Những cái nhất của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh
Atabook.com - Truyền bá tri thức.
1. Bệnh viện cổ nhất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh
• Bệnh viện bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Quán cũ)
Bệnh viện Chợ Quán xưa và nay
Bệnh viện Chợ Quán xây dựng năm 1862 do một số nhà hảo tâm đóng góp, đến năm 1864 thì hiến cho chính quyền thời bấy giờ quản lý. Năm 1954 – 1957, bệnh viện được giao cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa khi đó và đổi tên là Viện bài lao Ngô Quyền để làm nơi điều trị bệnh lao cho binh lính.
Cuối năm 1957, bệnh viện được trả về cho dân sự, lấy lại tên ban đầu là Bệnh viện Chợ Quán, điều trị các bệnh truyền nhiễm, phong, tâm thần, ...
Ngày 02/3/1974 bệnh viện được đổi thành Trung tâm y tế Hàn – Việt có 550 giường, được xem như là “một Trung tâm Y tế toàn khoa mới và tối tân hàng bậc nhất miền Nam Việt Nam" thời bấy giờ.
Ngày 1/5/1975 bệnh viện được Ban Y Tế Xã Hội Miền Nam thuộc Ủy Ban Quân Quản tiếp nhận và quản lý, lấy lại tên Bệnh viện Chợ Quán.
Ngày 5/9/1989 bệnh viện được chuyển thành Trung tâm bệnh nhiệt đới, đến ngày 19/8/2002 thì được đổi tên thành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho đến ngày nay.
Bệnh viện bệnh nhiệt đới hiện tọa lạc tại địa chỉ: 764 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh
2. Khách sạn cổ nhất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh
• Khách sạn Continental
Khách sạn Continental xưa và nay
Khách sạn Continental được một nhà sản xuất đồ gia dụng và vật liệu xây dựng người Pháp có tên Pierre Cazeau xây dựng vào năm 1878 và khánh thành năm 1880. Tên khách sạn cũng được đặt ngay từ đầu là Continental, có nghĩa là lục địa.
Sau 30/4/1975, có thời gian khách sạn đổi thành Hải Âu. Đến năm 1989, khách sạn được nâng cấp, chỉnh trang và lấy lại tên cũ Continental.
Khách sạn Continental có diện tích 3,430m2, 1 trệt, 3 tầng lầu, là nơi từng đón tiếp nhiều chính khách, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng của thế giới đến thăm và lưu trú như nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (giải Nobel Văn chương năm 1913), nhà văn người Pháp Andre Malraux, nhà văn người Anh Graham Greene - tác giả cuốn "Người Mỹ trầm lặng" nổi tiếng,...
Khách sạn Continental hiện tọa lạc tại địa chỉ: 132–134 Đồng Khởi, Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh
3. Trường học cổ nhất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh
• Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn
Trường Trung Học Phổ Thông Lê Quý Đôn xưa và nay
Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn được xây dựng vào năm 1874, hoàn tất năm 1877 do người Pháp quản lý, giảng dạy từ tiểu học đến tú tài theo chương trình Pháp.
Lúc đầu trường có tên là Collège Indigène (trung học bản xứ) rồi đổi thành Collège Chasseloup Laubat - tên của Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp lúc bấy giờ là Hầu tước François de Chasseloup-Laubat. Năm 1954 trường mang tên Jean Jacques Rousseau - một triết gia nổi tiếng của Pháp trong phong trào "Ánh Sáng" thế kỷ 18.
Năm 1970, trường được trả cho người Việt quản lý, mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, học từ lớp 1 đến lớp 12. Ngày 29/8/1977, trường được đổi tên thành Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn.
Gần 1,5 thế kỷ đã qua, trường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu và được chọn là một trong những di tích văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Lê Quý Đôn hiện tọa lạc tại địa chỉ: 110 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh
4. Ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh
• Chùa Huê Nghiêm 1
Mặt tiền chùa Huê Nghiêm 1
Chùa Huê Nghiêm được thành lập năm 1721 do thiền sư Thiệt Thoại (Thụy) - Tánh Tường (1681 – 1757) khai sơn. Tên chùa lấy từ bộ kinh Hoa Nghiêm. Vì là ngôi chùa cổ xưa nhất trong các chùa ở TP. Hồ Chí Minh nên chùa còn được gọi là Huê Nghiêm cổ tự hoặc Tổ đình Huê Nghiêm. Ngoài ra, chùa thường được gọi là chùa Huê Nghiêm 1 để phân biệt với chùa Huê Nghiêm 2 ở phường Bình Khánh, quận 2 do Hòa thượng Thích Trí Quảng sáng lập năm 1975.
Những ngày đầu, chùa được xây cất trên vùng đất thấp cách địa thế của chùa hiện nay khoảng 100m. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thị Hiên pháp danh Liễu Đạo đã hiến đất để xây lại ngôi chùa khang trang rộng rãi như hiện nay. Qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1960, 1969, 1990, 2003, 2011 mặt tiền chùa ngày nay mang dáng vẻ kiến trúc của chùa hiện đại nhưng các gian phía trong vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống.
