Hậu sinh khả úy là gì?
Quang Nguyễn
Hậu sinh khả úy nghĩa là giới trẻ, lớp người sinh sau thật đáng tôn kính, "đáng sợ"; ám chỉ giới trẻ có thể vượt qua được thế hệ trước.
Trong Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh, từ hậu sinh (后生) được giảng như sau: "Người sinh sau - Người trẻ tuổi (postérité, jeunes gens)". Còn từ úy (畏) được giảng là: "Sợ - Lòng phục theo".
Vì vậy, hậu sinh khả úy có nghĩa là giới trẻ, lớp người sinh sau thật đáng tôn kính và "đáng sợ". Lưu ý, chúng tôi [Quang Nguyễn] đặt chữ đáng sợ trong ngoặc kép theo nghĩa tích cực; tức là câu hậu sinh khả úy vốn là một lời khen của tiền bối dành cho lớp hậu bối (thế hệ sau, thế hệ trẻ, thế hệ nối tiếp), ám chỉ lớp hậu bối này quá giỏi, có thể vượt qua được thế hệ trước.
Hậu sinh khả úy là câu nói nổi tiếng của Khổng Tử. Ảnh: quianp.com
Hậu sinh khả úy phiên âm từ tiếng Hán 后生可畏 [hòu shēng kě wèi] là thành ngữ bắt nguồn từ câu nói của Khổng Tử (孔子)[1] được viết trong thiên thứ 9 Tử Hãn (子罕) của sách Luận ngữ (論語) - một quyển sách do Khổng Tử và các đệ tử biên soạn[2].
Nguyên văn của câu này như sau:
"Tử viết: Hậu sinh khả úy, yên tri lai giả chi bất như kim dã? Tứ thập, ngữ thập nhi vô văn yên, tư diệt bất túc úy dã dĩ"
"子曰: 后生可畏,焉知來者之不如今也?四十、五十而無聞焉,斯亦不足畏也已"
Dịch nghĩa:
"Khổng Tử nói: Những người sinh sau rất đáng sợ, nhưng biết đâu tương lai của họ không bằng hiện nay? Nếu họ đến bốn chục, năm chục tuổi mà chưa có tiếng tăm gì thì không phải sợ họ nữa".
Câu nói hậu sinh khả úy bắt nguồn từ giai thoại kể về cuộc đối thoại thú vị giữa Khổng Tử và Hạng Thác 项橐 - một thần đồng mới 7 tuổi. Giai thoại này lại có hai phiên bản khác nhau, cụ thể như sau:
Phiên bản câu chuyện thứ nhất:
Tương truyền Khổng Tử đang trên đường cùng các học trò chu du khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng của mình và tìm người dùng các tư tưởng đó[3] thì gặp ba đứa trẻ, trong đó hai đứa đùa nghịch với nhau rất thỏa thích, còn đứa kia chỉ lặng im đứng xem.
Khổng Tử thấy lạ mới hỏi tại sao lại không cùng chơi với các bạn. Đứa trẻ tên là Hạng Thác điềm nhiên nói: - Đánh vật nhau quyết liệt rất dễ phương hại đến sinh mạng con người, còn cứ lôi kéo xô đẩy nhau thì rất dễ bị thương, dù chỉ kéo rách áo quần thôi, thì cũng chẳng có lợi gì cho cả hai bên, nên cháu không muốn chơi với chúng nó.
Một lúc sau, Hạng Thác dùng đất đắp thành một ngôi thành lũy ngay giữa đường, rồi vào ngồi trong đó. Xe Khổng Tử không thể đi được mới hỏi tại sao lại không nhường lối cho xe đi. Hạng Thác đáp: - Cháu nghe người ta nói xe phải vòng qua thành mà đi, chứ làm gì có thành lũy lại nhường lối cho xe đi bao giờ.
Khổng Tử nghe vậy rất kinh ngạc, cảm thấy đứa trẻ này người tuy còn nhỏ nhưng rất ranh mãnh, mới nói rằng: - Cháu tuy nhỏ mà hiểu biết thật không ít.
Hạng Thác đáp rằng: - Cháu nghe nói, cá con sinh ra được ba ngày đã biết bơi, thỏ con sinh ra được ba ngày đã biết chạy, ngựa con sinh ra được ba ngày đã biết đi theo mẹ, đây là việc rất bình thường chứ có gì lạ đâu.
Khổng Tử thấy rất thích thú với cậu bé này, và quyết định thử tài cậu ta bằng một vài câu hỏi:
Lửa nào không khói? Nước nào không có cá?
Núi nào không đá? Cây gì không cành?
Người nào không vợ? Ai kẻ không chồng?
Trâu nào không nghé? Ngựa nào không con?
Trống nào không mái? Mái nào không trống?
Ai là quân tử? Ai kẻ tiểu nhân?
Vật gì không đủ? Vật gì có thừa?
Thành nào không chợ? Người nào không con?
Cậu bé Hạng Thác liền đáp :
Lửa đom đóm không khói. Nước giếng không có cá
Núi đất không đá. Cây khô không cành.
