Bình Định có nghĩa là gì? Tên gọi Bình Định có từ khi nào?
Quang Nguyễn
Tên gọi Bình Định do vua Gia Long đặt vào năm 1799, có nghĩa là đã dẹp yên vùng đất của loạn đảng (ám chỉ nhà Tây Sơn).
Bình Định được vua Gia Long đặt, có nghĩa là đã dẹp yên vùng đất của loạn đảng. Ảnh: quyhoachvietnam.com
Bình Định vốn là đất cũ của Chiêm Thành. Trong Nước non Bình Định (Nam Cường, Sài Gòn, 1967), Quách Tấn dẫn theo sách Đồ Bàn Ký của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển (triều Minh Mạng) cho rằng sau khi bị vua Lê Đại Hành chiếm lấy thành Địa Rí [tức Indrapura - Quang Nguyễn] vào năm 982, vua Chiêm Thành khi đó là Xá Lợi Đà Ngô Nhật Hoan [theo chúng tôi thì đó là vua Jaya Indravarman IV, âm Hán Việt là Nhân Đà La Bạt Ma - Quang Nguyễn] chạy vào đây đóng đô mới đặt tên là Đồ Bàn (Xem sđd, tr. 11).
Trong Dân tộc Chàm lược sử (Sài Gòn, 1965), hai tác giả Dohamide và Dorohiem nói cụ thể hơn về thành Đồ Bàn như sau:
"Thành Đồ Bàn với tên Chàm là Vijaya, tục gọi là "Thành Cũ" nằm trên gò đá ong của 2 thôn Bắc Thuận và Nam Tân, quận An Nhơn, thuộc địa phận tỉnh Bình Định, nằm giữa một cánh đồng phì nhiêu, hình cái thoi, mỗi đường nối góc chừng 30 cây số, Bắc Tây Nam đều có núi án ngữ, chỉ phía Đông là trực tiếp với vùng nước mặn, thông ra biển bằng cửa Thị Nại. Nhà cổ học H. Parmentier cho biết, thành còn di tích xây hình chữ nhựt, Đông Tây 1.100 thước, Nam Bắc 1.400 thước, với trung tâm điểm là Tháp Cánh Tiên (Tour de Cuivre), tức Tháp Đồng" (Xem sđd, tr. 15).
Đại Nam thực lục 大南實錄 của Quốc Sử Quán triều Nguyễn (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2002) có ghi chép về thời điểm xuất hiện tên gọi Bình Định là vào năm 1799 (Kỷ Mùi), tức năm thứ 4 Gia Khánh đời Thanh. Theo đó, vào tháng 5 năm 1799, quân Nguyễn Ánh tập kết và tiến sát thành Quy Nhơn, đến tháng 6 (tức một tháng sau) thì đã lấy được thành. Thái phủ của Tây Sơn là Lê Văn Ứng đã thua, trong thành quân ít, lương cạn. Đại Tổng quản Lê Văn Thanh, Thượng thư binh bộ Nguyễn Đại Phác và Thiếu uý Trương Tiến Thuý của nhà Tây Sơn dâng biểu xin hàng. "Vua sai Tham tri Lại bộ Nguyễn Bảo Tiến và Tham mưu Trần Quang Thái đưa chỉ dụ rằng: “Bọn ngươi đã biết quy thuận, ta cũng lấy lòng thành tiếp đãi, ngày trước là cừu địch, ngày nay là vua tôi, đều không nên ngờ sợ gì nữa”. Bèn cho xa giá vào thành. Bọn Thành cùng tướng tốt 1 vạn 3 trăm người đều tự trói cổ lạy phục. Vua sai tuyên chỉ an ủi, và cho 5.000 quan tiền để chia nhau. Đổi tên thành làm thành Bình Định" (Xem sđd, tập 1, Chính biên đệ nhất kỉ, quyển X [10], thực lục về Thế tổ Cao hoàng đế, trang 388).
Ý nghĩa của tên gọi Bình Định
Như đã trích dẫn từ Đại Nam thực lục ở trên, sau khi hạ được thành Quy Nhơn vào tháng 6 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh đã cho đổi tên là Bình Định. Trong tiếng Hán, Bình Định (平定) có nghĩa là dẹp yên, bình ổn, chấm dứt động loạn.
