Người không vì mình thì trời tru đất diệt nghĩa là gì?
Quang Nguyễn
Người không vì mình thì trời tru đất diệt được dịch sát từ câu nói phổ biến ở Trung Quốc là nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt.
Trong bài viết trước đây, chúng tôi có cho rằng câu nói "người không vì mình thì trời tru đất diệt" được trích từ kinh Phật, cụ thể là trong Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh đệ nhị thập tứ tập (佛说十善业道经 – 第二十四集 - Giảng giải về Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, tập 24), sau khi tham khảo trang Sohu 搜狐.
Chủ đề về câu nói này cũng được một số trang tin của Việt Nam như VTC, CafeF, Tinhhoa, v.v. đăng với nội dung na ná nhau mà chúng tôi nghĩ rằng có lẽ cũng tham khảo nguồn từ Sohu hoặc một số trang tin khác của Trung Quốc.
Hầu hết các trang tin trên cũng đều cho rằng câu nói người không vì mình thì trời tru đất diệt (tức "nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt" - 人不為己, 天誅地滅) là câu bắt nguồn từ kinh Phật, cụ thể là trong tập 24 của Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, kèm theo lời giải thích như sau:
"Người không vì mình thì trời tru đất diệt" lâu nay đã bị hiểu sai nghĩa là người mà sống không nghĩ đến lợi ích của bản thân mình thì trời tru đất diệt.
Theo cách hiểu mới, câu nói trên cần phải được giải thích đúng là: một người mà không tu dưỡng bản thân thì sẽ không thể có được chỗ đứng trong trời đất. |
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi nhận thấy cách hiểu mới như trên lại là một sự nhầm lẫn!
1) Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh không phải là cuốn Kinh Phật mà đây là bài giảng vào năm 2001 tại Singapore của Hòa thượng Thích Tịnh Không (1927 - 2022) về Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo mà thôi.
2) Trong tập 24 của Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, câu "Nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt" được Lão pháp sư Tịnh Không trích dẫn lại câu hỏi của một phóng viên đài ATV (Hồng Kông) hỏi ông về ý nghĩa câu nói này. Lão pháp sư Tịnh Không cũng đã trả lời rõ ràng rằng: "Đây là một câu nói sai lầm, không phải chánh kiến, đã khiến nhiều chúng sinh lầm lạc. Thế nào là chánh kiến? Con người nên phụng sự vì xã hội, vì chúng sinh, đó mới là chánh tri chánh kiến, chứ không nên chỉ vì bản thân".
Chúng tôi xin trích nguyên văn đoạn này từ cuốn 佛说十善业道经 - Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh) như sau:
我这次在香港亚视访问的时候,曾经说了一句话。他说:谚语讲「人不为己,天诛地灭」,哪个不为自己?我当时就跟他说明,这一句话是错误的,这句话不是正见,误导了许许多多的众生。什么是正见?人应当为社会,应当为众生,这是正知正见,不要为自己。).
Như vậy, "nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt" (người không vì mình thì trời tru đất diệt) hoàn toàn không có trong kinh Phật như hầu hết các trang tin ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang đăng tải!

Lão pháp sư Tịnh Không (1927 - 2022). Ảnh: hwadzan.com
3) Về phần giải thích chữ Vi (為) trong câu “Nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt” (人不為己, 天誅地滅) ngoài nghĩa là "vì", "do" còn được các trang tin trên giải thích có thêm cái nghĩa là "tu dưỡng" nên phải được hiểu là: "một người mà không tu dưỡng bản thân ắt không thể có được chỗ đứng trong trời đất", chúng tôi cũng cho rằng đây là cách lý giải khiên cưỡng, mang tính áp đặt vì chúng tôi đã tra khá nhiều từ điển uy tín tiếng Trung vẫn không tìm thấy từ này có nghĩa là "tu dưỡng" hay "tu thân" gì cả!
Chữ Vi 為 ở thể Giáp cốt
Chữ Vi 為 thể Giáp Cốt miêu tả rất rõ ràng hình bàn tay người đang điều khiển con voi, bắt nó làm việc cho con người.
- Nghĩa gốc của vi là “làm”, nghĩa mở rộng là: “làm ra”, “lập nên”, như hành vi 行為 nghĩa là "cử chỉ hành động".
- Vi làm động từ có nghĩa là "là", như: thất bại vi thành công chi mẫu 失敗為成功之母 - nghĩa là "thất bại là mẹ thành công".
- Vi còn đọc là Vị để chỉ nghĩa "vì mục đích gì đó mà làm". Như trong câu "nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt" để dịch sát nghĩa là "người không vì mình thì trời tru đất diệt", chữ vi kỷ đọc đúng phải là vị kỷ!
Nguồn gốc của câu "Nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt"
Trên mạng internet đâu đó vẫn có nguồn cho rằng câu người không vì mình thì thì trời tru đất diệt là câu nói của Tào Tháo - một nhà chính trị thời Đông Hán (Trung Quốc) và cũng là nhân vật nổi tiếng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Nhưng đây là thông tin chưa được kiểm chứng và có thể là không chính xác.
