Cha đẻ chữ Quốc Ngữ là ai | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 21/08/2023

Cha đẻ chữ quốc ngữ là ai?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Giáo sĩ Francisco de Pina (1585 - 1625) được xem là cha đẻ chữ quốc ngữ, là người đặt nền tảng cho việc ra đời của chữ quốc ngữ.


Khi các giáo sĩ dòng Tên[1] tìm cách truyền đạo vào Việt Nam thì họ gặp những khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Trong thời kỳ đầu, các giáo sĩ đến Hội An theo các thuyền buôn và lưu lại khoảng 3 tháng. Khi các tàu đã đầy hàng, họ lại ra ở theo các thủy thủ nên không có điều kiện để học nói tiếng Việt.

Đến khi linh mục Francesco Buzomi (1576–1639) được giáo đoàn chỉ định ở lại lâu dài và tiếp tục việc truyền đạo thì việc giảng đạo thông qua những người phiên dịch là các thầy dòng Nhật Bản trở nên thiếu hiệu quả. Giáo sĩ phương Tây đầu tiên có thể nói thông thạo và giảng đạo bằng tiếng Việt là Francesco de Pina (1585-1625), sau đó có Christoforo Borri (1583-1632) và đặc biệt là Alexandre de Rhodes (1591-1660) đã bỏ công ra học và nghiên cứu sâu sắc tiếng Việt.
 
Alexandre de Rhodes sinh năm 1591 ở Avignon nước Pháp. Năm 1612, ông gia nhập Giáo hội và đến Việt Nam từ 1624 đến 1645 với nhiệm vụ của một nhà truyền giáo. Năm 1624, khi đến Đàng Trong[2], Alexandre de Rhodes đã thấy: “Các cha Fernandes và Buzomi vẫn phải giảng đạo qua phiên dịch. Chỉ có cha Francesco de Pina thì khác, ông nói tiếng Việt khá tốt và tôi nhận thấy rằng những bài thuyết giáo của ông có ích hơn bài của các cha khác”. 

Francesco de Pina và Alexandre de Rhodes
Francesco de Pina và Alexandre de Rhodes. Ảnh: Wikipedia
 
Tuy nhiên, việc học tiếng Việt không đơn giản, đặc biệt là do tiếng Việt có dấu giọng, rất dễ nhầm lẫn. Kể về bước đầu học tiếng Việt, Alexandre de Rhodes viết: “...nghe những người bản xứ, nhất là phụ nữ nói, tôi tưởng như nghe tiếng chim hót líu lo và tôi mất hết hi vọng có thể nói được thứ tiếng đó”. Linh mục Joseph Tiesanier người Pháp, ở Việt Nam từ 1653 đến 1663 cũng nói: “Các thứ tiếng này làm tôi phát sợ, vì thấy nó khác so với tiếng Châu Âu và tôi hầu như mất hết hy vọng là sẽ học được".

Nhiều năm trước đó [ít nhất là trước năm 1548 – Quang Nguyễn], một người Nhật tên là Yajiro đã theo học với nhà truyền giáo Francis Xavier (1506-1552) và thực hiện việc phiên âm, tạo ra một mẫu văn tự kiểu Latinh để ghi âm tiếng Nhật. Sau đó nhiều giáo sĩ Phương Tây đã dùng các kiểu mẫu tự La tinh để phiên âm tiếng Trung Quốc và đã viết nhiều sách truyền giáo từ thế kỷ 16. Tuy nhiên, việc phiên âm và biên soạn một mẫu tự Latinh cho tiếng Việt khó khăn phức tạp hơn nhiều, bởi lẽ ở Trung Quốc người ta viết chữ Hán và nói tiếng Hán, tiếng nói và chữ viết thống nhất với nhau; còn ở Việt Nam vào lúc này người ta nói tiếng Việt nhưng các văn bản viết dùng trong học tập và hành chính lại là chữ Hán. Khi đọc các văn bản viết, người ta lại đọc theo kiểu nửa tiếng Hán nửa tiếng Việt gọi là âm Hán – Việt.