Tiên ông không vợ. Ngọc nữ không chồng
Trâu đất không nghé. Ngựa gỗ không con.
Trống độc không mái. Mái độc không trống.
Hiền là quân tử. Kẻ dại tiểu nhân.
Ngày Đông không đủ. Ngày Hạ có thừa.
Hoàng thành không chợ. Đứa trẻ không con.
Khổng Tử hỏi 40 câu và nhận được 40 câu trả lời rất chính xác.
Tranh vẽ lúc Khổng Tử gặp Hạng Thác. Ảnh: Sciencenet
Khổng Tử sau đó mời Hạng Thác chơi trò đánh cờ với ông: - Trong xe ta có sẵn 32 con cờ, ta muốn cùng cậu đánh cờ, cậu có bằng lòng không?.
Hạng Thác đáp: - Thiên tử mê cờ thì bốn biển không người gìn giữ, chư Hầu mê cờ thì chính sự không an, nho sĩ mê cờ thì việc học đình trệ, nông phu mê cờ thì quên việc cày cấy, vì thế cháu không đánh cờ.
Khổng Tử lại hỏi: - Ta muốn cùng cậu đàm luận việc bình trị thiên hạ, cậu có bằng lòng không?.
Hạng Thác lại trả lời: - Chuyện thiên hạ khỏi phải bình, vì hoặc như núi cao, hoặc như sông hồ, hoặc như vương hầu, hoặc như nô tỳ. Nếu san bằng núi thì chim chóc không nơi trú ngụ, lấp bằng sông hồ thì cá nhờ đâu bơi lội, bỏ chức vương hầu thì dân không người trị, bỏ nô tỳ thì chủ nhân không có người để sai khiến, thế nên cháu không bình luận việc thiên hạ.
Đến lượt Hạng Thác hỏi Khổng Tử: - Trên bầu Trời có sao lấp lánh, vậy thưa Ngài có tất cả bao nhiêu vì sao?
Khổng Tử nói: - Chuyện dưới đất không thiếu gì sao lại hỏi chuyện trên Trời.
Hạng Thác lại hỏi: - Vậy dưới đất nhà cửa san sát có bao nhiêu ngôi nhà?.
Khổng Tử lại nói rằng : - Ta nên nói ngay chuyện trước mắt có phải là thực tế hơn không, cần gì nói chuyện Trời Đất.
Hạng Thác liền thưa: - Vậy thưa Ngài nếu bàn chuyện trước mắt thì Ngài cho biết lông mày có bao nhiêu sợi?.
Khổng Tử không trả lời, chỉ biết cười mà thôi. Đoạn Khổng Tử quay sang nói với các học trò: - Hậu sinh khả úy, lớp trẻ thời nay thật là ghê gớm.
Phiên bản câu chuyện thứ hai
Một lần, Khổng Tử ngồi trên chiếc xe nhỏ có ngựa kéo chu du khắp các nước. Đến một vùng nọ thấy có chú bé lấy đất đắp một tòa thành, rồi ngồi vào trong đó.
Khổng Tử liền hỏi: - Này cháu, cháu trông thấy xe ta đi tới cớ sao không chịu tránh?
Chú bé trả lời: - Cháu nghe người ta đồn rằng, Khổng Phu Tử trên thông Thiên Văn, dưới tường Địa Lý, giữa hiểu lòng người. Vậy mà hôm nay cháu gặp Phu Tử thì không phải vậy. Bởi vì từ xưa đến nay, chỉ nghe nói đến chuyện xe tránh thành, chứ thành nào lại tránh xe đâu?
Khổng Tử ngạc nhiên quá, liền hỏi: - Cháu tên là gì?
Chú bé trả lời: - Dạ, Hạng Thác
Khổng Tử: - Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?
Hạng Thác: - Dạ, 7 tuổi ạ
Khổng Tử: - Mới 7 tuổi đã khôn ngoan vậy sao?
Hạng Thác: - Dạ thưa, cháu nghe nói, con cá nở được 3 ngày đã bơi tung tăng từ hồ nọ sang hồ kia. Con thỏ 6 ngày tuổi đã chạy khắp đồng cỏ. Cháu sinh ra đến nay đã được 7 tuổi, lấy gì làm khôn?
Màn đối đáp kinh điển giữa Khổng Tử và Hạng Thác thậm chí đã dựng thành tượng ở Trung Quốc. Ảnh: Sohu
Lần này thì Khổng Tử thực sự kinh ngạc, bèn đưa ra liền 16 câu hỏi khó để thử tài Hạng Thác. Thế nhưng Hạng Thác đã trả lời trôi chảy, rồi nói: - Vừa nãy Khổng Phu Tử hỏi cháu nhiều quá. Bây giờ, cháu xin hỏi Phu Tử: Tại sao con ngỗng và con vịt nổi trên mặt nước? Tại sao chim hồng, chim hộc lại kêu to? Tại sao cây tùng, cây bách lại xanh cả mùa hè lẫn mùa đông?
Khổng Tử đáp: - Con ngỗng, con vịt nổi được trên mặt nước là nhờ hai bàn chân vuông làm phương tiện. Chim hồng, chim hộc kêu to, là vì cổ chúng dài. Tùng bách xanh tươi bốn mùa là vì thân chúng đặc.
