Đồng cam cộng khổ là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 30/10/2023

Đồng cam cộng khổ là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Đồng cam cộng khổ nghĩa là chia ngọt sẻ bùi, vui sướng cùng hưởng, cực khổ cùng chịu, dù trong hoàn cảnh nào cũng đều có nhau, chia sẻ cùng nhau.  

 
Đồng cam cộng khổ
Ảnh: Trần Văn Tài/ Dân Trí
 

Tại sao gọi là đồng cam cộng khổ?


Về từ nguyên, đồng cam cộng khổ là phiên âm Hán Việt của thành ngữ Trung Quốc 同甘共苦 (đọc là tóng gān gòng kǔ). 
 

Đồng cam cộng khổ + tiếng Hoa

Quyển Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc do Lê Huy Tiêu biên dịch, cho rằng đồng cam cộng khổ có nguồn gốc từ Hoài Nam Tử (thiên Binh Lược Huấn):
 
"Tướng lãnh phải đồng cam khổ với binh lính, cùng chịu đói chịu lạnh với họ, có thế binh sĩ mới có thể hết lòng vì mình. Đời sau đổi đồng cam khổ thành đồng cam cộng khổ".

Phần đông ý kiến cho rằng thành ngữ đồng cam cộng khổ bắt nguồn từ câu chuyện Yên Chiêu Vương cầu hiền vào thời Chiến Quốc. Cụ thể như sau:

Năm 314 TCN, nước Yên xảy ra đại loạn vì nội chiến. Nước Tề nhân cơ hội đó đã đem quân sang đánh và nhanh chóng chiếm được kinh đô nước Yên, sát hại vua Yên khi đó là Yên Vương Khoái. Nước Trung Sơn ở gần đó cũng nhân cơ hội đánh chiếm một phần lãnh thổ nước Yên khiến nước này gần như diệt vong.

Năm 311 TCN, do quân và dân Yên kiên trì chiến đấu, cùng với việc các nước Triệu, Hàn, Tần, Sở liên tục gây áp lực nên cuối cùng Tề phải rút quân về nước.

Lúc này, công tử Chức [1] (tên thật là Cơ Chức) – con của Yên Vương Khoái, vốn đang làm con tin ở nước Hàn, được Triệu Vũ Linh Vương nước Triệu sai Nhạc Trì hộ tống trở về nước làm vua Yên, trở thành Yên Chiêu Vương.

Yên Chiêu Vương lên ngôi trong bối cảnh nước Yên khi đó bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, đồng ruộng khô cằn, người dân thống khổ vì sự tàn bạo của quân Tề trong 3 năm bị chiếm đóng. Ông quyết tâm phục hưng nước Yên và thề diệt nước Tề để rửa hận.

Yên Chiêu Vương tìm đến Quách Ngỗi [2] - một hiền giả của nước Yên khi đó, hỏi kế sách để thực hiện ý muốn của mình. Quách Ngỗi lấy câu chuyện bỏ ngàn lạng vàng để mua xương ngựa [3], sau đó nói với Yên Chiêu Vương: Nếu bệ hạ muốn tìm người hiền tài, thì hãy bắt đầu từ tôi. Ngay đến cả Quách Ngỗi sức hèn tài mọn mà còn được nhà vua trọng dụng thì những người có tài hơn tôi sẽ nghĩ sao? Nhất định sẽ từ nơi xa ngàn dặm tìm đến đây thôi.
 

Yên Chiêu Vương nghe theo, cho xây dinh thự nguy nga cho Quách Ngỗi, bái ông làm thầy, hết mực tôn kính. 

Câu chuyện lan truyền ra khắp nơi, nhân tài các nước nghe tin Yên Chiêu Vương thực lòng mến mộ người tài, đều tấp nập đến xin gặp. Trong số đó, nổi tiếng nhất là tướng Nhạc Nghị từ nước Ngụy, đại học sĩ Trâu Diễn từ nước Tề, ...
 
yên Chiêu Vương cầu hiền
Yên Chiêu Vương cầu hiền. Ảnh: 
lllst.com

Yên Chiêu Vương vô cùng trọng dụng và đối đãi tốt với các bậc hiền tài, giao cho họ các chức vụ quan trọng, như cất Nhạc Nghị làm á khanh để chỉnh đốn quốc chính, thao luyện binh mã. Đồng thời, ông đồng cam cộng khổ cùng bách tính, bày tỏ lòng kính trọng với những tử sĩ đã chết trong chiến tranh, thăm viếng những người mới khuất, thăm hỏi người mồ côi, nên chẳng quá 28 năm sau đã biến một nước Yên điêu tàn từ chiến tranh thành một nước Yên hùng mạnh, phát triển cực thịnh, quốc thái dân an. 

Năm 284 TCN, Yên Chiêu Vương phong Nhạc Nghị làm thượng tướng quân, thống soái binh mã năm nước (gồm Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tần) rầm rộ kéo sang đánh Tề khiến nước Tề đại bại, vua Tề bị giết ở thành Cử. Yên Chiêu Vương rửa được mối hận năm xưa. 


