Chính Phủ là gì? Thủ Tướng là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 25/10/2023

Chính Phủ là gì? Thủ Tướng là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Chính phủ là gì? 


Từ chính phủ (政府) trong tiếng Việt bắt nguồn từ Trung Quốc, vốn xuất hiện sớm nhất trong câu “Lý Lâm Phủ [1] lãnh sự bộ thượng thư, viết tại chính phủ” trong bộ sách Tư Trị Thông Giám [2] của Tư Mã Quang. Thời Đường và Tống bên Trung Quốc, chính phủ là nơi làm việc của tể tướng [3] và cũng là nơi tể tướng xử lý chính vụ. 


Hiện nay tại Việt Nam, chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp tối cao của Nhà nước. Chính phủ do Chủ tịch nước thành lập và Quốc hội phê chuẩn, có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội (5 năm). Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Chủ tịch nước và phê chuẩn chính phủ mới. 

Thủ tướng là gì? 


Từ Thủ tướng (首相) là viết tắt của cụm từ "thủ tịch tể tướng" (首席宰相) dùng để chỉ người có chức vị cao nhất trong các tể tướng thời Đường và Tống bên Trung Quốc.


Trong cuốn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, từ thủ tướng được giảng theo hai nghĩa sau: 


1. Ông tể tướng đứng đầu cả triều 

2. Tổng lý tòa nội các - Président du Cabinet [4].

Ngày nay, ở nhiều quốc gia, từ chính phủ dùng để chỉ cơ quan thi hành quyền lực quốc gia, tức cơ quan hành chính quốc gia, còn Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ.

 


Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp tối cao của Nhà nước. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
 

Tại Việt Nam, chính phủ gồm Thủ tướng chính phủ, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác. Ngoài Thủ tướng, các thành viên khác không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội. 

Quốc hội bầu Thủ tướng theo đề nghị của Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội và chỉ có Quốc hội mới có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Căn cứ vào nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.


Chính phủ chịu sự giám sát của Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.


Chú thích

[1]. Lý Lâm Phủ (? - 752) là tể tướng thời vua Đường Huyền Tông và Đường Túc Tông. Sau khi Lý Lâm Phủ mất, anh họ của Dương Quý Phi - một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, là Dương Quốc Trung được bổ làm tể tướng thay ông.

[2]
Tư trị thông giám (chữ Hán: 资治通鉴) là một cuốn biên niên sử quan trọng của Trung Quốc, với tổng cộng 294 thiên và khoảng 3 triệu chữ. Tác giả chính của cuốn sử này là Tư Mã Quang – nhà sử học thời Tống. Tư trị thông giám được viết theo thể biên niên, khái quát một thời kỳ lịch sử dài 1362 năm, từ năm 403 TCN thời Chiến Quốc đến năm 959 hết thời Hậu Chu. Toàn bộ tác phẩm có 294 quyển, có khoảng 3 triệu chữ, ngoài ra còn có 30 quyển mục lục, 30 quyển Khảo dị (khảo sát sự giống và khác nhau).

[3]. Tể tướng (chữ Hán: 宰相) là một chức quan cao nhất trong hệ thống quan chế của phong kiến Á Đông, sau vị vua đang trị vì. Trách nhiệm chính của Tể tướng là thay mặt vua giải quyết mọi việc về chính sự của quốc gia. Ban đầu chức vụ này chỉ có một người độc bá, nhưng theo các triều đại về sau muốn tránh lạm quyền, chức vụ này dần bị khống chế và san sẻ quyền lực bằng một số Hội đồng được lập ra tùy thời kì.

[4]. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, tại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản, thông xưng chỉ người đứng đầu chính phủ trung ương các nước này đều là "Tổng lý" (總理). Từ "Tổng lý" có nghĩa gốc là quản lý chung, quản lý toàn diện, từ đó mà có thêm nghĩa dẫn thân chỉ người phụ trách hoặc người lãnh đạo của một số sự vụ, bộ môn, cơ cấu, tổ chức. Xét theo từ nguyên và ý nghĩa thì từ thủ tướng chỉ nên dùng để gọi người đứng đầu chính phủ các quốc gia theo chế độ quân chủ.


Thư mục

• Đào Duy Anh. (2005). Hán Việt từ điển giản yếu. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin. 

• Tư Mã Quang. (2022). Tư trị thông giám. NXB Văn Học.
Bình luận (0)