Hên xui là gì? Hên xui hay hênh xui | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 05/11/2023

Hên xui là gì? Hên xui hay hênh xui?

Quang Nguyễn
 Quang Nguyễn
Hên xui là phương ngữ Nam Bộ chỉ sự may rủi, tùy thuộc vào thời vận hay sự ngẫu nhiên không tính trước được.
 
 
Có thể khẳng định hên xui là một đặc điểm ngôn ngữ của người miền Nam. Điều này dễ dàng nhận thấy các từ điển được biên soạn ở miền Nam như Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (NXB Khai Trí, 1970), Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín (NXB Khoa Học Xã Hội, 2007) đều có định nghĩa từ hên xui trong khi những từ điển được biên soạn ở miền Bắc như Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức, ... đều không ghi nhận từ này.
 
Theo đó, hên xui được định nghĩa như sau:
 

- "May rủi, do thời vận. Hên xui mà, khó tính trước lắm." - Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức [1] 

- "May rủi, tùy thuộc vào ngẫu nhiên mà được hay không được. Chuyện hên xui biết thế nào mà lường, anh ơi." – Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín [2] 


Hên xui hay hênh xui?


Trong Chuyện Đông chuyện Tây, nhà nghiên cứu An Chi cho rằng hên xui viết đúng phải là hênh xui; trong đó,  hênh là một từ cổ mà phương ngữ Nam Bộ còn bảo tồn được, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 亨 mà âm Hán Việt hiện đại là hanh, nghĩa là “thông suốt, thuận lợi, may mắn” [3]

Còn chữ xui trong hên xui được ông An Chi cho là điệp thức của suy 衰 trong suy nhược, suy vi, v.v. với một sự chuyển nghĩa từ “sút kém” thành “không may” [4] 

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cách giải thích trên của ông An Chi có vẻ hơi khiên cưỡng vì sự đối lập nhau giữa hanh 亨 (= hênh --> hên) và suy 衰 (= xui) là không rõ ràng. Bởi lẽ, nếu như hanh 亨 [hēng] trong hanh thông 亨通 [hēngtōng] được Từ điển Hán Việt do Hầu Hàn Giang, Mạch Vĩ Lương giảng là “thuận lợi / tốt đẹp / trôi chảy / trót lọt” [5] thì đối lập với nó phải là một từ có nghĩa “bế tắc, bất lợi, v.v.” chứ không phải là suy 衰 nghĩa là “yếu / sút/ suy / lụn/ giảm bớt” [6]

Theo chúng tôi, hên xui trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Triều Châu hưng suy 興衰 [xīngshuāi] vì các lý do sau: 

1. Âm gốc của hưng suy 興衰 là hêng suê, tức là có vỏ ngữ âm na ná với hên xui

2. Hưng suy là từ ghép đẳng lập có sự đối lập rất rõ ràng; nếu như hưng 興 có nghĩa “thịnh vượng, phát triển, tốt đẹp hơn lên” thì suy 衰 lại có nghĩa là “sút kém, lụn bại, yếu, suy giảm”. Như vậy, hưng suy có nghĩa là  “lúc thăng lúc trầm”, “lúc thành công, lúc thất bại” --> hên xui.

3. Người Triều Châu (người Tiều) từ khi di cư vào Việt Nam, vốn chủ yếu sinh sống và định cư ở Nam Bộ nên tiếng Tiều (Triều Châu) có sự ảnh hưởng khá mạnh mẽ trong phương ngữ Nam Bộ và hên xui ( = hưng suy) là một trong những từ có nguồn gốc từ tiếng Tiều như thế đã hòa lẫn vào phương ngữ Nam Bộ. Đó là lý do hên xui được dùng chủ yếu ở miền Nam như chúng tôi đã đề cập ở đầu bài viết.

4. Trong Đại Nam Quấc Âm tự vị (Saigon, 1895), Huình Tịnh Paulus Của khi giảng từ hên có nghĩa là “may mắn, gặp vận tốt” cũng ghi nhận chữ Hán của hênhưng[7] 


Chú thích

[1]. Lê Văn Đức, hiệu đính Lê Ngọc Trụ. (1970). Việt Nam tự điển. Sài Gòn: NXB Khai Trí. Tr. 601.

[2].  Huỳnh Công Tín. (2007). Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB Khoa Học Xã Hội. Tr. 587.

[3], [4]. An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây, tập 5. NXB Trẻ. Tr. 246, 247, 248.

[5], [6]. Hầu Hàn Giang, Mạch Vĩ Lương. (1997). Từ điển Hán Việt. Bắc Kinh: Thương vụ ấn thư quán. Tr. 263 (
hanh 亨); tr. 623 (suy 衰).

[7]
Huình Tịnh Paulus Của. (1895). Đại Nam Quấc Âm tự vị. Saigon: Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Tr. 415.
 

Bình luận (1)