Ý nghĩa của thành ngữ đồng cam cộng khổ

Về mặt ý nghĩa, thành ngữ đồng cam cộng khổ vẫn còn vướng ít nhất hai cách hiểu xoay quanh hai từ cam và khổ mà các nhà ngôn ngữ học hiện nay vẫn chưa thống nhất ý kiến với nhau.

Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì cho rằng chữ cam (甘) có 6 nghĩa, trong đó nghĩa 1 là "ngọt", nghĩa 3 là "cam làm", "cam chịu". Chữ khổ (苦) cũng có 6 nghĩa, trong đó nghĩa 1 là "đắng", nghĩa 2 là "khốn khổ", "tân khổ". Như vậy nếu xét về mặt chữ thì cam có nghĩa là "ngọt" và "cam chịu" là một chữ, và khổ có nghĩa là "đắng" và "khốn khổ" cũng là một chữ. Từ đây đưa đến hai cách hiểu như sau:

1. Đồng cam cộng khổ 
nghĩa là "cùng cam chịu khi khổ sở", nói lên sự đồng lòng luôn có nhau khi gặp hoàn cảnh khó khăn, với nghĩa cam là "cam chịu", và khổ là "khổ sở".

2. Đồng cam cộng khổ nghĩa là chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau, với nghĩa cam là "ngọt" và khổ là "đắng", như đã giải thích ở phần đầu. 

Phần lớn các từ điển uy tín như Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Từ điển từ Hán Việt do Lại Cao Nguyện chủ biên, Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào, ... đều giải thích thành ngữ đồng cam cộng khổ như cách hiểu 2 ở trên, nghĩa là cùng chia ngọt sẻ bùi, sướng khổ có nhau.


Chú thích

[1]. Có tài liệu cho rằng Yên Chiêu Vương thực chất là thái tử Bình chứ không phải công tử Chức.

[2]. Tiếng Hán là 郭隗. Nhiều tài liệu phiên âm là Quách Nguy, Quách Quy, Quách Vĩ, ...

[3]. Câu chuyện cầu hiền giữa Yên Chiêu Vương và Quách Ngỗi cụ thể như sau:

Sau khi lên ngôi, Yên Chiêu Vương thân tìm tới thăm Quách Ngỗi, và nói: “Nước Tề nhân lúc ta có nội loạn, đem quân xâm lược. Ta không thể quên mối nhục đó. Nhưng hiện nay, thế nước Yên nhỏ yếu, chưa thể báo được mối thù đó. Nếu có người hiền tài giúp ta báo thù rửa nhục, thì ta xin hết lòng nghe theo. Tiên sinh có thể tiến cử cho một người như thế không?”

Quách Ngỗi vuốt râu suy nghĩ một lát rồi nói: “Muốn tiến cử một nhân tài có sẵn, e rằng thần cũng không nói được. Chỉ xin kể chúa công nghe một câu chuyện”. Rồi ông kể:

"Có một nhà vua rất thích thiên lý mã. Một viên thị thần thăm dò thấy ở nơi xa có một con thiên lý mã rất quý bèn tâu với vua, nếu đưa cho anh ta một ngàn lạng vàng, thì nhất định sẽ đi mua được con thiên lý mã đó. Nhà vua cả mừng, trao cho viên thị thần một ngàn lạng vàng, để đi mua.

Không ngờ người đó tới nơi, thì thiên lý mã đã ốm chết. Viên thị thần nghĩ, nếu về tay không thì sẽ khó ăn nói, liền lấy ra một nửa số tiền mang theo, mua bộ xương con ngựa đó mang về.

Thị thần dâng bộ xương ngựa lên cho nhà vua. Nhà vua nổi trận lôi đình, nói: “Ta sai ngươi đi mua ngựa sống, ai bảo ngươi bỏ tiền ra đi mua xương ngựa về làm gì?”. Viên thị thần bình tĩnh trình bày: “Mọi người biết tin nhà vua bỏ nhiều tiền ra mua ngựa chết, thì sao lại không mang ngựa sống tới cho nhà vua?

Ông vua nửa tin nửa ngờ, nhưng không trách mắng gì viên thị thần nữa. Chuyện đó truyền đi, mọi người đều cho rằng nhà vua đó thực sự yêu quý thiên lý mã. Không tới một năm sau, quả nhiên khắp nơi mang tới khá nhiều thiên lý mã.

Kể xong, Quách Ngỗi nói với Yên Chiêu Vương:  “Chúa công nếu thực sự muốn tìm kiếm người hiền tài, thì cứ thử làm như cách mua xương ngựa xem sao”. 

 

Thư mục

 Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin.

• Vũ Dung, Vũ Thùy Anh, Vũ Quang Hào. (2000). Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam. NXB Văn Hóa Thông Tin.

• Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên. (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.


Sách hay chọn lọc tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc


Thành ngữ Trung Việt thông dụngThành ngữ Trung Việt thông dụng
NXB Dân Trí, 2019
Mua sách

Đặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủyĐặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủy
NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM, 2022
Mua sách

Cẩm nang du lịch Trung QuốcCẩm nang du lịch Trung Quốc
NXB Dân Trí, 2018
Mua sách  


Trung Hoa sử cươngTrung Hoa sử cương
NXB Quan Hải Tùng Thư, 1942
Tải sách  




 
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)