Cách xưng hô con đầu lòng ở miền Bắc và miền Nam | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 24/10/2023

Cách xưng hô con đầu lòng ở miền Bắc và miền Nam

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Ở miền Bắc, con đầu lòng được gọi là Cả (anh Cả, chị Cả, thằng Cả, con Cả, ...) trong khi ở miền Nam và miền Trung, con đầu lòng lại được gọi là Hai (Anh Hai, chị Hai, thằng Hai, con Hai, ...).

Cách xưng hô con đầu lòng ở miền bắc và miền nam
 

Tại sao lại có sự khác biệt về cách xưng hô con đầu lòng ở miền Bắc và miền Trung, miền Nam?


Có khá nhiều ý kiến giải thích lý do có sự xưng hô khác nhau về con đầu lòng ở hai miền Nam Bắc. Chúng tôi dẫn ra dưới đây một vài ý kiến trong số đó để bạn đọc rộng đường tham khảo.


1. Trong quá trình Nam tiến [1], đặc biệt là thời Trịnh - Nguyễn phân tranh [2], do áp lực từ các cuộc tấn công của chúa Trịnh từ phương bắc và nhu cầu mở rộng đất đai về phương nam, các chúa Nguyễn đã bắt đầu một công cuộc mở mang bờ cõi nước Việt về phía nam với quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Từng đoàn người phương bắc lũ lượt kéo nhau về phương nam, trong đó người dẫn đầu là những anh Hai (tức những người con thứ hai trong gia đình), còn các anh Cả phải ở lại quê nhà để trông nom mộ phần của tổ tiên. Từ đó, ở miền Trung, miền Nam các con đầu lòng chỉ được gọi là anh Hai, chị Hai bởi ngầm hiểu rằng anh Cả, chị Cả còn ở miền Bắc.  

2. Khi bị thực dân Pháp chiếm làm thuộc địa, cơ quan cai trị ở mỗi xã miền Nam được gọi là Hội Đồng Tề, trong đó người đứng đầu được gọi là Hương Cả. Nếu gọi người con lớn nhất là Cả, thí dụ: "Thằng Cả đâu, vô đây biểu coi" thì vô tình đã gọi trùng với tên Hương Cả. Điều này có thể bị suy diễn là hỗn láo, mỉa mai và bị kết tội phạm húy. Vì vậy, người miền Nam tránh tiếng Cả mà gọi người con lớn nhất là anh Hai hoặc chị Hai. 

3. Do thời xưa cha ông đi mở cõi vào miền nam phải đối diện với sự khắc nghiệt của tự nhiên, con cái sinh ra rất khó để nuôi dưỡng, nhiều người con đầu lòng sinh được chưa lâu thì đã bị chết do thú dữ hoặc bệnh tật. Vì vậy các bậc cha mẹ thường khấn vái trời đất thần linh để phù hộ cho họ nuôi dưỡng con cái tốt hơn, và như một cách để đánh lừa ma quỷ, thay vì gọi theo thứ tự là con cả, con đầu... thì họ cố tình gọi là thằng hai, con hai... coi như đứa thứ nhất đã mất rồi để thần linh, ma quỷ không bắt con họ nữa.

Theo thiển ý của chúng tôi, các giải thích trên vốn là từ nguyên dân gian nên nghe có vẻ hay, thú vị nhưng không ổn về mặt từ nguyên học. Chẳng hạn, ý kiến cho rằng người miền Nam tránh gọi con đầu lòng là Cả do vấn đề kị húy với chức vụ Hương Cả thời Pháp thuộc là không chính xác, đơn giản là vì những anh Hai, chị Hai đã có từ rất lâu trước khi thực dân Pháp có mặt ở Việt Nam. 

