Mình ên nghĩa là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 16/09/2023

Mình ên nghĩa là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Mình ên là phương ngữ Nam Bộ có nghĩa là chỉ có một mình, duy nhất một mình.


Mình ên nghĩa là gì
Mình ên bắt nguồn từ tiếng Khmer ម្នាក់ឯង [mneak eng] có nghĩa là một mình.
 
Về từ nguyên, mình ên là một từ Việt gốc Khmer, bắt nguồn từ chữ ម្នាក់ឯង [mnĕək ʼaeng / mneak eng] có nghĩa là "một mình"trong đó, ម្នាក់ [mnĕək / mneak] là viết tắt của chữ មួយនាក់ [muəy nĕək / muoy neak] nghĩa là "một", còn ឯង ['aeng / eng] nghĩa là "mình", "chính mình".

Chữ Khmer cũng có từ ខ្លួនឯង [khluən ʼaeng / khluon eng/ kho-luôn eng ] được Ngô Chân Lý trong Tự học chữ Khmer (NXB Thông Tấn, 2012) dịch là "mình ên", "tự" [1]. Nhưng chúng tôi không cho rằng chữ này là từ nguyên của mình ên trong tiếng Việt vì លួនឯង mang nghĩa "tự mình", "chính mình" (tiếng Anh là "oneself") hơn là cái nghĩa "một mình" (tiếng Anh là "alone") của ម្នាក់ឯង. 


Mình ên hay mình ênh?  


Viết đúng phải là mình ên

Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ (Khai Trí, Sài Gòn, 1970) giảng mình ên có nghĩa là "lẻ loi chỉ có một mình" [2]

Còn theo 
Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín (NXB Khoa Học Xã Hội, 2007) thì mình ên là phụ từ, có nghĩa là "chỉ có một mình", "duy nhất một mình" [3]  

Ca dao có câu:
 
Con cút cụt đuôi ai nuôi mày lớn
Dạ thưa bà, con lớn mình ên


Trong quá trình tra cứu từ nguyên của mình ên, chúng tôi nhận thấy có sự trùng hợp khá thú vị là trong tiếng Chăm có chữ êng Eng tiếng Chăm mang nghĩa khá tương đồng với ên ឯង tiếng Khmer, được Gerard Moussay giảng trong Từ điển Chàm Việt Pháp
  là "tự" ... = auto ...., par soi (nghĩa là "tự mình", "chính mình" trong tiếng Pháp). Dahlak êng Dahlak Eng nghĩa là "chính tôi" = moi-même, hâ êng Ha eng nghĩa là "chính mày" = toi-même, nyu êng Nyu eng nghĩa là "chính nó" = lui-même. [4] 

Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định, mình ên có nguồn gốc từ chữ Khmer và là “đặc sản” ngôn ngữ của người miền Nam, nhất là người dân miền Tây Nam Bộ chứ không xuất phát từ miền nào khác ở Việt Nam

Cùng có nghĩa là "một mình" nhưng so với những từ đồng nghĩa như cô đơn, cô độc, trơ trọi, côi cút, v.v.. thì hai chữ mình ên nghe nó thân thương làm sao. "Em đi với ai lên đây vậy? - Em đi có mình ên hà."; “Việc này em làm có mình ên hà, chớ có ai giúp em đâu".


Chú thích


[1]. Ngô Chân Lý. (2012). Tự học chữ Khmer. TP HCM: NXB Thông Tấn. Tr
.143.

[2]Lê Văn Đức, hiệu đính Lê Ngọc Trụ. (1970). Việt Nam tự điển. Sài Gòn: NXB Khai Trí. Tr. 914.

[3]Huỳnh Công Tín. (2007). Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB Khoa Học Xã Hội. Tr. 829.

[4]Gerard Moussay. (1971). Tự điển Chàm Việt Pháp. Phan Rang: Trung tâm văn hóa Chàm. Tr. 85.


Thư mục

• Lê Văn Đức, hiệu đính Lê Ngọc Trụ. (1970). Việt Nam tự điển. Sài Gòn: NXB Khai Trí.

• Ngô Chân Lý. (2012). Tự học chữ Khmer. TP HCM: NXB Thông Tấn.

• Gerard Moussay. (1971). Tự điển Chàm Việt Pháp. Phan Rang: Trung tâm văn hóa Chàm. 

• Kim Sơn, Ngọc Thạch, Trần The. (2011). Từ vựng Khmer - Việt. NXB Giáo Dục.

• Huỳnh Công Tín. (2007). Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB Khoa Học Xã Hội.



Sách hay viết về miền Tây Nam Bộ


Văn hóa người Việt vùng Tây Nam BộVăn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ
NXB Tổng hợp TP.HCM, 2022
Mua sách

Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa NguyễnCông cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn
NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2022
Mua sách

Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, Văn minh miệt vườnĐồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, Văn minh miệt vườn
NXB Trẻ, 2018
Mua sách  


 
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)