Thực tế, cho đến nay, mặc dù có một số nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã cất công tìm hiểu và đưa ra nhiều giả thuyết nhưng nguồn gốc thật sự của câu "nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt" (người không vì mình thì trời tru đất diệt) vẫn chưa được tìm ra. Nói đúng hơn là trong kinh điển của Trung Quốc chưa tìm thấy câu này, cho nên không loại trừ khả năng đây là câu nói truyền miệng trong dân gian.
Lưu Thiếu Kỳ - nguyên chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, từng nhắc đến câu nói "Nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt" trong tác phẩm Bàn về sự tu dưỡng của Đảng viên cộng sản (论共产党员的修养 ) viết vào năm 1939.
Cụ thể, trong chương 7 có tên là Ví dụ về các hệ tư tưởng sai lầm khác nhau trong đảng của cuốn sách trên, Lưu Thiếu Kỳ cho rằng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng ích kỷ trong một số đảng viên vẫn còn khá mạnh. Ông viết: "Đầu óc của loại người này thấm đẫm hệ tư tưởng của giai cấp bóc lột. Anh ta tin vào những câu như: “Người không vì mình thì trời tru đất diệt", “Con người là động vật ích kỷ”, "Trên đời sẽ chẳng có người nào thực sự vị tha cả, mà nếu có, họ cũng là những kẻ ngu xuẩn và ngốc nghếch." Anh ta thậm chí còn biện minh cho tính ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân của mình bằng ngôn ngữ của giai cấp bóc lột. Có những người như thế trong Đảng của chúng ta".
(Nguyên văn: 種人的腦筋,浸透著剝削階級的思想意識。他相信這樣的話:“人不為己,天誅地滅”,“人是自私自利的動物”,“世界上不會有真正大公無私的人,如果有,那也是蠢才和傻瓜”。他甚至用這一大套剝削階級的話,來為他的 自私自利和個人主義辯護。在我們黨內是有這種人的。).
Hãy dừng lại cách hiểu mới của câu "Người không vì mình thì trời tru đất diệt"!
Một số trang tin Việt Nam khi dẫn nguồn tản mạn từ Trung Quốc đã "kêu gọi" nên dừng hiểu sai câu "Người không vì mình thì trời tru đất diệt" như cách hiểu truyền thống lâu nay. Nhưng, thông qua bài viết này, chúng tôi cũng mạn phép "kêu gọi" hãy ngừng lại cách hiểu mới của câu này như các trang tin này đã "kêu gọi"!
Không phải "phát hiện" mới nào cũng đúng! Trong thế giới phẳng với không gian mạng rộng lớn như hiện nay, việc có một bài viết sai nhưng được gọi là "phát hiện mới" dẫn theo hiệu ứng domino sai hàng loạt khi các trang tin khác nhau cùng dẫn nguồn mà không đi sâu kiểm chứng độ chính xác của "phát hiện" đó.
Cho dù thế nào đi nữa, theo chúng tôi, câu "Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt" (Người không vì mình thì trời tru đất diệt) cũng chỉ là lời bào chữa của những kẻ theo chủ nghĩa vị kỷ, chỉ biết mưu cầu lợi ích của bản thân mà có thể bất chấp thủ đoạn, bất chấp thiện ác.
Việc gán câu nói trên là "lấy từ kinh Phật" mặc dù rõ ràng đó chỉ là câu hỏi của phóng viên đài ATV (Hồng Kông) dành cho Lão Pháp Sư Tịnh Không và được Lão pháp sư trích dẫn lại trong lúc thuyết giảng về Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là một sự ngụy tạo rất nguy hiểm, bởi với những ai không hiểu rõ ngọn nguồn câu nói trên sẽ có cái nhìn rất phiến diện về đạo Phật!
Sách hay về Phật giáo
• Tinh hoa triết học Phật giáo được xem là công trình tập hợp của Junjiro Takakusu suốt cả cuộc đời nghiên cứu Phật học.
• Lược sử Phật giáo là một tác phẩm biên khảo ra đời khá sớm của cố học giả người Đức Edward Conze. Cho đến nay tập sách vẫn giữ được nhiều tính chất đặc biệt mà các tác phẩm ra đời về sau này chưa thể vượt qua được.
• Từng bước nở hoa sen của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những quyển sách "dạy" ta cách sống an nhiên. Bốn mươi bảy bài kệ trong sách cũng là bốn mươi bảy bài học giúp ta tu tập chánh niệm mỗi ngày, hướng đến sự an lạc trong cả tâm, thân và sống hết mình cho từng giây phút hiện tại.
• Từ bi của tác giả Osho đặt ra thách thức cho các giả định về từ bi là gì và gạt bỏ những sai lầm, định kiến, khám phá ý nghĩa thực sự ẩn sau đó thông qua câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, Chúa Jesus và những hiểu biết về Thiền đạo của tác giả. |