Vũng Tàu là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 23/02/2023

Vũng Tàu là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Vũng Tàu là một thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và là địa điểm du lịch nổi tiếng của miền Nam Việt Nam.
 

Tượng chúa dang tay
Tượng chúa dang tay ở Vũng Tàu

 

Nguồn gốc tên gọi Vũng Tàu: Vũng Tàu có bao nhiêu tên gọi? 


Đất Vũng Tàu ngày nay trong quá khứ có khá nhiều tên gọi. Thời trước năm 1975, người dân Sài Gòn gọi Vũng Tàu bằng ít nhất ba tên gọi, đó là Cấp, Ô Cấp, Vũng Tàu. Còn trong sách vở, sách sử, vùng đất này có nhiều tên hơn thế!


1. Chân Bồ

Xứ Vũng Tàu đã được nhắc đến trong sách vở khá sớm, từ cuối thế kỷ 13. Năm 1295 một xứ thần nhà Nguyên tên là Chu Đạt Quan, trong đoàn sứ giả thăm Chân Lạp đã viết lại trong Chân Lạp phong thổ ký vùng đất có tên gọi là Chân Bồ (Tchen-p'ou) tức Vũng Tàu ngày nay, khi thuyền của phái đoàn sứ giả Trung Quốc đến thị trấn Chân Bồ, là một ngôi làng đánh cá ở một chân núi, đó là biên giới cửa ngõ để vào xứ Chân Lạp.


2. Oporto Cinco Chagas Verdareiras

Đến đầu thế kỷ 16, khi những thương nhân người Bồ Đào Nha đi tìm kiếm một thị trường để khai thác những nguồn hàng mới ở Châu Á, họ đã đến vùng biển này. Các chuyến hải trình của họ từ Ấn Độ đến Trung Quốc đều phải qua vùng biển Chân Lạp, Chămpa, Đại Việt, mà Pulo Condor (Côn Đảo) là điểm định vị để vào các nước này.

Thời đó, Vũng Tàu được biết đến với tên gọi Oporto Cinco Chagas Verdareiras, đó là tiếng Bồ Đào Nha với ý nghĩa "Vịnh nằm giữa những ngọn núi Cinco Chagas
".

Địa danh này được giải thích là "
năm vết thương của Chúa cứu thế" (bốn vết thương bị đóng đinh ở chân, tay, và một vết thương bị đâm bằng giáo ở cạnh sườn), vì ở đây có 5 ngọn núi liền kề nhau, từ ngoài khơi có thể nhìn thấy từ xa rất rõ. Đó là những ngọn núi: núi Nhỏ, núi Lớn, núi Nứa, núi Dinh, núi Bà Rịa. Trong bản đồ hải hành của người Bồ Đào Nha từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 đều ghi vùng đất Vũng Tàu ngày nay là Cinco Chagas.

3. Saint Jacques 

Đến khoảng nửa cuối thế kỷ 18, địa danh này được thay bằng tên gọi Saint Jacques, trong sách của Maner Vilet, tác giả cuốn hải trình nổi tiếng La Neptune Oriental
 (Biển phương đông).

Và có một cách giải thích là sở dĩ có địa danh Saint Jacques là do cách phát âm của các thủy thủ người Âu, từ Cinco Chagas trở thành Sinkel Chagas và thành Saint Jacques. Vì nơi này có địa thế là một mũi đất nên được gọi
Cap Saint Jacques (mũi Saint Jacques) tồn tại suốt trong thời kỳ người Pháp cai trị Nam kỳ.

3. Ô Cấp:

Vũng Tàu là một bán đảo ba bề là biển nên còn được gọi theo tiếng Pháp là Au Cap Saint Jacques (đi ra mũi Đất - Aller au Cap).

Trong cách gọi Vũng Tàu của người Sài Gòn trước đây là Cấp, Ô Cấp là rút gọn từ chữ Cap Saint Jacques và Au Cap Saint Jacques của tiếng Pháp mà ra.

Từ tên gọi Chân Bồ của sứ giả Trung Quốc ở cuối thế kỷ 13, cho đến tên gọi bằng tiếng Bồ Đào Nha Cinco Chagas ở vào thế kỷ 16-17, và tên gọi bằng tiếng Pháp Cap Saint Jacques, Au Cap Saint Jacques ở vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18 để chỉ vùng đất là Vũng Tàu ngày nay.

Ngoài những tên gọi trên, năm 1830 trong một cuốn sách được xuất bản ở London do John Crawfurd, người cầm đầu một phái bộ do toàn quyền người Anh ở Ấn Độ phái sang Việt Nam đã viết, gọi Saint Jacques là Saint James. Đó là những tên gọi của người ngoại quốc để chỉ vùng đất Vũng Tàu. 

 

Tên gọi Vũng Tàu xuất hiện trong sách sử người Việt Nam từ khi nào? 


Trong sách sử của người Việt Nam tên gọi Vũng Tàu đã có từ khá lâu, các sách dẫn dưới đây tính theo thứ tự thời gian:

• Sớm nhất có lẽ là sách Phủ biên tạp lục viết năm 1776 (thời hậu Lê) của Lê Quý Đôn đã nói đến Vũng Tàu dưới tên gọi Hán - Việt "Vịnh Tào":

"Bính Thân, năm thứ 37 (năm 1776 dương lịch), tháng 1, sửa sang thành lũy lại bố trí trọng binh để khống chế một phương. Phúc Thuần độc chiếm ba phủ là Gia Định, Bình Khang (vùng đất nay thuộc Khánh Hòa) và Bình Thuận (tương ưng với Ninh Thuận, Bình Thuận bây giờ). Tháng 2 (1776), Văn Nhạc sai em đem chiến thuyền đánh vào Bình Thuận, nhưng không được. Tháng 3, đánh phá Cửa Lạp và Vịnh Tào (âm Hán-Việt, ghi chú âm Nôm là Vũng Tàu), rồi vào cửa biển Cần Trừ (âm Hán-Việt, ghi chú âm Nôm là Cần Giờ), lấy được ba dinh Phan (Phiên) Trấn, Biên Trấn và Long Hồ".

Như vậy, tên Vũng Tàu đã được Lê Quý Đôn nói đến vào năm 1776.


• Sách Gia Định thành thông chí do Trịnh Hoài Đức biên soạn, được dâng lên vua Minh Mạng từ năm 1820:

"Thất Sơn (tục gọi là núi Ghềnh Rái) vây che đứng sững bên ngoài, Thuyền Úc (tục gọi Vũng Tàu) vũng lớn bát ngát ở trong, lòng cảng sâu và rộng, bốn mùa gió đều được yên ổn...".

Ngoài ra, trong mục viết về Trấn Biên Hòa, sách chép: "... qua Vụng Tàu là ra núi Ghềnh Rái...", ở đây sách chép là "Vụng Tàu".


 Sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn bởi Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn từ năm 1861 đến 1882), trong mục tỉnh Biên Hòa có nói đến những ngọn núi ở Vũng Tàu như núi Thùy Vân, núi Bà Rịa, núi Nứa, núi Ghềnh Rái... và địa danh Vũng Tàu:

"Núi Ghềnh Rái:... Đầu núi làm cửa hữu cho Ngọc Tỉnh, đuôi núi làm bình phong cho Cần Giờ, ở trong có vũng lớn, tục gọi là Vũng Tàu".

Bình luận (0)