Có một kiểu chữ viết cải tiến từ chữ Hán dễ dùng để vừa ghi âm tiếng Việt vừa ghi nghĩa tiếng Hán, gọi là chữ Nôm. Tuy nhiên, hệ chữ Nôm này chưa hoàn chỉnh và lúc đó còn rất ít được sử dụng rộng rãi. Đã có nhiều giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Pháp bỏ ra nhiều công sức trong nhiều năm trời để nghiên cứu tạo ra một kiểu chữ viết Latin cho tiếng Việt. Đây là một công trình phát triển dần dần với sự đóng góp công sức của nhiều người, kể cả người Nhật và người Việt Nam.
 Trong lúc thực hiện họ cũng vận dụng các kinh nghiệm của hệ mẫu tự Latin dùng cho tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật.

Đầu tiên là người ta cố gắng phiên âm tiếng Việt và sau đó là sáng chế các văn tự. Lúc đầu các chữ phiên âm dựa vào tiếng Ý và Bồ, vì khi đó tiếng Bồ là ngôn ngữ chủ yếu dùng trong các giao dịch của các thương thuyền châu Âu và sau đó là một kiểu ngôn ngữ hỗn hợp Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý thường gọi là lingua franca(3). Các cách phiên âm lúc đầu chưa có luật lệ chặt chẽ và thống nhất, còn thô sơ và chưa hợp lý. Dần dần trong quá trình thực tế sử dụng, người ta cải tiến nhiều. Một cải tiến mang tính quyết định của các công trình này là việc sáng tạo ra các dấu và quy ước viết các dấu. Đây là một lĩnh vực phức tạp, khó khăn cả về việc nghiên cứu sáng tạo và về kỹ thuật in ấn, vì trong các bộ con chữ đúc Latin chưa có các con dấu này.

 
Ấn phẩm đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ là cuốn Tự điển An Nam – Bồ Đào Nha – Latin (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, thường được gọi là từ điển Việt-Bồ-La) của A. de Rhodes, in tại Rome năm 1651. Trong lời tựa của cuốn từ điển, ông viết: “Để khởi thảo cuốn từ điển này, không những tôi nhờ chính người bản xứ đã giúp tôi học tiếng trong suốt 12 năm… mà tôi còn học hỏi những nhà truyền giáo khác. Tôi đã từng học với F. de Pina, G. de Amral và A. Barbosa… mỗi ông đã làm một cuốn từ vựng. Nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công việc của cả hai ông viết ra cuốn từ vựng mới, có chứa thêm tiếng Latin.”

Cuốn từ điển rất dày, 500 trang và đã vượt xa hai cuốn từ điển của Amral và Barbosa về sự hoàn chỉnh của các phiên âm. Có thể nói A. de Rhodes là một nhà ngôn ngữ học tài ba. Riêng về các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng mà ông sáng chế ra thì ông cho rằng đó là linh hồn của tiếng Việt, “cũng giống như những gam trong nhạc Châu Âu”. Điều này đến nay bất cứ người nước ngoài nào khi học tiếng Việt cũng thấy như vậy. Đặc biệt hơn nữa, trong cuốn từ điển này, A. de Rhodes đã ghi chép khá đầy đủ lời ăn tiếng nói của người Việt khi đó làm cho khi tra từ điển người ta có cảm tưởng như đọc một cuốn văn hóa sử cương thế kỷ XVII. Nhiều người cho rằng trước khi cho ra đời cuốn từ điển này, A. de Rhodes đã giam mình gần 3 năm trời trong khuôn viên của nhà thờ Hội An. Để hoàn tất công việc, ông cũng sử dụng hai phương ngữ chủ yếu là Hội An và Hà Nội (khi đó có tên là Thăng Long - Quang Nguyễn) để xây dựng hệ thống phiên âm tiếng Việt.

Một giáo sĩ người Pháp khác là Pigneau de Béhaine [tức giám mục Bá Đa Lộc (1741-1799) hay còn gọi là Cha Cả - Quang Nguyễn) cũng có công nhiều trong việc cải tiến chữ Quốc ngữ. Năm 1773, ông biên soạn xong cuốn Từ điển An Nam – Latin (Dictionarium Anamitico Latinum) với một kiểu phiên âm đã đạt đến một hình thức ổn định. Quyển từ điển này hiện còn giữ ở Thư khố Hội Truyền giáo Ngoại quốc tại Paris (Pháp).

