Lên đồng, hầu đồng là gì? Tại sao gọi là đồng bóng, đồng cốt | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 02/10/2023

Lên đồng, hầu đồng là gì? 

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn 
 

Đồng bóng, đồng cốt hay lên đồng, hầu đồng, hầu bóng, v.v. là những tên gọi khác nhau dùng để chỉ lễ thức quan trọng không thể thiếu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – một hoạt động tín ngưỡng đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1 tháng 12 năm 2016.


Lên đồng nghĩa là gì
Ảnh minh họa. Nguồn: internet


Hầu đồng là tín ngưỡng dân gian hay mê tín dị đoan?

Hầu đồng của người Việt ít nhiều mang  tính  chất Shaman giáo [1] như ở nhiều dân tộc khác trên thế giới nhưng không phải là đồng nhất, vì hiện tượng xuất thần của Shaman gồm hai cách: “…hoặc thần linh nhập vào người thầy pháp (hay vào trống của thầy), hoặc ngược lại, hồn thầy pháp chu du lên xứ sở thần linh" [2]; còn hầu đồng của người Việt là “nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tam phủ, Tứ phủ vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng, là sự tái hiện lại hình ảnh các vị Thánh,nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu” [3].

Từ xưa đến nay, đồng bóng, đồng cốt là hiện tượng rất nhạy cảm, nằm trong ranh giới giữa tín ngưỡng dân gian và mê tín dị đoan; thậm chí, có giai đoạn dài đồng bóng đồng cốt bị đặt ra ngoài hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng dân tộc. Chẳng hạn luật Gia Long triều Nguyễn từng nghiêm cấm các hoạt động hầu thánh, hầu bóng vì không thuộc văn hóa của Nho giáo.

Năm 1895, Huình-Tịnh Paulus Của mô tả việc lên đồng trong Đại Nam quấc âm tự vị như sau:

 
Thần quỉ nhập vào người nào, bắt phải nóng nảy, nói thảm như đứa điên; lời người ấy nói ra, nhiều người tin là quỉ thần” [4]

Trong Việt Nam phong tục xuất bản lần đầu năm 1915, Phan Kế Bính đã lên án cái thói mê tín dị đoan của người dân thông qua tục đồng cốt:

Còn như cái lòng mê tín của người có tật bệnh thì lại là quá. Họ thật là thành tâm, không có chút nào dám ngờ vực phép thánh. Truyền cho uống tàn hương nước lã thì uống tàn hương nước lã, truyền cho xoa quết trầu thì xoa quết trầu. Dẫu bẩn thỉu ghê gớm thế nào cũng nhắm mắt mà theo. Mà động chồng con nói ra nói vào câu gì thì họ làm cho phải tịt.

Tội quá ! cúng mãi không khỏi thì họ cho là người nhà không thành, chớ không khi nào chịu là phép thánh không thiêng; mà có lỡ chết đi nữa thì các mụ đồng lại được điều: thánh chữa được bệnh chớ không chữa được mệnh. Vậy thế ra khỏi bệnh thì là thánh thiêng, không khỏi thì là tại người nhà không thành, mà chết thì là tại mệnh. Đằng nào thánh cũng hay, đồng cũng phải, thế thì còn ai nói cho được.

Lại còn nhiều bệnh nữa, thánh nghe chừng không chữa nổi, phán về cho phục dược, uống thuốc mà khỏi ra thì nhờ ơn thánh chỉ bảo, không khỏi ra thì tại thầy thuốc vụng, thế có phải điều gì cũng vơ lấy phần phải cả không?

Khốn nạn thay cho các kẻ ngu xuẩn, chỉ tin những sự huyền hoặc, mà không biết trọng cái sự hiển nhiên. Những chốn quê thôn, đàn ông phần nhiều cũng như đàn bà. Đôi khi có người kiến thức, lấy điều khôn lẽ phải mà bảo thì lại cho là báng bổ chớ biết đâu rằng người báng bổ ấy mới thực là người biết trọng quỉ thần.

Than ôi, đạo phù thủy cùng là đạo đồng cốt còn thịnh hành ngày nào thì dân trí còn ngu xuẩn ngày ấy. Bao giờ trong nước tuyệt hẳn được cái mối ấy thì mới có cơ khôn ngoan cả được
” [5].

Trong An Nam phong tục sách, Mai Viên Đoàn Triển cũng cảm thán: 

 
"Đến như đồng cốt, phù thủy, tá đạo thì chỉ làm mê hoặc, lừa lấy tiền bạc của người ta. Thường hay thấy người nước ta có bệnh chẳng chịu uống thuốc cứ chăm chăm vào cúng báo, đồng cốt, hay hại đến tính mạng, đáng thương thay!" [6]

Đại thi hào Nguyễn Du cũng từng đề cập đến "chiêu trò" đồng cốt trong truyện Kiều:
 
"Đà đao lập sẵn chước dùng
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay".

