Rửa tai (Cổ học tinh hoa) | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 04/12/2022

Rửa tai

Theo Cổ học tinh hoa 
Đời thượng cổ có ông Hứa Do[1] là một người sống ẩn dật ở trong chằm Bái Trạch[2].

Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc phía Nam sông Dĩnh Thuỷ.

Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do ra làm tổng trưởng cả chín châu[3]. Hứa Do thấy vậy, không muốn nghe chuyện nữa, ra bờ sông Dĩnh Thuỷ rửa tai.


Ngay lúc bấy giờ, Sào Phủ[4] đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp Hứa Do hỏi:

Vì việc gì mà bác phải rửa tai như vậy?

Hứa Do thuật chuyện, Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói rằng:

Ta toan cho trâu uống nước đây, lại e bẩn cả miệng trâu.

Nói đến đoạn dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống nước.

(Cao Sĩ Truyện)[5]


Lời bàn

Có cả thiên hạ mà cố nhường cho người là lạ. Người nhường thiên hạ cho, mà không nhận cũng là lạ. Nghe thấy câu chuyện nhường thiên hạ cho là chuyện bẩn, phải đi rửa tai lại lạ hơn. Không để cho trâu uống cái nước đã rửa tai ấy, sợ bẩn miệng trâu lại càng lạ nữa.

Ôi! đọc bài này, tưởng như Hứa Do với Sài Phủ là hai người, nếu chẳng ngông cuồng, thì cũng gàn dở. Nhưng vì Hứa do và Sào Phủ hiểu thấu danh lợi nó hãm hại người ta dễ làm cho mất hết liêm sỉ, cho nên hai ông không muốn để cái làm vui sướng, thì cũng là những bậc cao sĩ thờ một cái chủ nghĩa cao quý vậy.

Chả bù cho những phường tham danh, trục lợi thường say mê danh lợi, thậm chí đến chết vẫn chưa tỉnh cho!

Chú thích
 
[1] Hứa Do: bậc cao sĩ đời thượng cổ

[2] Bái Trạch: chỗ có cây mọc tùm lum gọi là bái, chỗ nước đọng nhiều gọi là trạch

[3]  Chín châu: đời thượng cổ nước Tàu chia ra làm chín khu để cai trị (Duyên, Ký, Thanh, Từ, Dự, Kinh, Dương, Ung, Lương)

[4]  Sào Phủ: bậc cao sĩ đời thượng cổ, không ưa thế lợi, ẩn ở trong núi, lấy cây làm tổ nằm ở trên cho nên gọi là Sào Phủ (sào nghĩa là tổ)

[5]  Cao Sĩ Truyện: sách của Hoàng Phủ Mật đời nhà Tấn soạn kể chuyện những bậc cao sĩ ẩn dật đời xưa bên Tàu.

 

4 cuốn sách hay về cổ nhân 

 
• Thuật xử thế của người xưa thông qua những điển tích của Trung Hoa để rút ra những bài học uyên thâm và đầy ngụ ý, góp phần định hướng người đọc đến các giá trị chân thiện mỹ trong cuộc sống. 


• Cổ học tinh hoa là công trình biên khảo có giá trị vượt thời gian. Bởi lẽ, đó chính là tinh hoa của nền văn minh Hán học trong cái biển bao la của Bách gia chư tử Trung Hoa xưa. 

• Trí tuệ của người xưa biên soạn lại những điển tích nổi bật nhất theo các thời kỳ. Nội dung cuốn sách được xem là tinh hoa phản ánh tư duy và ứng biến của người xưa, làm bài học đáng ngẫm cho hậu thế. 

• Cái dũng của Thánh nhân không chỉ kể về những câu chuyện về sự dũng cảm của người xưa mà còn bàn phương pháp cụ thể để rèn luyện đến một tinh thần điềm đạm.

Bình luận (0)