Sau đó, vào năm 1832, giám mục Jean-Louis Taberd (1794-1840) và một số người Việt đã hoàn thành hai cuốn từ điển nữa. Kể từ đó, chữ Quốc ngữ định hình và cho đến nay cũng không thay đổi mấy. Qua trăm năm sử dụng và phát triển, chữ quốc ngữ đã được sửa đổi và dần thay thế hoàn toàn cho chữ Hán và chữ Nôm vào đầu thế kỷ 20 và hiện nay là văn tự phổ biến và chính thức của Việt Nam.


Vậy ai là người sáng lập ra chữ Quốc ngữ Việt Nam? 


Tại hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 24-08-2016 ở huyện Điện Bàn, nhiều ý kiến cho rằng giáo sĩ Francisco de Pina là người đặt nền tảng cho việc ra đời của chữ quốc ngữ. 

Văn bia ở làng Thanh Chiêm (thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) ghi rõ F. de Pina là người khai sinh chữ Quốc ngữ
Văn bia ở làng Thanh Chiêm (thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) ghi rõ F. de Pina là người khai sinh chữ Quốc ngữ

 
Trong lời tựa do chính Alexandre de Rhodes viết khi xuất bản cuốn Từ điển Việt - Bồ - La (năm 1651) công khai thừa nhận vai trò số 1 của linh mục Francisco de Pina trong việc Latin hóa tiếng Việt. Pina đến Đàng Trong năm 1617, sau đó học tiếng Việt, trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. Ông biên soạn tài liệu Phương pháp Latin hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt; dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác, trong đó có Rhodes (đến Thanh Chiêm năm 1624).

Bản kinh Lạy Cha năm 1632, do Pina và một thanh niên giáo dân người Việt lần đầu dịch sang tiếng Việt
Bản kinh Lạy Cha năm 1632, do Pina và một thanh niên giáo dân người Việt lần đầu dịch sang tiếng Việt

Chú thích

[1] Dòng Tên (còn gọi là Dòng Chúa Giêsu) là một dòng tu lớn của công giáo, được thành lập vào năm 1535 tại Paris (Pháp). Hiện nay dòng có mặt ở hơn 100 quốc gia trên thế giới, với 19.200 tu sĩ (số liệu năm 2007).

[2] Đàng Trong là tên gọi vùng lãnh thổ Đại Việt kiểm soát bởi chúa Nguyễn, xác định từ phía Nam sông Gianh (Quảng Bình) trở vào Nam. Khi người ngoại quốc đến giao thương với Việt Nam, họ thường dùng tên gọi Cochinchine để chỉ vùng lãnh thổ này.

[3] Lingua franca là ngôn ngữ dùng để giao tiếp giữa những người không nói cùng tiếng mẹ đẻ. Khi tiếng mẹ đẻ được sử dụng trong một nhóm người nào đó thì tiếng lingua franca được dùng để giao tiếp với các nhóm người khác không cùng tiếng mẹ đẻ. Ví dụ, tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của Hoa Kỳ nhưng trong Philippines thì tiếng Anh được coi là lingua franca.

 

Sách hay dành cho bạn đọc muốn tìm hiểu về chữ quốc ngữ  
 

• Chữ Văn, quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc là công trình khảo cứu của Giáo sư Nguyễn Văn Trung – một người nổi danh trong những sinh hoạt văn chương, báo chí, triết học mang tính học thuật tại miền Nam trước năm 1975. 

Alexandre de Rhodes và vấn đề chữ Quốc ngữ 
cung cấp một số tư liệu mà hiện nay chưa được phổ biến rộng rãi ở trong nước, đồng thời tác giả Bùi Kha cũng đưa ra những lập luận khá xác đáng trên cơ sở xử lý nguồn tư liệu mà tác giả tiếp cận được tại các thư viện khoa học ở châu Âu và Mỹ.

Bình luận (0)