Nguyễn Khánh Toàn - Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh
Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao quý nhất tặng cho công trình khoa học của cá nhân và tập thể, là sự tôn vinh giá trị của những công trình khoa học. Những công trình được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh là niềm vinh dự của tác giả và cũng là niềm vinh dự của các Viện nghiên cứu, của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia.
Cuốn Nguyễn Khánh Toàn - Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh gồm 3 phần:
• Vài nhận xét về thời kỳ từ cuối nhà Lê đến nhà Nguyễn Gia Long
• Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản (tập I)
• Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản (tập II)
Thông tin chi tiết
Tác giả: Nguyễn Khánh Toàn
Nhà xuất bản: Trung tâm KHXH & Nhân Văn quốc gia - NXB Khoa Học Xã Hội
Năm xuất bản: 2003
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Khối lượng: 820 gam
Kích thước: 16x24 cm
Số trang: 448
SKU: 1727
Thông tin tác giả
Nguyễn Khánh Toàn sinh năm 1905 tại Nghệ An (quê mẹ). Quê quán của ông ở làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 1921, ông học ở trường Quốc học Huế. Năm 1923, ông học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ban Văn chương. Vừa học, ông vừa tham gia phong trao cách mạng. Vì những hoạt động chống Pháp nên sau khi tốt nghiệp Đại học, Nguyễn Khánh Toàn không được bổ nhiệm làm Giáo sư ở bất cứ trường công nào.
Sau đó, ông vào Sài Gòn hoạt động, viết báo chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Ông làm chủ nhiệm kiêm Chủ bút một tờ báo tiếng Pháp. Tờ báo mới ra được một vài số đầu đã bị đóng cửa. Nguyễn Khánh Toàn bị chính quyền thực dân bắt giam nửa năm.
Năm 1927, ông bị đưa ra xử với một năm tù án treo. Ngay sau đó, ông làm chủ bút tờ L'Annam, công khai tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, đăng toàn văn bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C. Mác và Ph. Ăng ghen. Vì vậy, ông lại bị địch bắt và bị xử hai năm án treo, đến năm 1928 thì được trả tự do.
Anh em trí thức yêu nước quyên tiền cho Nguyễn Khánh Toàn sang Pháp. Ông hoạt động trong một thời gian trong Việt kiều. Sau đó ông được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang Liên Xô học trường đại học Cộng sản dành cho những người cộng sản phương Đông và được kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1930.
Học ở đây không đầy một năm, ông được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản chuyển lên Ban nghiên cứu sinh của Viện nghiên cứu khoa học các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trực thuộc Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản. Cương vị của ông trong Quốc tế Cộng sản là Phó ban Đông Dương. Ông tham gia giảng dạy, viết nhiều bài báo đăng trên các báo và Tạp chí của Quốc tế Cộng sản; tham gia dịch tài liệu của Quốc tế cộng sản và sách của Lenin dịch ra tiếng Việt; đấu tranh đòi thực dân Pháp ở Đông Dương không được xử tử những người tù chính trị Việt Nam ở Côn Đảo, ...
Năm 1939, ông về khu giải phóng ở Diên An (Trung Quốc) tham gia giảng dạy Nga văn và lịch sử cách mạng thế giới cho các cán bộ nữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 1945, Nguyễn Khánh Toàn về nước. Ông được Đảng Cộng Sản Việt Nam phân công đảm trách các chức vụ quan trọng:
• 1946-1960: Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ giáo dục
• 1960-1965: Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước
• 1960-1961: Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài
• 1960-1974: Chủ nhiệm Ủy ban thiếu niên nhi đồng Trung Ương
• 1965-1982: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam
• 1958-1986: Phó Hội trưởng Hội hữu nghị Việt - Xô
• 1958-1993: Chủ tịch Hội sử học Việt Nam; Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
• 1982-1985: Ủy viên Ban giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh
• 1985-1989: Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam
Ông mất ngày 09-12-1993, hưởng thọ 88 tuổi
> Xem tất cả tác phẩm của tác giả Nguyễn Khánh Toàn có trên ATABOOK