Albert Einstein | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 11/12/2022

Albert Einstein

Atabook.com - Truyền bá tri thức.

Albert Einstein

Albert Einstein (1879 - 1955)


Albert Einstein là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Đức, được công nhận là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại. Tạp chí Times (Hoa Kỳ) đã gọi ông là "Nhân vật của thế kỷ".

Albert Einstein đã được trao giải Nobel vật lý năm 1921. Những thành tựu tri thức lớn lao của ông đã khiến tên gọi "Einstein" trở nên đồng nghĩa với khái niệm "thiên tài". 

 

Tiểu sử


Albert Einstein sinh ngày 18/03/1879 trong một căn phòng nhỏ của một hiệu tạp hóa ở thành phố Ulm nước Đức trong một gia đình gốc Do Thái.

Khi còn học tiểu học và trung học ở Munich, ông khá nhút nhát, chậm chạp và diễn đạt khó khăn mặc dù nổi trội ở các môn khoa học tự nhiên. Khi lớn lên một  chút, Einstein bắt đầu biểu lộ năng khiếu toán học của mình khi tự làm các mô hình và thiết bị cơ học để nghịch.

Năm 1895, Einstein thi tuyển vào trường Bách khoa liên bang Thụy sĩ ở Zurich nhưng bị trượt.

Năm 1896, ông tốt nghiệp bậc học phổ thông của Thụy Sĩ với điểm số cao (bao gồm điểm 6 trong hai môn Vật lý và Toán học, theo thang điểm 1-6), và ở tuổi 17, Einstein đỗ vào chương trình cử nhân sư phạm Vật lý và Toán học của trường ETH Zürich.

Năm 1901, ở tuổi 22, Einstein công bố bài báo "Folgerungen aus den Kapillarität Erscheinungen" ("Các kết luận về hiện tượng mao dẫn") trên tạp chí nổi tiếng thời đó là Annalen der Physik

Năm 1903, Einstein kết hôn với Mileva Maríc - con của giáo sư Jost Winteler. Ông quen Maríc khi ở trọ nhà bà trong thời gian học tại Thụy Sĩ để hoàn thiện bậc học phổ thông sau khi thi trượt trường Bách khoa liên bang. Hai người có với nhau 3 người con [người con gái đầu sinh ra khi Eisntein và Maríc chưa chính thức kết hôn, và đã mất khoảng năm 1902 hoặc 1903 do bệnh sốt ban đỏ]. Đến năm 1919 thì ông và vợ ly dị sau khi đã ly thân 5 năm.

Năm 1905, ở tuổi 26, Einstein hoàn thành luận án tiến sĩ của mình và được trao bằng tiến sĩ tại Đại học tổng hợp Zurich.

Cũng trong năm này [mà ngày nay các nhà khoa học gọi là Năm kỳ diệu của Einstein], ông cho xuất bản 5 bài báo, công bố 5 công trình lớn đột phá về mặt vật lý lý thuyết của ông, bao gồm:

• Công trình đầu tiên là luận văn khoa học của ông ở Đại học tổng hợp Zurich.

• Công trình thứ hai là phát triển lý thuyết vật lý lượng tử trên cơ sở các ý tưởng của nhà vật lý Max Planck về sự tồn tại của năng lượng lượng tử ở dạng hạt. Ông tự đánh giá công trình này rất "cách mạng" vào thời điểm khoa học lúc bấy giờ.

• Công trình thứ ba là xây dựng lý thuyết về chuyển động Brown bằng các phép tính về xác suất.

• Công trình thứ tư là thuyết tương đối hẹp, một trong những khám phá vĩ đại nhất của vật lý hiện đại ở đầu thế kỷ 20. Bằng cách xét lại các khái niệm không gian và thời gian trong vật lý học, Einstein đã chứng minh rằng: có thể giải quyết sự không tương thích về bề ngoài giữa điện động lực học của Maxwell và thuyết tương đối do Galileo đề xướng. Nghiên cứu của ông cho thấy không gian và thời gian không phải bất biến mà là chất lưu và có thể uốn cong được.

• Công trình thứ năm là hệ quả của lý thuyết trên nhưng Einstein xác định được công thức nổi tiếng: E = mc2, tức xác định được sự tương đương giữa khối lượng và năng lượng.

Mặc dù những công trình trên không được phần lớn giới khoa học đương thời chấp nhận vì không phải ai cũng hiểu được cả nhưng cũng giúp Einstein được chú ý tới trong giới hàn lâm trên toàn thế giới. 