Một cốt một đồng ở đây ý nói một bên là bà cốt, một bên là bà đồng, hai bên thường thông đồng với nhau để bắt người ta lễ bái thủ lợi. Do đó, một cốt một đồng có nghĩa (rộng) là cùng một đảng thông lưng ăn cánh với nhau. [7]


Đồng trong hầu đồng, lên đồng nghĩa là gì? 

Về nguồn gốc của đồng trong đồng bóng, đồng cốt, v.v.., có khá nhiều ý kiến giải thích khác nhau. Chúng tôi liệt kê dưới đây một số ý kiến chính sau nhằm giúp bạn đọc rộng đường tham khảo:

 Đồng nghĩa là đứa nhỏ (bé trai):

Theo cách giải thích này thì đồng là “từ gốc Hán [8] chỉ người con trai dưới mười lăm tuổi với tư chất trong trắng, ngây thơ, tự nhiên, để thần linh có thể nhập vào. Dần dần người ta dùng các cô gái thay thế các thiếu niên” [9].

 Đồng nghĩa là cái kiếng, cái gương:

Theo cách giải thích này thì “các ông đồng bà đồng đã được gọi bằng tên của chính cái đồ vật mà họ đã sử dụng để hành nghề” [10]. Quan điểm này chủ yếu dựa vào quyển Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes khi giảng chữ đồng: “Đồng, cái đồng: Gương, kiếng. Gương. Cùng một nghĩa. Soi đồng: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm đồng làm cốt: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính" [11].



Tại sao gọi là hầu bóng, đồng bóng, đồng cốt?

 Hầu bóng: "Bóng chỉ vị thần linh nào đó, chiếu, nhập cái bóng (hồn) của mình vào ông Đồng hay bà Đồng và ông bà Đồng này chỉ là người hầu hạ cái bóng thần linh mà thôi[12].

 Đồng bóng: có hai cách giải thích:

(1) "Khi đồng đã là cái gương, cái kiếng thì bóng tất nhiên là hình ảnh của cảnh và vật phản chiếu ở trong kiếng, trong gương (...) Vậy đồng bóng là gương và hình ảnh của cảnh vật phản chiếu ở trong gương. Đó là nghĩa gốc. Còn nghĩa trong ông đồng bà đồng, lên đồng, đồng cô bóng cậu, v.v., là nghĩa phái sinh.” [13]

(2) "Bóng (thần linh) mượn hình đồng để tiếp xúc, khuyên dạy người ở trần gian[14]


 Đồng cốt: "Cốt có nghĩa là Bà Cốt mà Tavernier giải thích là tên gọi người phù thủy ở Đàng Ngoài, biến âm Bà Cô tí (cô gái nhỏ) thành Bacoti, tức Bà Cố. Cốt còn được giải nghĩa là thân xác, xương cốt của con đồng mà thần linh nhập vào. Hay cốt là từ “cốt cách đồng nhi", tức những người nhỏ tuổi, trong trắng, hồn nhiên" [15].

Ở Trung Quốc có một dạng hầu đồng như ở Việt Nam, gọi là Vu Thuật 巫術: 
Vu giúp người ta giao tiếp với quỷ Thần, y (chỉ cây thuốc) là để người ta gửi gắm sự sống chết” [16].  

Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng vu nghĩa là: “đồng cốt, kẻ cầu cúng cho người gọi là vu” [17].

Người Trung Quốc còn cho việc đồng cốt bói mai rùa, xương thú đều thuộc Vu Thuật, như nữ vu 女巫 ngoài nghĩa là "bà đồng cốt" còn để chỉ "bà thầy bói".


Trong Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh phân biệt giữa ông đồng, bà đồng, đồng cô, đồng cậu, v.v. như sau:

 
"Những người chuyên thờ thánh Hưng-đạo (thánh Trần) thường gọi là thánh đồng hay ông đồng. Những ông đồng thờ ngài phải lập tĩnh trong nhà. Mỗi năm đến ngày 20 tháng 8, là húy nhật, các ông đồng phải tề tựu ở đền Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương, hay ở đền Bảo Lộc, đền Tức Mạc ở Nam Định để lễ bái.

Những người thờ chư vị thì gọi là đồng cốt, hay bà đồng. Đàn bà con gái, nhất là bà góa hay gái già, nếu xem bói hay nằm mộng mà thấy có số thờ thì phải đến làm lễ đội bát hương ở tĩnh hay phủ, để xin làm con công đệ tử.

