Cúng cô hồn là gì? Vì sao tháng 7 âm lịch gọi là tháng cô hồn | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 05/09/2023

Cúng cô hồn là gì? Vì sao tháng 7 âm lịch gọi là cúng cô hồn?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn
 

Cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt Nam, thường thực hiện vào tháng 7 âm lịch vào dịp lễ tết trung nguyên.


Người Việt cổ tin rằng, con người gồm hai phần - hồn và xác. Khi mất đi, phần hồn còn tồn tại, tùy theo việc khi còn sống làm mà người mất sẽ được đầu thai kiếp khác hay bị đày xuống địa ngục, thậm chí lang thang quấy rối người thường. Và cúng cô hồn từ đó mà xuất hiện. 

Theo nhiều người, tín ngưỡng này được coi là một hành động nhân đạo, cứu giúp cho những linh hồn khốn khổ của người Việt.

 

Cúng cô hồn ngày nào?


Trong năm, lễ cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch là lớn nhất, thường trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo. 

Dưới góc độ Đạo giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa. Mỗi năm, Diêm Vương lại cho mở Quỷ môn quan từ ngày 2 tháng 7 đến ngày 14 tháng 7 (âm lịch), để quỷ đói được trở lại cõi trần và đến rằm thì quay về bởi cửa địa ngục sẽ đóng. Người Việt xem tháng 7 là tháng cô hồn, dã quỷ là vì lẽ đó.

Vì vậy, thời điểm để làm lễ cúng cô hồn thích hợp nhất là thực hiện từ mùng 2 đến trước 12h trưa ngày 15 tháng 7 âm lịch vì sau 12 giờ trưa của ngày 15 tháng 7 âm lịch, cửa địa ngục (Quỷ môn quan) sẽ đóng.

Giờ tốt nhất để cúng cô hồn là giờ Dậu (17 - 19 giờ, tức từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối) vì giờ Dậu là thời điểm nhập nhoạng tối nên các linh hồn mới ăn uống, thụ hưởng lễ vật được do không phải chống chọi với ánh sáng mặt trời vốn khiến các linh hồn bị hồn xiêu phách tán.

 
Mâm lễ Cúng cô hồn
Mâm lễ cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch. Ảnh: tamlinhsaigon

Cũng có một tích Phật lý giải phong tục cúng cô hồn. Theo đó, phật A Nan Đà một hôm khi đang ngồi trong tịnh thất thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hiện lên báo rằng, 3 ngày nữa Phật sẽ qua đời và bị hóa thành quỷ đói. Cách duy nhất để sống đó là cúng cho bọn quỷ đói (ngạ quỷ) thức ăn để được tăng thọ. A Nan Đà sau đó đi gặp Đức Phật, được Phật truyền cho bài chú “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để thêm phước. Y theo lời báo của quỷ miệng lửa, A Nan Đà sau đó làm theo, cúng quỷ đói và đọc bài chú Đức Phật truyền cho nên mới thoát được kiếp nạn.

Trong số những cô hồn, ma quỷ hay phá quấy người dân, dân gian xưa thường xuyên nhắc tới ngạ quỷ (quỷ đói). Trong các thuyết Phật giáo, người ta cho rằng, ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ.

Tín ngưỡng dân gian cũng lưu truyền một sự tích khác về quỷ đói. Tương truyền có một gia đình nọ giàu có nhờ bán nước mía. Một hôm, có một nhà sư tới xin nước mía về để chữa bệnh. Người chồng đi vắng, dặn vợ ở nhà tiếp đãi nhà sư cẩn thận. Nhưng bà vợ tham lam, keo kiệt đã lén đi tiểu vào bát của nhà sư, sau đó trộn chung với nước mía. Nhà sư tinh thông biết chuyện, đã đổ bát nước đi và bỏ về. Sau này, người vợ chết đi, do tội lỗi của mình nên bị đầu thai thành thứ quỷ luôn luôn đói khát, sống ở nơi bẩn thỉu, nhớp nhúa, gọi là quỷ đói.


Hầu hết các hoạt động kinh doanh, khởi công xây dựng, cưới hỏi, ... đều “trừ” tháng 7 ra. Vào tháng này, người ta quan niệm trên dương thế có rất nhiều quỷ đói nên phải cúng cháo, gạo, muối hối lộ cho chúng để chúng không quấy nhiễu cuộc sống bình thường. Thậm chí, nhiều nơi người ta còn gọi quỷ đói là “người anh em tốt”, “thần cửa sau” để lấy lòng những linh hồn quỷ này.
 

Những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn


Là một tín ngưỡng dân gian và liên quan rất nhiều tới các linh hồn, quỷ đói nên trong văn hóa người Việt Nam có rất nhiều điều kiêng kỵ mỗi dịp tháng cô hồn tới. Phổ biến nhất, người ta thường kiêng ra đường buổi đêm, nhất là với trẻ con. Phần đông cho rằng, ban đêm là lúc ma quỷ ra đường nên cần tránh xa kẻo bị bắt mất.

Ngoài ra, rất nhiều người kiêng tới nỗi không dám lái xe vào ban đêm. Họ sợ sự va chạm - được coi là hành động xúc phạm tới quỷ thần và có thể reo rắc vận rủi sau này. Bơi ngoài sông, ngoài biển cũng là một điều tối kỵ mỗi dịp tháng cô hồn. Ngạ quỷ thường sống ở nơi nhớp nhúa, ẩm ướt, do đó nếu bơi dễ gặp phải chúng, bị chúng kéo chân làm cho chết đuối. Để xoa dịu, lấy lòng ngạ quỷ và các cô hồn, người ta tổ chức lễ cúng cô hồn. Trong lễ này, điều tuyệt đối bị cấm là sờ vào thức ăn trên mâm cúng như gạo, cháo, muối. Người xưa lý giải rằng, làm như vậy là chọc giận ngạ quỷ và chúng sẽ gieo rắc căn bệnh bí hiểm lên người phạm thượng.

Ngoài ra khi đốt vàng mã hối lộ cho các loài quỷ, ông bà xưa cũng cấm con cháu bước lên hoặc lại gần vùng đốt lửa. Nguyên nhân là vì lửa sẽ mở ra cánh cửa vào thế giới linh hồn, nếu chẳng may dẫm phải sẽ bị quỷ dữ lôi kéo, trêu ghẹo.

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ cúng cô hồn là gì, tại sao tháng 7 âm lịch gọi là cúng cô hồn, những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn. Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc xem thêm những bài viết thú vị khác trên Atabook.com

 

Sách hay về phong tục Việt Nam


• Đất lề quê thói - Phong tục Việt Nam được giới nghiên cứu lâu nay xem như một cuốn “từ điển thu nhỏ” về phong tục Việt Nam.

• Việt Nam phong tục  là một bộ biên khảo tương đối đầy đủ về các phong tục tập quán cũ của nước Việt của Phan Kế Bính.

• Phong tục đất phương Nam đề cập nhiều đến phong tục tập quán ở miền Trung và miền Nam, những nơi in dấu chân ông thay vì chủ yếu viết về phong tục tập quán ở miền Bắc như các tác giả khác. 

• 
Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay  sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm cách lý giải thế giới, những suy nghĩ, khát vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của người xưa, để bảo tồn và áp dụng chúng cho hợp với thời nay khi nhiều tập tục không còn phù hợp với hoàn cảnh mới, đồng thời cũng loại bỏ những hủ tục, những điều mê tín dị đoan, không khoa học.
Bình luận (0)