Yểu điệu thục nữ là gì? Quân tử hảo cầu là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 08/11/2022

Yểu điệu thục nữ là gì? Quân tử hảo cầu là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn


Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu ý nói người con trai tốt luôn mong tìm kiếm được người con gái dịu dàng, đức hạnh làm vợ.
 

Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu
Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu được cho là nói về chuyện tình giữa Chu Văn Vương và nàng Thái Tự. Ảnh: Pinterest
 
Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu (窈窕 淑女, 君子 好逑) là hai câu thơ được trích ra từ chương I bài thơ Quan Thư (關雎) trong Kinh Thi (1)Quan Thư là bài tình ca mở đầu ở phần Quốc Phong (thiên Chu Nam) và cũng là mở đầu cho toàn bộ quyển Kinh Thi. Điều đó cũng có nghĩa là bài thơ này đã tồn tại hơn 2,600 năm mặc dù Kinh Thi từng bị Tần Thủy Hoàng cho đốt sạch.

Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu được cho là nói về chuyện tình giữa Chu Văn vương 周文王 (tên thật là Cơ Xương) - người đã xây nền móng triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc và nàng Thái Tự 太姒 tức Văn Định hoàng hậu 文定皇后. 

Nguyên văn bốn câu thơ trong bài Quan Thư như sau:

Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu


關關雎鳩,
 在河之洲。
窈窕 淑女,
君子 好逑。
 
Dịch nghĩa:
 
Chim Thư cưu cất tiếng kêu quan quan
Ở trên cồn bên sông.
Người con gái hiền thục dịu dàng
Bậc quân tử mong muốn được sánh duyên.

Dịch thơ

Quan quan kìa tiếng thư cưu
Bên cồn hót họa cùng nhau vang dày
U nhàn thục nữ thế này
Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên


Bốn câu thơ trên được Chu Hi (2) chú giải như sau (nguyên văn):

"Chương nầy thuộc thể hứng. 關關 quan quan, tiếng chim trống, chim mái ứng họa nhau, 雎鳩 thư cưu loài chim nước, lại có một tên nữa là vương thư, hình trạng giống như chim phù y, nay trong khoảng Trường Giang và sông Hoài thì có chim ấy. Chim này sống có đôi nhất định mà không hề lẫn lộn. Hai con thường lội chung mà không lả lơi, cho nên sách của Mao công nói rằng: Đôi chim thư cưu tình ý chí thiết khăn vó đậm đà, nhưng lúc nào cũng giữ gìn cách biệt.

Sách Liệt nữ truyện cho là người ta chưa từng thấy chim thư cựu sống dư cặp hay sống lẻ loi, là vì tính nó như thế. 河 , tên thông dụng của những dòng nước chảy ở phương bắc. 洲 châu, cồn đất ở giữa sông có thể ở được; 窈窕 yểu điệu, là ý u nhàn, u tịch yên lặng và nhàn nhã,  thục, hiền lành;  nữ, con gái chưa gả chồng, nói nàng Thái Tự, vợ vua Văn vương, lúc còn ở nhà với cha mẹ. 君子 quân tử, chỉ vua Văn vương; 好 hảo, đẹp, lành;  cầu, đôi lứa. Sách của Mao công nói 摯 chí là rất, tình ý rất thiết tha đậm đà.

興 Hứng là trước nói một vật gì để sau dẫn đến lời ca vịnh.

Vua Văn vương nhà Chu sinh có thánh đức, lại được bậc thánh nữ họ Tự để kết hôn. Những người trong cung, lúc nàng Thái Tự mới đến, thấy nàng có đức hạnh u tịch nhàn nhã và trình chuyên, bèn làm bài thơ này rằng: Kìa đôi chim thư cựu nghe hót quan quan, đang ứng hoạ với nhau ở trên cồn bên sông. Người thục nữ yểu điệu nầy há không phải là bạn lứa tốt của bậc quân tử Văn vương hay sao? Có ý nói nàng Thái Tự và vua Văn vương cùng hoà vui mà cung kính lẫn nhau, cũng như tình chí thiết đậm đà mà lúc nào cũng giữ gìn cách biệt của đôi chim thư cưu vậy.

Về sau hễ nói hứng thì ý văn cũng phỏng theo chương nay.

Ông Khuông Hành nhà Hán nói rằng: Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu, là nói nàng Thái Tự rất mực trinh thục không thay tiết tháo. Những rung cảm về tình dục không hề lẫn vào nghi dung, những ý vui riêng không hề lộ ra cử chỉ, có được như thế rồi mới có thể phối hợp với bậc chí tôn và làm chủ tế tông miếu. Vì đó là đầu mối của Cương thường và của nền vương hoá. Giảng Kinh Thi như thế đáng gọi là người khéo nói vậy".

Hi vọng bài viết trên đây của chúng tôi đã giúp bạn đọc hiểu rõ yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu nghĩa là gì. Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc xem thêm những bài viết thú vị khác trên Atabook.com

Chú thích

(1) Kinh Thi (诗经) là một bộ tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc, một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo. Các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, gồm 311 bài thơ.

2) Chu Hi (hoặc Chu Hy) sinh năm 1130, mất năm 1200, là người đã phát triển học thuyết lí - khí của Trình Hạo và Trình Di, đã đưa lí học lên thành một hệ thống duy tâm khách quan hoàn chỉnh, được gọi là Trình Chu lí học. Lí học Chu Hi có ảnh hưởng lớn về sau ở Trung Quốc và trở thành tông phái chính của Nho học thời Minh - Thanh. Học thuyết của Chu Hi cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước khác ở Á Đông. Việt Nam, thế kỉ XVI - XVIII, các nội dung lí học của Chu Hi thường được nhắc tới. Ở Nhật Bản, vào thời Đức Xuyên (1603 - 1867) việc nghiên cứu Chu Tử (Chu Tử học) rất thịnh hành.


Tham khảo

• Khổng TửKinh Thi (Thi Kinh tập truyện), dịch giả Tạ Quang Phát, NXB Đà Nẵng, 2003  

 
 

Sách hay dành cho bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc  
 

• Thành ngữ Trung Việt thông dụng không những giúp bạn đọc hiểu thêm những thành ngữ Trung Hoa mà còn là một cách học để nhớ lâu và nhanh nhất tiếng Hoa. 

• Đặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủy  
khảo cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về các đặc điểm văn hóa Trung Quốc được biểu hiện qua tranh sơn thủy truyền thống, với chủ thể văn hóa là dân tộc Hán, trong không gian xã hội Trung Quốc, trục thời gian (chủ đạo là giai đoạn cổ – trung đại) kéo dài từ lúc tranh sơn thủy được hình thành đến cuối thời Thanh (1911). 

• Cẩm nang du lịch Trung Quốc  sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong chuyến du lịch Trung Quốc với hàng loạt những thông tin thiết thực và gợi ý hữu ích từ các chuyên gia

Bình luận (1)