuyết này không chính xác vì loài hoa có cái tên khoa học Michelia champaca hoặc Magnolia champaca trong Phạn ngữ là চম্পা,
trong khi tên gọi Champa trong Phạn ngữ lại là चम्पा. Ngoài ra, Michelia champaca hoặc Magnolia champaca là tên khoa học của hoa ngọc lan, trong khi biểu tượng của Champa là hoa sứ đại (còn gọi là sứ Ấn Độ, sứ Cùi, đại lá tù, hoa Champa, v.v.) có tên khoa học là Plumeria obtusa L. thuộc họ trúc đào (apocynaceae) mà Phạn ngữ chính là चम्पा. [Nguồn tham khảo: Wisdom Libary | Champa, Champā: 3 definitions] ; Webdunia.com | Champa-flowers]
[4]. Nhiều tài liệu cũng ghi là bia ký. Đúng ra nên dùng từ bi minh 碑銘 (tấm bia khắc trên đó những lời răn) hoặc bi văn 碑文 (tấm bia khắc trên đó những bài thơ, bài văn, những truyền sử...). Ở đây, chúng tôi sử dụng từ bi ký theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học): "Bài văn khắc trên bia" (Sđd, tr. 60). Cuốn từ điển này không ghi nhận từ bia ký.
[6]. Một số tài liệu ghi nhận có 5 quốc gia gồm Hồ Tôn, Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành, Thuận Thành.
[7]. Lê Xuân Diệm. (2004). Về tên gọi Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành và Cham-Pa. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ hai. Tr. 46.
[8]. Phan Khoang. (1970). Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam). Sài Gòn: NXB Khai Trí. Tr. 33.
[9]. Vương Khả Lâm (tức Huỳnh Thị Bảo Hòa). (1936). Chiêm Thành lược khảo. Hà Nội: NXB Đông Tây. Tr. 7.
[10]. Lê Xuân Diệm, Về tên gọi Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành và Cham-Pa, Sđd, tr. 52.
[11]. Michael Vickery. (2005). Champa revised. Asia Research Institute, Working Paper Series 37, National University of Singapore, p. 16.
[12]. Po Dharma. (2013). Vương quốc Champa - Lịch sử 33 năm cuối cùng (1802 - 1835). USA: International Office of Champa. Tr. 12, 13.
[13]. Thực tế, cuốn Le royaume de Champa (Vương quốc Champa) là tập hợp lại các bài nghiên cứu về lịch sử Champa mà G. Maspero đã cho đăng tải liên tục trên tạp chí T’oung Pao trong những năm 1910 tới 1913. Công trình kinh điển này của G. Maspero rất nổi tiếng, được giới nghiên cứu Chăm Pa trên khắp thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng xem như là một standard interpretation (giải thuyết chuẩn mực) trong nghiên cứu lịch sử của vương quốc Champa.
[14]. Dohamide và Dorohiem. (1965). Dân tộc Chàm lược sử. Sài Gòn: Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam. Tr. 5.
[15]. Phan Khoang, Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777, Sđd, tr. 19.
[16]. Vương Khả Lâm, Chiêm Thành lược khảo, Sđd, tr. 8.
[17]. Đào Duy Anh. (2005). Lịch sử cổ đại Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin. Tr. 153, 154, 155.
[18]. Vương Khả Lâm, Chiêm Thành lược khảo, Sđd, tr. 7.
[19]. Phan Khoang, Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777, Sđd, tr. 17.
[20]. Nguyễn Văn Huy. (2001). Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam.
[21]. Nguyễn Khắc Ngữ. (1986). Mẫu hệ Chàm. Montreal, Canada: NXB Sử Địa. Tr. 9.
• Đổng Thành Danh. (2019). Vấn đề nhà nước Lâm Ấp trong lịch sử. Nghiencuuquocte.org.
• Đổng Thành Danh. (2021). Vấn đề quốc hiệu, danh xưng Lâm Ấp, Chiêm Thành, Champa trong lịch sử. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2 năm 2021, tr. 13 - 21.