Chùa Huê Nghiêm 1 là một di tích Phật giáo quan trọng và cũng là bằng chứng cho thấy về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá.
Chùa Huê Nghiêm 1 hiện tọa lạc tại địa chỉ: 204 đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
5. Nhà cổ nhất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh
• Nhà nguyện (dinh Tân Xá)
Tính đến năm 2022, nhà nguyện (dinh Tân Xá) đã trải qua lịch sử hơn 230 năm
Nhà nguyện (được Trương Vĩnh Ký gọi là Dinh Tân Xá) là ngôi nhà có tuổi thọ lâu đời nhất còn hiện diện tại TP. Hồ Chí Minh. Nhà nằm trong khuôn viên Tòa Tổng giám mục TP. Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà được Vua Gia Long cho cất vào năm 1790 ở gần rạch Thị Nghè để làm nơi ở cho giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) và đồng thời là nơi để Bá Đa Lộc dạy học cho Hoàng tử Cảnh. Vị trí ngôi nhà lúc ban đầu nằm trong địa phận Thảo Cầm Viên bây giờ.
Năm 1799, giám mục Bá Đa Lộc qua đời, ngôi nhà được giao cho linh mục khác là cha Liot lúc ấy làm Bề trên của giáo phận.
Từ năm 1811 đến năm 1862, ngôi nhà bị đóng cửa vì chính sách cấm đạo của triều đình Huế.
Năm 1862, sau khi Vua Tự Đức ký Hòa ước Nhâm Tuất với Pháp để nhượng 3 tỉnh Đông Nam Kỳ và Côn Đảo cho Pháp, ngôi nhà được trao lại cho Tòa giám mục.
Năm 1864, người Pháp cho xây dựng Thảo Cầm Viên nên ngôi nhà được di chuyển về vị trí đường Alexandre de Rhodes.
Năm 1900, khi Tòa Tổng giám mục được xây tại địa chỉ ngày nay là 180 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3,TP. Hồ chí Minh thì ngôi nhà lại được dời đến đây cho đến ngày nay. Năm 1911, khi Tòa Tổng giám mục xây dựng xong thì ngôi nhà được sử dụng làm nhà nguyện.
Ngôi nhà cổ này được xem là "kỷ vật" của Vua Gia Long còn lưu lại đến ngày nay. Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ quý, được các nghệ nhân xưa thực hiện bằng kỹ thuật ghép mộng, hoàn toàn không sử dụng bất cứ cây đinh nào và vẫn đứng vững qua hàng trăm năm qua.
6. Công viên cổ nhất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh
• Thảo Cầm Viên
Tính đến năm 2022, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã trải qua lịch sử gần 160 năm
Thảo Cầm Viên được người Pháp xây dựng năm 1864. Giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên là nhà thực vật học nổi tiếng của Pháp là J. B. Louis Piene. Mục đích xây dựng Thảo Cầm Viên là để ươm cây giống trồng dọc các đại lộ Sài Gòn, đồng thời là nơi trồng những thực vật vùng nhiệt đới mà các Thảo Cầm Viên của Pháp chưa có.
Năm 1865, chính phủ Nhật khi đó đã tài trợ khoảng 900 giống cây quý cho Thảo Cầm Viên. Ngoài thực vật thì động vật ở Thảo Cầm Viên cũng rất phong phú nên còn có tên gọi là Sở thú. Thảo Cầm Viên là vườn thú lâu đời đứng hàng thứ 8 trên thế giới.
Đến năm 1989, Thảo Cầm Viên được cải tạo, mở rộng và nhập thêm nhiều giống thú mới, trồng thêm cây quý.
Thảo Cầm Viên hiện có 2 cổng nằm ở địa chỉ: số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và số 1 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
7. Nhà hát cổ nhất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh
• Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (Nhà hát thành phố, Nhà hát Lớn)
Nhà hát thành phố xưa và nay
Nhà hát thành phố do nhóm kiến trúc sư người Pháp thiết kế xây dựng vào năm 1898 và hoàn tất vào ngày 17/01/1900. Đặc trưng của công trình này là sự phối hợp khéo léo giữa kiến trúc và điêu khắc với nhiều phù điêu, tượng nổi. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19. Mục đích xây dựng nhà hát ban đầu là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem.
Năm 1956, nhà hát được dùng làm Trụ sở hạ nghị viện của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
Hiện tại, nhà hát không chỉ là nơi tổ chức các chương trình sân khấu chuyên nghiệp như biểu diễn ca nhạc, kịch nói, opera, cải lương, múa ba lê, ... cho các đoàn nghệ thuật lớn cũng như tổ chức nhiều sự kiện lớn khác mà còn là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách khi tới Sài Gòn. Hiện Nhà hát có sức chứa tới 1.800 chỗ ngồi với một tầng trệt và hai tầng lầu.
Tên tiếng Anh của Nhà hát thành phố là Ho Chi Minh Opera House.