Năm 1908, giới khoa học coi Einstein là nhà khoa học hàng đầu, và Đại học Bern mời ông về làm giảng viên của trường.
 
Năm 1911, ông trở thành giáo sư thực thụ tại Đại học Karl-Ferdinand (nay là Đại học Charles) ở Praha.

Năm 1914, Eisntein trở lại Đức sau khi được bổ nhiệm làm giám đốc của Viện Kaiser Wilhelm về vật lý và giáo sư tại Đại học Humboldt, Berlin, với một điều khoản đặc biệt trong bản hợp đồng cho phép ông được tự do trước những nghĩa vụ giảng dạy.

Năm 1916, Einstein được bổ nhiệm làm chủ tịch của Hội Vật lý Đức.

Năm 1919, Einstein lấy người em họ hàng người Đức Elsa Löwenthal (née Einstein) sau khi có mối quan hệ với cô từ 1912. Hai người không có con chung và hai cô con gái riêng của Elsa được Albert đối xử như con đẻ.

Năm 1921, Einstein nhận giải Nobel Vật lý. Do thuyết tương đối hẹp vẫn còn đang tranh cãi, nên hội đồng giải Nobel đã trao giải cho ông vì những giải thích về hiện tượng quang điện và các đóng góp cho vật lý.

Cũng trong năm này, ông đến thành phố New York lần đầu tiên và nhận được sự chào đón trọng thể từ thị trưởng thành phố, sau đó là ba tuần thuyết giảng và gặp gỡ nhiều người.

Năm 1922, Einstein đi du lịch và có các buổi phát biểu trong chuyến hành trình 6 tháng đến các nước châu Á và Palestine. Ông cũng đến diện kiến Nhật hoàng và hoàng hậu tại Hoàng cung.

Năm 1925, ông nhận huy chương Copley từ Hội Hoàng gia

Năm 1933, khi đang thăm Hoa Kỳ, Einstein đã quyết định không trở lại nước Đức do Đảng Quốc xã lên nắm chính quyền.và chính thức từ bỏ quyền công dân Đức.

Năm 1935, ông quyết định ở lại Hoa Kỳ và trở thành công dân Mỹ vào năm 1940. Ông làm việc tại viện Princeton (Hoa Kỳ) cho tới khi qua đời.

Ngày 17/04/1955, Albert Einstein bị chảy máu trong do vỡ động mạch chủ vốn trước đó ông đã có tiền sử phẫu thuật vào năm 1948. Có tài liệu cho rằng Einstein đã từ chối phẫu thuật, ông nói: "Tôi muốn đi khi tôi muốn. Thật vô vị để duy trì cuộc sống giả tạo. Tôi đã hoàn thành chia sẻ của mình, đã đến lúc phải đi. Tôi sẽ ra đi trong thanh thản." Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác thực.

01h15 sáng ngày 18/04/1955, Einstein thì thầm một vài từ tiếng Đức trước khi trút những hơi thở cuối cùng ở tuổi 76. Thật không may là y tá tại bệnh viện Princeton lại không hiểu được tiếng Đức; vì vậy những lời trăn trối của Einstein đã mất đi mãi mãi. Thi thể Einstein sau đó được hỏa táng và tro được rải khắp nơi quanh vùng của Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey.

Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là trong lễ hỏa táng, con trai của Einstein là Hans Albert nhận thấy rằng cơ thể trong quan tài không nguyên vẹn. Sự thật cuối cùng được làm rõ: trong quá trình khám nghiệm tử thi, nhà nghiên cứu bệnh học thuộc bệnh viện Princeton - bác sĩ Thomas Stoltz Harvey, đã mổ lấy não của Einstein để bảo quản mà không hỏi ý kiến từ gia đình ông.


Bác sĩ Thomas Harvey và bộ não Einstein
Bác sĩ Thomas Harvey và bộ não của Albert Einstein. Ảnh: Getty Images

Thomas Harvey sau đó đã thuyết phục được Hans cho phép gìn giữ bộ óc của thiên tài với hy vọng rằng khoa học thần kinh trong tương lai có thể khám phá ra điều làm Einstein trở nên thông minh.

Sau khi gìn giữ bảo quản bộ não của Einstein trong suốt hơn 40 năm, Thomas Harvey đã trao lại cho bác sĩ Elliot Kraus, Đại học Y Trung tâm Princeton vào năm 1998.