• Lê Xuân Diệm. (2004). Về tên gọi Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành và Cham-Pa. Kỷ yếu hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ hai.
• Ngô Văn Doanh. (2002). Văn hóa cổ Chămpa. NXB Văn Hóa Dân Tộc.
• Ngô Văn Doanh. (2011). Lâm Ấp - Thời kỳ đầu của Chămpa. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Số 2 năm 2011. Tr. 8 - 19.
• Dohamide, Dorohiem. (1965). Dân tộc Chàm lược sử. Sài Gòn: Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam.
• Châu Hải Đường. (2021). An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa. Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn.
• T.H. (2017). Không gian lịch sử-văn hóa Chăm - Những dấu ấn trên địa bàn biên viễn phía Bắc. Tạp chí Văn hóa Quảng Bình, số 7 năm 2017, tr. 23-25.
• Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, dịch giả Tô Nam Nguyễn Đình Diệm. (1970). Đồ Bàn thành ký. Tập san sử địa số 19, 20. Sài Gòn: NXB Khai Trí.
• Nguyễn Văn Huy. (2001). Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam. Chamstudies.wordpress.com.
• Nguyễn Đình Khoa. (1983). Nhân chủng học Đông Nam Á. Hà Nội: NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
• Vương Khả Lâm (tức Huỳnh Thị Bảo Hòa). (1936). Chiêm Thành lược khảo. Hà Nội: NXB Đông Tây.
• Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. (1983). Lịch sử Việt Nam, tập 1. Hà Nội: NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
• Malalasekera. (1937). Dictionary of Pali proper names, volume 1. London: Billing and Son Ltd., Guildford and Esher.
• R.C. Majumdar. (1927). Ancient Indian Colonies in the Far East, volume 1: Champa. Lahore, India: The Punjab Sanskrit Book Depot.
• Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, dịch giả Nguyễn Bá Mão. (2005). Thủy Kinh chú sớ. NXB Thuận Hóa.
• Nguyễn Khắc Ngữ. (1986). Mẫu hệ Chàm. Montreal, Canada: NXB Sử Địa.
• Phan Khoang. (1970). Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam). Sài Gòn: NXB Khai Trí.
• Po Dharma. (2013). Vương quốc Champa - Lịch sử 33 năm cuối cùng (1802 - 1835). USA: International Office of Champa.
• Putra Podam. (2020). Danh xưng Champa. Kauthara.org. Đăng ngày 28/4/2020.
• Sakaya. (2010). Văn hóa Chăm (Nghiên cứu và phê bình), tập 1. Hà Nội: NXB Phụ Nữ.
• Anne-Valérie Schweyer. (2010). The Birth of Champa. Crossing borders in southeast asian archaeology, Sep 2010, Berlin, Germany. pp.17. 〈halshs-00828812〉
• Hà Văn Tấn. (1983). Suy nghĩ về Sa Huỳnh và từ Sa Huỳnh. Thông báo khoa học Viện Bảo tàng Lịch sử, số 1.
• Nguyễn Thông, Viện Sử Học dịch. (2009). Việt sử Thông Giám Cương Mục Khảo Lược. NXB Văn Hóa Thông Tin.
• Michael Vickery. (2005). Champa revised. Asia Research Institute, Working Paper Series 37, National University of Singapore.
• Wisdom Libary | Champa, Champā: 3 definitions
Sách hay chọn lọc tìm hiểu về văn hóa Chăm
Những vấn đề lịch sử và văn hóa Champa
NXB Thế Giới, 2022
Dấu ấn văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam
NXB Đà Nẵng, 2021
Tượng cổ Champa - Những phát hiện gần đây
NXB Văn Hóa - Văn Nghệ, 2019
Nagara Champa - Những phác thảo về lịch sử và nền văn minh
NXB Khoa học Xã Hội, 2023
Mỹ Sơn - vùng đất thiêng vương quốc cổ Champa
NXB Khoa học Xã hội, 2019
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé!
|