Hạng Thác reo lên: - Thưa, không đúng! Con rùa nổi lên mặt nước, đâu có phải nhờ đôi bàn chân vuông làm bàn đạp. Con ễnh ương kêu to mà cổ nó đâu có dài. Cây trúc cũng xanh bốn mùa, mà ruột nó rỗng đấy thôi.
Khổng Tử chưa biết giải thích ra sao thì Hạng Thác lại hỏi: - Thưa Phu Tử, cho phép cháu hỏi thêm. Tại sao mặt trời buổi sáng lại to mà buổi trưa lại nhỏ?
Khổng Tử: - Là vì buổi sáng mặt trời gần ta hơn.
Hạng Thác: - Không phải ạ. Buổi sáng mặt trời gần ta hơn sao lại mát, còn buổi trưa mặt trời xa ta hơn sao lại nóng?
Rồi Hạng Thác lý sự một hồi, khiến Khổng Tử phải thốt lên: - Cháu còn ít tuổi mà lại thích hỏi những chuyện xa xôi, viễn vông ở tận đẩu tận đâu, chuyện trước mắt thì không hỏi.
Hạng Thác cười khanh khách nói: - Vâng, cháu xin hỏi chuyện ngay trước mắt ngài: Vậy lông mày của Phu Tử có bao nhiêu sợi ạ?
Khổng Tử không đáp, sai người đánh xe đi và than rằng: - Hậu sinh khả úy! (Lớp hậu sinh thật đáng sợ!).
Rất tiếc Hạng Thác tài năng mà đoản mệnh. Năm lên 10 tuổi, Hạng Thác qua đời, được lập đền thờ, gọi là Tiểu Nhi Thần, nghĩa là Thần Nhi Đồng, gọi tắt là thần đồng. Chữ Thần Đồng cũng có từ ngày đó.
Hiện nay, người ta còn "chế" câu này thành câu "hậu sinh khả ố" với ý nghĩa trái ngược hoàn toàn. Theo đó, ố ở đây có nghĩa là xấu hổ. Hậu sinh khả ố nghĩa là thế hệ sau thật đáng xấu hổ, ý nói chê bai thế hệ sau không bằng thế hệ trước. Có một số người không hiểu ý nghĩa của từ "ố", khi nghe có ai châm biếm bảo mình là "hậu sinh khả ố" lại lấy làm tự hào!
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hậu sinh khả úy là gì, tại sao gọi là hậu sinh khả úy. Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc xem thêm những bài viết thú vị khác trên Atabook.com
Chú thích
[1] Khổng Tử (孔子) tên thật là Khổng Khâu, tự Trọng Ni, còn gọi là Khổng Phu Tử 孔夫子, sinh năm 551 Tr.CN, mất năm 479 Tr.CN. Ông là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà biên khảo nổi tiếng của Trung Quốc. Các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống và tư tưởng của các dân tộc Đông Á. Người Trung Hoa đời sau đã tôn xưng ông là Vạn thế Sư biểu (Bậc thầy của muôn đời). Hiện có hàng trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới.
[2] Bộ Luận ngữ do Khổng Tử (孔子) và các đệ tử của mình biên soạn, được xem là sách đứng đầu trong Tứ Thư - tức bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, gồm Đại Học (大學), Trung Dung (中庸), Luận Ngữ (論語 ) và Mạnh Tử (孟子). Luận ngữ được viết từ đời Tiền Hán tới đời Hậu Hán và là một chủ đề học vấn chủ yếu khi thi khoa cử của các triều đình Trung Hoa trước kia.
[3] Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở, mong thuyết phục các vua chư Hầu chịu đem Đạo của ông ra ứng dụng để đem lại thái bình cho dân chúng. Nhưng Đạo của Khổng Tử là Vương Đạo (đạo trị quốc) nên đi ngược ý đồ Bá Đạo (đạo chinh phạt) của các vua chư hầu và quyền lợi của các quan Đại phu nên các vua chư hầu đều không dám dùng ông.
Tham khảo và trích dẫn
• Khổng Tử, Luận ngữ (Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu)
• Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu - NXB Văn hóa thông tin, 2005
• https://blog.sciencenet.cn
• https://www.sohu.com
Sách hay dành cho bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc
• Thành ngữ Trung Việt thông dụng không những giúp bạn đọc hiểu thêm những thành ngữ Trung Hoa mà còn là một cách học để nhớ lâu và nhanh nhất tiếng Hoa.
• Đặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủy khảo cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về các đặc điểm văn hóa Trung Quốc được biểu hiện qua tranh sơn thủy truyền thống, với chủ thể văn hóa là dân tộc Hán, trong không gian xã hội Trung Quốc, trục thời gian (chủ đạo là giai đoạn cổ – trung đại) kéo dài từ lúc tranh sơn thủy được hình thành đến cuối thời Thanh (1911).
• Cẩm nang du lịch Trung Quốc sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong chuyến du lịch Trung Quốc với hàng loạt những thông tin thiết thực và gợi ý hữu ích từ các chuyên gia.
|