Tết Trung Thu là gì? Nguồn gốc bánh Trung Thu | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 05/09/2023

Tết Trung Thu là gì? Nguồn gốc bánh Trung Thu?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Tết Trung Thu là ngày rằm tháng Tám âm lịch hàng năm, thường được xem là Tết của trẻ em. 
 

Tết trung thu
Tết Trung Thu thường được xem là Tết của trẻ em. Ảnh: dohoaol

 

Nguồn gốc Tết Trung Thu 


Ngày nay, mặc dù được xem là ngày Tết của trẻ em, thế nhưng, xuất xứ của Tết Trung Thu lại .... chẳng liên quan gì đến trẻ em cả, ngoại trừ bánh trung thu! 

Có đến hai điển tích giải thích sự ra đời của tết Trung Thu. 

Điển tích thứ nhất: 

Vào cuối đời Tây Hán (khoảng năm thứ 8 sau CN) do vua còn nhỏ tuổi, quan lại xa xỉ thối nát nên nhà Tây Hán bước vào thời kỳ suy yếu. Mọi quyền bính đều rơi vào tay bà con bên ngoại của vua. Vương Mãng là một người họ ngoại nhân cơ hội đó đã nổi lên  cướp ngôi của nhà Hán, tự  phong mình làm vua và lập nên triều đại mới là nhà Tân. 


Để củng cố nền thống trị của mình, Vương Mãng đã ban hành một số chính sách cải cách nhưng không thành công khiến dân tình càng đói khổ, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Trước tình hình đó, các phong trào nông dân nổi lên khắp nơi để chống Vương Mãng, trong đó có Lưu Tú vốn là một người thuộc dòng dõi hoàng tộc.

Năm 23, sau khi bị quân khởi nghĩa đánh một trận thua đau, Vương Mãng đã phái 42 vạn quân đến bao vây nghĩa quân ở Cồn Dương (Hà Nam). Bị vây hãm, quân tướng của Lưu Tú lâm vào cảnh đói khát. Trước tình cảnh ấy, Lưu Tú bèn bày hương án cầu trời và quả nhiên quân lính đã đào được những củ khoai môn bùi ngon và cả những quả bưởi rất ngọt. Sau đó, viện binh đã kéo đến cứu Lưu Tú. Cuối cùng, Vương Mãng bị giết. Ngày Lưu Tú cầu trời nhằm ngày rằm tháng Tám âm lịch.

Hai năm sau (năm 25), Lưu Tú lên ngôi vua lấy niên hiệu là Quang Vũ và lập nên nhà Đông Hán. Sau khi lên ngôi, Lưu Tú đã lấy ngày rằm tháng Tám để kỉ niệm tạ trời đất, cúng khoai và bưởi, thêm cả bánh “Trung Thu Nguyệt Bỉnh”. Tết Trung Thu đã ra đời từ  đó.


Điển tích thứ hai cho rằng tết Trung Thu còn gọi là tết đoàn viên bắt nguồn từ một truyền thuyết sau:

Xưa kia, trên bầu trời có đến 10 mặt trời khiến vạn vật khô héo. Có một dũng sĩ bắn cung rất giỏi tên là Hậu Nghệ đã bắn rơi 9 mặt trời, chỉ để lại 1 mặt trời đem ánh sáng cho muôn dân. Chàng có một người vợ xinh đẹp, hiền hậu là Hằng Nga. Họ sống rất hạnh phúc.

Một lần, Hậu Nghệ đến Tây Phương săn bắn được nữ thần Tây Phương là Vương Mẫu tặng chàng một gói thuốc tiên trường sinh bất lão, uống xong có thể thành tiên và bay lên trời. Vì không muốn thành tiên và xa người vợ yêu dấu của mình nên Hậu Nghệ trao thuốc tiên cho Hằng Nga giữ.

Vì tài danh vang xa nên Hậu Nghệ có nhiều người theo học, trong đó có Bàng Mộng, là một kẻ xảo quyệt. Hắn luôn nghĩ cách lấy gói thuốc tiên đó.