Người bị các bà công chúa (con Ngọc Hoàng) bắt làm con đồng thì gọi là đồng Đức mẹ; con đồng các ông hoàng tử thì gọi là đồng Đức ông; lại còn đồng Cậu quận và đồng Cô
 là con đồng của những vong hồn các con trai con gái nhỏ chết nhằm giờ thiêng". [18]

Chú thích

[1]. Thuật ngữ shaman (pháp sư), có nguồn gốc từ chữ saman trong tiếng Evenk của bộ lạc Tungus ở Siberia, xuất hiện lần đầu tiên trong một số tài liệu ở Nga vào thế kỷ XVII. Hiện thuật ngữ shaman giáo (shamanism) đã trở nên thông dụng, xuất hiện trong nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới.
 
[2]. X. A. Tocarev, người dịch Lê Thế Thép. (1994). Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia. Tr. 330.

[3]
. Ngô Đức Thịnh. (2009). Đạo Mẫu Việt Nam, tập 1. Hà Nội: NXB Tôn Giáo. Tr. 81.

[4]
Huình-Tịnh Paulus Của. (1895). Đại Nam quấc âm tự vị, tome 1. Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Tr. 323. 

[5]
. Phan Kế Bính. (1973). Việt Nam phong tục. Sài Gòn: NXB Khai Trí. Tr. 342.

[6]. Mai Viên Đoàn Triển. (2008). An Nam phong tục sách. NXB Hà Nội. Tr.57.

[7]
. Lê Văn Hòe. (1956). Truyện Kiều chú giải. Sài Gòn: NXB Ziên Hồng. Tr. 312


[8]
. Theo chúng tôi (Quang Nguyễn), đó là chữ 僮 [tóng].


[9]
. Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Nam, tập 1. Sđd. Tr. 81.

[10]
. An Chi. (2019). Từ nguyên. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Tr. 23 - 24.

[11]
. Alexandre de Rhodes, p
hiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính. (1991). Từ điển Việt - Bồ - La. NXB Khoa học Xã hội. Tr. 91

[12]
. Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Nam, tập 1. Sđd. Tr. 81-82.

[13]
. An Chi. Từ nguyên. Sđd. Tr.24.

[14]
. Nguyễn Hữu Kiệt. (1974). Tìm hiểu những hiện tượng đồng cốt. Tủ sách huyền môn.

[15]
Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Namtập 1. Sđd. Tr. 82.
 
[16]. Nhiều tác giả, nhóm dịch: Trần Ngọc Thuận, Đào Duy Đạt, Đào Phương Chi. (1999). Lịch sử văn hoá Trung Quốc ba trăm đề mục (Trung Quốc văn hoá sử tam bách đề), tập 1. NXB Văn hoá Thông tin.

[17]. Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. NXB Văn Hóa Thông Tin. Tr. 200.

[18]. Đào Duy Anh. (1992). Việt Nam văn hóa sử cương. NXB Thành phố Hồ Chí Minh. Tr. 246, 247.


Thư mục

• Đào Duy Anh. (1992). Việt Nam văn hóa sử cương. NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

• 
Phan Kế Bính. (1973). Việt Nam phong tục. Sài Gòn: NXB Khai Trí.

• An Chi. (2019). Từ nguyên. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

• Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. NXB Văn Hóa Thông Tin.

• Huình-Tịnh Paulus Của. (1895). Đại Nam quấc âm tự vịtome 1. Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie.

• Lê Văn Hòe. (1956). Truyện Kiều chú giải. Sài Gòn: NXB Ziên Hồng.

• Nguyễn Hữu Kiệt. (1974). Tìm hiểu những hiện tượng đồng cốt. Tủ sách huyền môn.

• Alexandre de Rhodes, phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính. (1991). Từ điển Việt - Bồ - La. NXB Khoa học Xã hội. 

• Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam (2 tập), NXB Tôn Giáo, 2009

• X. A. Tocarev, người dịch Lê Thế Thép. (1994). Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.

• Mai Viên Đoàn Triển. (2008). An Nam phong tục sách. NXB Hà Nội.

• Nguyễn Thành Trung. (2018). Sự biến đổi nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu hiện nay. [Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Tôn giáo học, Trường Đại học KHXH & NV, Đại  học quốc gia Hà Nội]

 Nhiều tác giả, nhóm dịch: Trần Ngọc Thuận, Đào Duy Đạt, Đào Phương Chi. (1999). Lịch sử văn hoá Trung Quốc ba trăm đề mục (Trung Quốc văn hoá sử tam bách đề), tập 1. NXB Văn hoá Thông tin.


Sách hay về tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa dân gian Việt Nam


Nghi lễ thờ MẫuPhong tục dân gian: Nghi lễ thờ Mẫu
NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2016
Mua sách

Mẫu Thượng NgànMẫu Thượng Ngàn
NXB Phụ Nữ, 2018
Mua sách

Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt NamĐiện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam
NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2019
Mua sách  


Đạo Mẫu Việt NamĐạo Mẫu Việt Nam
NXB Tri Thức, 2022
Mua sách  
 
 



Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)