Nhà hát thành phố hiện tọa lạc tại địa chỉ: 07 Công trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
8. Nhà thờ cổ nhất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh
• Nhà thờ Chợ Quán (Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu)
Với lịch sử gần 350 năm, nhà thờ Chợ Quán là nhà thờ cổ cổ nhất ở Sài Gòn nói tiêng và Nam Bộ nói chung
Nhà thờ Chợ Quán được xây dựng từ năm 1674. Đây là nhà thờ cổ nhất của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cổ nhất ở miền Nam nói chung.
Nhà thờ có kiến trúc Romanesque, đã nhiều lần bị phá hủy rồi lại được xây lại vào các năm 1727, 1733, 1793, 1862, 1882 và ngôi nhà thờ hiện nay được khánh thành vào năm 1896. Ngôi thánh đường nằm ở trung tâm, có kiến trúc kiểu phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1.000 người.
Nhà thờ Chợ Quán hiện tọa lạc tại địa chỉ: 120 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
9. Ngôi đình cổ nhất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh
• Đình Thông Tây Hội
Tính đến năm 2022, Đình Thông Tây Hội đã trải qua lịch sử gần 350 năm
Đình Thông Tây Hội được xây dựng vào khoảng năm 1679, được xem là ngôi đình cổ nhất Gia Định xưa và xưa nhất Nam Bộ.
Đình là chứng tích còn nguyên vẹn nhất của thời kỳ dân Ngũ Quảng kéo vào Nam khai khẩn.
Đình lúc đầu là của thôn Hạnh Thông – Thôn khởi nguyên của quận Gò Vấp, sau đổi thành Thông Tây Hội (do sự sáp nhập của thôn Hạnh Thông Tây (thôn mới) và thôn An Hội.
Đình Thông Tây Hội hiện tọa lạc tại địa chỉ: 319 Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp, Tp.Hồ Chí Minh.
10. Nhà văn hóa cổ nhất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh
• Cung văn hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh
Le Cercle Sportif Saïgonnais xưa và Cung Văn hóa Lao động ngày nay
Năm 1866, người Pháp đã xây sân thể thao dành cho quan chức Pháp với tên gọi Le Cercle Sportif Saïgonnais, gồm hồ bơi, sân quần vợt, phòng đấu kiếm và phòng nhảy đầm. Sau này trở thành nơi sinh hoạt dành riêng cho sĩ quan Pháp, Mỹ, chính quyền Sài Gòn và giới thượng lưu.
Tháng 11/1975, Ủy ban quân quản Sài Gòn – Gia Định đã bàn giao Le Cercle Sportif Saïgonnais (Câu lạc bộ Thể dục thể thao Sài Gòn) lại cho Liên đoàn lao động thành phố để cải tạo xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí cho công nhân lao động và đổi tên thành Câu lạc bộ lao động. Năm 1985, Câu lạc bộ lao động đổi thành Nhà văn hóa Lao động. Đến năm 1998 thì đổi thành Cung văn hóa Lao động như hiện nay.
Với diện tích 2,8 ha, Cung văn hóa lao động là nhà văn hóa cổ nhất và lớn nhất Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh.
Cung Văn hóa Lao động hiện tọa lạc tại địa chỉ: 55B Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
5 cuốn sách hay viết về Sài Gòn
• Ký ức về lịch sử Sài Gòn và các vùng phụ cận là bài diễn văn do học giả Trương Vĩnh Ký viết và đọc tại trường Thông ngôn khi ông làm giám đốc, và được in lại trong tập san Du ngoạn và Thám sát (Excursions et Reconnaisances) năm 1885.
• Sài Gòn năm xưa là một tác phẩm của học giả Vương Hồng Sển được đông đảo độc giả yêu thích với những câu chuyện đã xưa cũ, từng tồn tại một thời không xa nhưng mới đây thôi mỗi khi nghĩ lại sẽ rất dễ khiến con người thổn thức cõi lòng mình.
• Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ viết về một Sài Gòn xưa qua những mảnh hồi ức vô cùng sống động của nhà văn Lê Văn Nghĩa. Đó là một Sài Gòn lạ lẫm với những hàng cây cao su, Sài Gòn rực rỡ ánh đèn màu của các rạp cải lương, Sài Gòn sôi động với các ban nhạc trẻ, Sài Gòn với bến tắm ngựa và những con đường ghi đậm dấu tích một thuở.
• Vọng Sài Gòn khiến cho bất cứ ai, dù sống ở đây chưa lâu hay có gốc gác nhiều đời ở vùng đất này, vừa cảm thấy gần gũi nhiều điều cuốn sách đề cập đến, vừa cảm thấy tình không đủ nặng, yêu chưa da diết và còn nhiều thờ ơ với nó, khi đọc những trang viết của Trác Thúy Miêu.
• Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và ... Em là một "món hời" với bạn đọc của cây bút best-seller Anh Khang, bởi không có cuốn sách nào mà khi cầm trên tay bạn lại được cảm nhận, trải nghiệm nhiều đến thế |