Thu Trang (Công Thị Nghĩa)
Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, Tiến sĩ sử học, tác giả cuốn Những hoạt động của Phan Chu Trinh tại Pháp 1911-1925
Sinh: năm 1932 tại Hà Nội
Nghề nghiệp: Tiến sĩ sử học, điệp viên, nhà báo, hoa hậu, diễn viên
Tác phẩm tiêu biểu: Những hoạt động của Phan Chu Trinh tại Pháp 1911-1925
Công Thị Nghĩa sinh năm 1932 tại làng Ngọc Hà (Hà Nội) trong một gia đình công chức. Bà vốn dòng dõi họ Ông nhưng bị vua Tự Đức đổi sang họ Công. Tổ tiên là Ông Nghĩa Đạt, làm quan dưới triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) hiện còn bia trong Văn miếu Quốc Tử Giám.
Năm 10 tuổi, bà theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống để thuận lợi cho công việc của cha bà.
Ngay từ thời con gái, bà đã đam mê viết văn, viết báo.
Năm 1950, ở tuổi 18, Công Thị Nghĩa đã tham gia Việt Minh, hoạt động ở trong tổ công tác của Ban Tình báo đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định gồm bốn người do ông Năm Tú Trần Thanh Vân làm tổ trưởng, ông Hai Tắc Trần Kim Lang và liên lạc viên là Tư Ngà. Công Thị Nghĩa trẻ nhất trong bốn người nên được mang bí danh là Tư.
Thời gian đó, nhiều lần Công Thị Nghĩa bí mật theo liên lạc viên lên vùng Bến Cát, Tân Uyên dự huấn luyện về công tác nội thành.
Đến khoảng tháng 7 năm 1952, Công Thị Nghĩa bị thực dân Pháp bắt và giam ở bốt Catinat (nay là trụ sở của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP HCM). Bà bị giam chung với nhiều chính trị phạm. Trong Hồi ký của mình, bà từng gọi nơi này là “ngục trần gian” với đủ các loại hình tra tấn.
Sau đó, bà bị chuyển qua Khám Lớn Sài Gòn (nay là Thư viện tổng hợp TP HCM). Chính luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong phiên tòa tháng 06 năm 1953 đã tranh cãi và giải thoát cho Thu Trang, cùng với bà Nguyễn Thị Châu Sa (tên thật của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình), bà Đỗ Duy Liên (tức bà Tư Duy Liên, từng làm Phó chủ tịch UBND TP HCM).
Thoát khỏi ngục tù, với vốn chữ nghĩa sẵn có, Công Thị Nghĩa học nghề báo và làm ký giả tại Sài Gòn từ năm 1953 với bút danh Thu Trang. Bà vừa làm thư ký tòa soạn vừa viết bài cho các báo như Công Dân, Phụ Nữ, Sài gòn mới, Lẽ sống…
Năm 1955, nhân dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, Bộ Thông tin và Bộ Xã hội của chính quyền Ngô Đình Diệm đã tổ chức tại Sài Gòn một cuộc thi người đẹp với danh nghĩa tìm kiếm hoa hậu.
Do trước đó chưa có cuộc thi người đẹp nào mang tên thi hoa hậu nên đây có thể được xem là cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Cuộc thi diễn ra ngày 20 tháng 2 năm 1955 tại rạp Lido Chợ Lớn - rạp lớn nhất Sài Gòn -Chợ Lớn hồi đó, có sức chứa cả ngàn người. Thí sinh đa phần đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Số tiền bán vé vào cửa được thông báo là ủng hộ Ủy ban Chẩn tế Xã hội, một cơ quan từ thiện của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Trong Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu 1955 có một vài nhà báo và nhân sĩ. Với vai trò là ký giả đưa tin bài về cuộc thi, trong một lần Công Thị Nghĩa phỏng vấn thành phần ban giám khảo để lấy tin, vài thành viên trong ban giám khảo đã “xúi” bà thi hoa hậu. Công Thị Nghĩa cũng nghe theo, đăng ký thi cho vui, không ngờ lại… đoạt vương miện, trở thành Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam với chiều cao 1,61m, số đo 3 vòng 86-62-88 và nặng 53kg.
Á hậu 1 thuộc về cô Nguyễn Thị Ninh, người Hà Nội di cư vào Nam và Á hậu 2 là cô Ngô Yên Thu, người Cần Thơ.
Phần thưởng mà Công Thị Nghĩa nhận được sau khi đăng quang, ngoài một chiếc kiềng vàng, nước hoa và mỹ phẩm của các hãng thời trang danh tiếng, là một chiếc mô tô Lambretta - dòng xe hai bánh cao cấp bậc nhất thời đó. Vì vậy mà thiên hạ thời đó gọi đùa Công Thị Nghĩa là Hoa hậu Lambretta.
Cũng như trào lưu bây giờ, sau khi trở thành hoa hậu, Công Thị Nghĩa đã bước chân vào giới điện ảnh với các vai diễn khác nhau trong một số bộ phim của Sài Gòn thời điểm đó, như Chúng tôi muốn sống (đạo diễn Vĩnh Noãn) - bộ phim đầu tay của Thu Trang, Lục Vân Tiên (đạo diễn Tống Ngọc Hạp), ... Bà cũng không ngờ đó là bước khởi đầu của sự cay đắng trong cuộc đời bà.
