Hai phải (Cổ học tinh hoa) | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 12/01/2023

Hai phải

Theo Cổ học tinh hoa 
Sông Vĩ[1] nước lên to. Một nhà giàu không may có người chết đuối. Có kẻ vớt được xác.

Người nhà giàu xin chuộc, kẻ ấy đòi nhiều tiền. Người nhà giàu đem câu chuyện thưa với Đặng Tích[2].

Đặng Tích bảo: “Cứ để yên. Nó còn bán cái xác cho ai được mà sợ?”.

Kẻ vớt được xác, thấy nhà kia không hỏi nữa, lấy làm lo, cũng đem câu chuyện thưa với Đặng Tích. Đặng Tích bảo: “Cứ để yên. Nó còn mua cái xác ấy của ai được mà sợ?”.

(Lã Thị Xuân Thu)


Lời bàn:

Trong chuyện này, nói cho phải đạo lý, thì một bên, nên khuyên người nhà giàu liệu trả kẻ vớt được xác thêm ít nhiều tiền, mà lấy ngay xác về; còn một bên, nên dụ kẻ vớt được xác chớ có coi sự chẳng may của người ta làm một món bổng, mà bắt bí người ta. Giữ cái xác, không cho chuộc, chẳng những không được tiền, mà lại còn mang tội nữa.

Nhưng khốn thay! Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Đặng Tích mới có chốn xúi bẩy được cả đôi bên kiện tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa “Hai phải” nguỵ biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng.

Biện bác mà không đáng lý tức là giả dối, khôn ngoan mà không đáng lý tức là gian trá, những kẻ ấy phải trừng phạt thì mới yên dân, lợi nước được. Người trị dân tưởng phải thấu cái tình, để xét cái lý, mới là người trị dân sáng suốt vậy.

Chú thích

[1] Vĩ: tên sông, chảy ở địa phận Hà Nam (Trung Quốc)

[2] Đặng Tích - quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu, là một nhà luật pháp giỏi

 

4 cuốn sách hay về cổ nhân 

 
• Thuật xử thế của người xưa thông qua những điển tích của Trung Hoa để rút ra những bài học uyên thâm và đầy ngụ ý, góp phần định hướng người đọc đến các giá trị chân thiện mỹ trong cuộc sống. 


• Cổ học tinh hoa là công trình biên khảo có giá trị vượt thời gian. Bởi lẽ, đó chính là tinh hoa của nền văn minh Hán học trong cái biển bao la của Bách gia chư tử Trung Hoa xưa. 

• Trí tuệ của người xưa biên soạn lại những điển tích nổi bật nhất theo các thời kỳ. Nội dung cuốn sách được xem là tinh hoa phản ánh tư duy và ứng biến của người xưa, làm bài học đáng ngẫm cho hậu thế. 

• Cái dũng của Thánh nhân không chỉ kể về những câu chuyện về sự dũng cảm của người xưa mà còn bàn phương pháp cụ thể để rèn luyện đến một tinh thần điềm đạm.

Bình luận (0)