Trong bài viết Ít tài liệu về nhà Tây Sơn đăng trên tạp chí Bách Khoa số 259 ra ngày 15 tháng 10 năm 1967, tác giả Ngê Bá Lí 
trong khi lý giải về việc tại sao lại là “ông, chú, thầy” trong cách dân địa phương gọi 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, đã viết như sau: "(...) người dân Tây Sơn còn truyền gọi ba người con trai của Hồ Phi Phúc là ông Hai Nhạc, chú Ba Thơm [3], thầy Tư Lữ. Và đây là lời giải thích ba tiếng ông, chú thầy. Ông, vì Nhạc lớn hơn em kế mươi tuổi, lại phải thay cha cầm đầu đoàn buôn trầu, Hai, vì ở đây, người con đầu không gọi như từ Bắc vào Thừa Thiên là Cả, mà là Hai, (ở Quảng Nam, gọi Cả mà cũng gọi là Hai; từ Quảng Ngãi trở vô, thì gọi là Hai)" [4].
 
Anh Cả hay anh Hai - cả hai đều là anh Cả!

Bỏ qua các giải thích theo kiểu từ nguyên dân gian ở trên, xét về mặt ngôn ngữ học, cách xưng hô con đầu lòng ở miền Bắc và miền Nam có sự khác nhau, theo chúng tôi, có thể là do sự tiếp biến ngôn ngữ khác nhau.

Theo chúng tôi, Cả là một từ Việt gốc Hán, đó là âm Hán Việt xưa của chữ 
巨 mà âm Hán Việt hiện đại là Cự, được Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng là "lớn", (như) cự thất 巨室 nhà có tiếng lừng lẫy, số nhiều gọi là cự vạn 巨萬.

Về chữ Hai trong cách xưng hô con đầu lòng ở miền Trung và miền Nam, chúng tôi đồ rằng Hai là biến âm của chữ 大 trong tiếng Hán. Chữ  ngoài âm Hán Việt là đại, còn có âm khác là thái có các nghĩa "lớn" (giống như Cự 巨), "cả", "trưởng" (lớn tuổi nhất) như đại ca 大哥 nghĩa là"anh cả", "anh lớn"“đại bá” 大伯 bác cả. Trong khi đó, theo Đại tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính, Hai Hai trong chữ Nôm trong chữ Nôm [5] là sự kết hợp của chữ Thai (âm là thai) chữ   (âm là nhị).

Hai trong chữ Nôm
Hai trong chữ Nôm
 là sự kết hợp của chữ Thai (âm là thai) và chữ  (âm là nhị)

Phải chăng thái 大 trong chữ Hán và thai Thai trong chữ Nôm có mối liên hệ với nhau, từ đó dẫn đến mối quan hệ nhân quả là người con lớn (nhất) trong gia đình ngoài cách xưng hô anh Cả/ chị Cả ở miền Bắc (bắt nguồn từ chữ ) thì ở miền Trung và miền Nam đã có sự tiếp biến ngôn ngữ theo cách khác (bắt nguồn từ chữ 大) mà gọi thành anh Hai / chị Hai?  

Chú thích

[1]. Tức mở rộng lãnh thổ của người Việt về phương nam trong lịch sử Việt Nam.


[2]. Mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 và kết thúc vào cuối thế kỷ 18 khi nhà Tây Sơn dẹp cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. Khi đó, nước Đại Việt đã bị chia cắt hơn 100 năm.

[3]. Tức Nguyễn Huệ.

[4]
Ngê Bá Lí. (1967). Ít tài liệu về nhà Tây Sơn. Sài Gòn: Bách Khoa số 259. Tr. 68 - 69.

[5]. Tức chữ Hán Nôm được người Việt tạo ra dựa trên chữ Hán.


Thư mục

• Vũ Văn Kính. (2005). Đại tự điển chữ Nôm. NXB Văn Nghệ TP. HCM.


 Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin.

 Nguyễn Hữu Vinh và nhiều tác giả khác. (2009). Tự điển chữ Nôm trích dẫn. Hoa Kỳ: Viện Việt học.

 Ngê Bá Lí. (1967). Ít tài liệu về nhà Tây Sơn. Sài Gòn: Bách Khoa số 259.



Sách hay về phong tục Việt Nam


Đất lề quê thói - Nhất ThanhĐất lề quê thói
Mua sách  
Tải sách


Việt Nam phong tục - Phan Kế BínhViệt Nam phong tục
Mua sách  
Tải sách


Phong tục đất phương NamPhong tục đất phương Nam
NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019
Mua sách   


Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nayLễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay
NXB Hồng Đức, 2023
Mua sách  


 
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)