Nên nhớ rằng, vùng đất này vốn là đất thang mộc của nhà Tây Sơn(1) tức là nơi phát tích của triều đại nhà Tây Sơn. Việc Nguyễn Ánh đặt tên vùng đất này là Bình Định, tức là ông cho là mình đã vào tận đất phát tích của nhà Tây Sơn, là bình định được loạn đảng “ngụy Tây” (theo cách nói của các vua triều Nguyễn trước đây).Vì thế, tên gọi Bình Định có thể được ra đời với ý nghĩa là "đã dẹp yên vùng đất của loạn đảng".
Kể từ năm Kỷ Mùi (1799), sau vài lần thay đổi, đặt tên, chia tách thì đến năm Nhâm Tuất (1802) lúc vua Gia Long lên ngôi, vùng đất này được gọi là dinh Bình Định.
Đến năm Bính Dần (1806), dinh Bình Định được đổi thành trấn Bình Định. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 36, mặt khắc 16 ghi rõ về việc này như sau: “Gia Long năm mới lên ngôi gọi là doanh Bình Định có 1 phủ 3 huyện, là phủ Quy Nhơn lĩnh 3 huyện Phù Ly, Tuy Viễn, Bồng Sơn. Năm thứ 5 (1806), đổi doanh làm trấn”.
Năm 1816 đặt Tri phủ Quy Nhơn trông coi ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn.
Năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng cho đổi phủ Quy Nhơn làm phủ Hoài Nhơn.
Năm Nhâm Thìn (1832), phủ Hoài Nhơn được nâng cấp, đổi tên thành tỉnh Bình Định và đặt chức Tổng đốc Bình Phú kiêm quản hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Như vậy danh xưng tỉnh Bình Định chính thức xuất hiện từ năm 1832.
Đại Nam thực lục cũng ghi sự kiện này như sau: “Tỉnh Bình Định: thống trị 2 phủ, An Nhân, Hoài Nhân và 5 huyện Tuy Viễn, Tuy Phúc, Phù Cát, Phù Mỹ, Bồng Sơn. Nguyên huyện Tuy Viễn chia ra làm 2 huyện Tuy Viễn, Tuy Phúc; nguyên huyện Phù Ly chia làm 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ đặt riêng làm phủ An Nhân. Ba huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Bồng Sơn vẫn để là phủ Hoài Nhân”. (Xem Sđd, tập 3, Chính biên đệ nhị kỷ, quyển LXXXV [85], Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế, trang 393)
Từ đó về sau, hành chính tỉnh Bình Định tiếp tục có nhiều thay đổi, sáp nhập, chia tách. Đến ngày 30 tháng 6 năm 1989, sau khi tái lập Bình Định từ tỉnh Nghĩa Bình, tên gọi tỉnh Bình Định đã ổn định cho đến ngày nay.
Chú thích
(1) Phan Huy Ích từng viết Quy Nhơn thang mộc địa 歸仁湯沐地 - Quy Nhơn là ấp thang mộc). Thang mộc ấp là một điển cố xuất phát từ trong cổ văn. Từ này được dùng đầu tiên trong Công Dương truyện 公羊传, mục Ẩn Công bát niên 隐公八年, ban đầu nó có nghĩa là nơi các vua tắm gội để giữ mình thanh khiết trước khi cúng thiên tế địa. Về sau được dùng để chỉ cho vùng đất phát tích ra một triều đại, một vị vua nào đó.
Tham khảo
1. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử Học, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2002
2. Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nam Cường xuất bản, Sài Gòn, 1967
3. Dohamide - Dorohiem, Dân tộc Dân tộc Chàm lược sử, Sài Gòn, 1965
4. Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, Đồ Bàn thành ký, người dịch Nguyễn Đình Diệm
5. Nguyễn Đình Đầu, Địa chí Bình Định, tập Địa bạ và Phép quân điền, Quy Nhơn, 2002
Sách hay viết về vùng đất Bình Định
• Bình Định danh thắng và di tích giới thiệu một số danh lam, thắng cảnh tiêu biểu của Bình Định giúp người đọc hiểu được cảnh đẹp thiên nhiên - môi trường đã nuôi dưỡng và hun đúc nên khí chất con người Bình Định; đồng thời giới thiệu, khảo tả các di tích, tác giả muốn tái hiện lại không gian lịch sử qua các thời đại; các di tích tiêu biểu liên quan đến đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân và các danh nhân văn hóa. |