Đầu năm 1957, khi cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp đem bộ phim Lục Vân Tiên sang Nhật Bản làm hậu kỳ và cũng là để tham gia Đại hội Điện ảnh châu Á đang được tổ chức tại đây, bà và vị đạo diễn đang có vợ con đuề huề này nảy sinh tình cảm. Chuyến đi đó đã khiến Công Thị Nghĩa không giữ được mình và bà có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo.
Trong cuốn hồi ký của mình, Công Thị Nghĩa có thổ lộ khá chi tiết về mối tình không lối thoát này, bà viết: "Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị đưa vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? (...) Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo (…) Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy".
Mặc dù chịu áp lực rất lớn bởi búa rìu của dư luận lúc đó, bà vẫn kiên quyết giữ lại đứa con, đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên - vừa giữ lại họ cha cho con, vừa kỷ niệm bộ phim Lục Vân Tiên - khởi đầu cho cuộc tình trắc trở giữa bà và đạo diễn Tống Ngọc Hạp.
Với đạo luật 10/59, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu quá trình xét lại tội danh với tất cả những người từng tham gia cách mạng.
Vì là người kháng chiến cũ nên cảnh sát thường xuyên khám nhà Công Thị Nghĩa, thậm chí khi bà lên Đà Lạt mở quán cà phê với bạn cũng bị bắt về Sài Gòn giam một tháng trời và cấm không cho rời khỏi Sài Gòn.
Năm 1960, với tư cách diễn viên điện ảnh, Công Thị Nghĩa được Chánh văn phòng Bộ Thông tin chính quyền Ngô Đình Diệm giới thiệu làm việc với đoàn công tác của Đài Truyền hình Pháp và được họ mời sang Pháp tham gia diễn xuất trong một bộ phim dài đã có dự án cụ thể.
Đầu tháng 11 năm 1960, bà qua Pháp. Tuy nhiên, sau vài tháng, bộ phim được chờ đợi không triển khai được, Công Thị Nghĩa đã xin vào học École pratique des Hautes Études: Section des Sciences historiques et philologiques -Trường Cao học về lịch sử và ngữ văn - thuộc trường Sorbonne lâu đời và rất nổi tiếng của nước Pháp.
Vì số tiền dành dụm mang theo từ Việt Nam ngày càng cạn kiệt nên Công Thị Nghĩa phải vừa đi học vừa tìm việc làm thêm. Bà kiếm được lúc thì một chân thông dịch tiếng Anh và tiếp khách ở một mỹ viện sang trọng ngay trên đại lộ Champs Élysées, lúc theo một đoàn làm phim về vùng Camargue miền duyên hải phía Tây nước Pháp làm công việc phụ diễn, lúc lại làm gia sư dạy tiếng Anh cho hai đứa trẻ 11 và 13 tuổi, con một bà chủ tiệm bán hoa tươi trong khu la-tinh gần trường. Chính tại đây, bà đã tiếp cận và sớm thân thiết với một nhóm sinh viên khuynh tả, rất quan tâm và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Trong nhóm sinh viên đó có một sinh viên y khoa, sau này là giáo sư, tiến sĩ khoa học đã trở thành người bạn đời của Công Thị Nghĩa.
Năm 1978, Thu Trang (tức Công Thị Nghĩa) trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII sau khi bảo vệ thành công đề tài Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp.
Hiện nay, nhiều người biết đến Công Thị Nghĩa - Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, nhiều hơn ở vai trò là Tiến sĩ sử học Thu Trang với nhiều sách viết về Việt Nam, gồm nghiên cứu lịch sử và sách về du lịch. Bà cũng nhiều lần về Việt Nam để giảng dạy du lịch cho sinh viên tại các trường đại học.
Nghi vấn về cuộc tình không thành giữa Thu Trang (Công Thị Nghĩa) và thi sĩ Bùi Giáng
Nhiều người đồn đại Thu Trang (Công Thị Nghĩa) với thi sĩ Bùi Giáng từng là người tình của nhau. Bài thơ Mắt buồn của Bùi Giáng được cho là viết về bà, với câu cuối được xem là tuyệt cú: "còn hai con mắt khóc người một con" mà theo Bùi Giáng giải thích với vài người bạn thơ là ông chơi chữ, đại ý người còn hai con mắt khóc người đẹp có một đứa con. Sau này, ý thơ đó đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết thành ca khúc Con Mắt còn lại.
Trong tập Mưa nguồn của thi sĩ Bùi Giáng in năm 1962, ông có viết tặng bà như sau:
Không biết nữa trời tròn hay méo
Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay
Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay
Trời bên kia
Nhan sắc ở bên này.
Họa sĩ Bửu Ý, có công bố bài thơ do họa sĩ chép lại mà thi sĩ Bùi Giáng làm riêng cho bà với tựa đề chính là Thu Trang, với những câu thấm đẫm tình cảm tuyệt vọng lẫn hờn trách:
Trang của tờ giấy cũ
Của vầng tóc ban đầu
Trang của hồi vàng tụ
Về mệt mỏi mai sau
Anh nhớ em vô cùng
Đất sầu không xiết kể
Anh kêu gọi mông lung
Trang ồ, Trang rất tệ.
Trong hồi ký của mình, Thu Trang có nói Bùi Giáng đến thăm bà vào một ngày mưa, khi thi sĩ biết bà sắp sang Pháp. Bà viết: "Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!".
Có lẽ, đó là lần gặp mặt cuối cùng giữa bà và thi sĩ Bùi Giáng.
Sách của Thu Trang (Công Thị Nghĩa)
Những hoạt động của Phan Chu Trinh tại Pháp 1911-1925
NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2000