Nhiều công trình nghiên cứu bộ não của Einstein đã được thực hiện và người ta đã tìm ra một số khác biệt của bộ não thiên tài Einstein so với người thường. Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận rằng họ không chắc chắn rằng những điểm khác biệt đó của bộ não Einstein có quan hệ mật thiết với tài năng của ông hay không. Einstein không chỉ là một thiên tài, ông còn nói được nhiều ngôn ngữ, chơi đàn và mắc chứng tự kỷ.


Danh ngôn, câu nói nổi tiếng của Albert Einstein

 

Albert Einstein
 
• Đừng phấn đấu để thành công mà hãy phấn đấu để mình có ích
Strive not to be a success, but rather to be of value.

• Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ sử dụng vũ khí nào nhưng tôi biết rằng chiến tranh thế giới thứ 4 sẽ sử dụng gậy gộc và đá!
I know not with what weapons World War III will be fought, but World War IV will be fought sticks and stones

• Logic sẽ đưa anh từ điểm A tới điểm B. Trí tưởng tượng sẽ đưa anh tới mọi nơi.
Logic will get you from A to B. Imagination will take you everywhere

• Chỉ có hai điều là vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không chắc lắm về điều đầu tiên.
Only two things are infinite, the universe and human stupidity, and I'm not sure about the former

• Sự khác biệt giữa thiên tài và kẻ ngu dốt là ở chỗ thiên tài luôn có giới hạn.
The difference bewteen stupidity and genius is that genius has its limits.

• Kẻ nào chưa từng mắc phải lỗi lầm cũng là kẻ chưa bao giờ thử làm việc gì cả.
A person who never made a mistake never tried anything new

• Nếu anh không thể giải thích đơn giản thì anh chưa hiểu đủ rõ.
If you can't explain it simply, you don't understand it well enough.

• Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà thiếu khoa học là mù quáng.
Science without religion is lame. Religion without science is blind.

• Khi chúng ta chấp nhận giới hạn của mình, chúng ta đã vượt qua nó.
Once we accept our limits, we go beyond them.

• Giáo dục là thứ gì còn lại sau khi anh đã quên những gì đã học ở trường.
Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.

• Ai cũng nên được tôn trọng như một cá nhân, nhưng không phải là thần tượng hóa.
Everyone should be respected as an individual, but no one idolized

• Nếu chúng ta biết rằng chúng ta đang làm gì, thì công việc đó đã không còn được gọi là nghiên cứu.
If we knew what it was we were doing, it would not be called research, would it?

• Dấu hiệu thật sự của trí tuệ không phải là kiến thức mà là trí tưởng tượng.
The true sign of intelligence is not knowledge but imagination

• Nếu tôi có 1 giờ để giải quyết một vấn đề, tôi sẽ bỏ ra 55 phút nghĩ về vấn đề, và 5 phút nghĩ về giải pháp.
If i had an hour to solve a problem, I'd spend 55 minutes thinking about the problem and 5 minutes about solutions

• Tôi rất biết ơn những người đã nói KHÔNG với tôi. Nhờ vậy mà tôi biết cách tự mình giải quyết sự việc.
I am thankful to all those who said NO. It's because of them, I did it myself 


Sách hay về những phát minh của thế giới từ những thiên tài vĩ đại  

 

• Kể chuyện cuộc đời của các thiên tài là những câu chuyện khắc họa sinh động cuộc đời, quá trình sáng tạo cùng những đóng góp to lớn của những con người vĩ đại làm thay đổi cả thế giới như Albert Einstein, Marie Curie, Leonardo DaVinci, Alfred Nobel, Andersen, Lev Tolstoy, Thomas Edison, Isaac Newton.

• Những Trí Tuệ Vĩ Đại - Tesla Nhà Phát Minh, Cha Đẻ Của Dòng Điện Xoay Chiều làm sáng tỏ những góc tối trong cuộc đời riêng tư và sự nghiệp của nhà phát minh đại tài, người đã sống một cuộc đời lập dị và cô độc, dù đã đóng góp đáng kể cho văn minh nhân loại. Tesla bao gồm những bức vẽ, lá thư, nhật kí, ghi chép hiếm hoi của Tesla, cùng với những bức ảnh chụp ông, tất cả tạo nên bức chân dung hoàn chỉnh về một trí tuệ vĩ đại trong lịch sử.

• Những Nhà Phát Minh Và Các Ý Tưởng Lạ Đời  qua ngòi bút cực kỳ vui nhộn của Dr Mike Goldsmith, đôi lúc những ý tưởng bất chợt lóe sáng tưởng chừng không ăn nhập gì đến những phát minh của Thomas Edison, John Logie Baird nhưng họ đã nhanh chóng tóm lấy và biến thành tài sản giá trị cho nhân loại.

Bình luận (0)