Vào ngày rằm tháng 8 năm đó, Hậu Nghệ cùng đồ đệ đi săn thì cũng là lúc Bàng Mộng lẻn về nhà bức Hằng Nga đưa thuốc tiên cho hắn. Cùng đường, hằng Nga buộc phải uống thuốc tiên đó và bay lên trời nhập vào cung Nguyệt.

Hậu Nghệ về nhà, nghe người hầu kể lại lòng chàng buồn rười rượi. Đêm đó, trang sáng vằng vặc, chàng bày lên mặt bàn, kê ở giữa sân, các loại trái cây mà Hằng Nga yêu thích. Dân gian thấy vậy cũng bày ở sân nhà mình một bàn trái cây, cúng tế và mong chúc Hằng Nga và chồng sớm được đoàn tụ. 

 

Nguồn gốc bánh trung Thu


Có một sự tích giải thích nguồn gốc của bánh Trung thu và cũng xuất xứ từ Trung Quốc, như sau:

Thời xưa, có một nàng tiên chốn cung đình trong một lần hạ phàm du ngoạn, trót nặng tình với một người dương gian. Hai người kết thành phu phụ. Ít lâu sau nàng hạ sinh một bé trai kháu khỉnh đặt tên là Hồ. Nhưng chẳng được bao lâu, gia đình họ đã phải chia ly, nàng tiên bị bắt về trời chịu tội.

Cậu bé Hồ nhớ thương mẹ khôn nguôi, đêm đêm cậu thường ngồi khóc dưới ánh trăng và gọi mẹ. Một hôm, thấy Hồ đang khóc, có tiên ông thương tình ngỏ ý giúp. Hồ suy nghĩ mãi, cuối cùng làm chiếc bánh to, tròn như mặt trăng, gói gọn cả tấm lòng thương nhớ gửi mẹ.

Cảm động trước lòng thành của cậu, Ngọc Hoàng cho phép gia đình họ được đoàn tụ mỗi năm một lần vào ngày Rằm tháng Tám. Câu chuyện được lưu truyền, chiếc bánh được nhân gian gọi luôn là bánh Hồ, hay còn gọi là bánh Đoàn Tụ, bánh Cung Đình ... Đây cũng là loại bánh cúng thần mặt trời cổ xưa tại Trung Quốc.


Vì sao bánh Hồ lại có tên là bánh Trung Thu?


Tục truyền, vào một đêm trung thu, vua Đường Thái Tông và Dương Quý Phi ngồi ngắm trăng và ăn bánh Hồ. Đường Thái Tông chê tên bánh Hồ không hay, Dương Quý Phi ngước nhìn trăng và buột miệng nói: “Bánh Trung Thu”. Từ đó bánh Trung thu được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian.

Bánh trung thu tiếng Anh là moon cake.


Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ Tết trung thu là gì, nguồn gốc tết trung thu, nguồn gốc bánh trung thu. Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc xem thêm những bài viết thú vị khác trên Atabook.com
 

Sách hay về phong tục Việt Nam


• Đất lề quê thói - Phong tục Việt Nam được giới nghiên cứu lâu nay xem như một cuốn “từ điển thu nhỏ” về phong tục Việt Nam.

• Việt Nam phong tục  là một bộ biên khảo tương đối đầy đủ về các phong tục tập quán cũ của nước Việt của Phan Kế Bính.

• Phong tục đất phương Nam đề cập nhiều đến phong tục tập quán ở miền Trung và miền Nam, những nơi in dấu chân ông thay vì chủ yếu viết về phong tục tập quán ở miền Bắc như các tác giả khác. 

• 
Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay  sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm cách lý giải thế giới, những suy nghĩ, khát vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của người xưa, để bảo tồn và áp dụng chúng cho hợp với thời nay khi nhiều tập tục không còn phù hợp với hoàn cảnh mới, đồng thời cũng loại bỏ những hủ tục, những điều mê tín dị đoan, không khoa học.
Bình luận (0)