Trần Văn Giàu | Tiểu sử và tác phẩm | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 21/08/2023

Trần Văn Giàu

Nhà hoạt động cách mạng, nhà nghiên cứu, nhà giáo nhân dân, tác giả của Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam

Trần Văn Giàu

Sinh: 6 tháng 9 năm 1911 tại Châu Thành, Long An
Mất: 16 tháng 12 năm 2010 (99 tuổi) tại Sài Gòn
Nghề nghiệp: Nhà hoạt động cách mạng, nhà nghiên cứu sử học, giáo sư, nhà giáo nhân dân
Tác phẩm tiêu biểu: Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, Lịch sử cận đại Việt Nam, v.v..

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu sinh ra trong một gia đình điền chủ có truyền thống yêu nước tại Long An. Trong gia đình, ông có tên là Mười Ký nhưng cái tên được mọi người biết đến nhiều hơn cả là Sáu Giàu.

Từ 1925-1928, ông học trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Đến tháng 10 năm 1928, ông du học tại Toulouse (Pháp), sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp vào tháng 3 năm 1929 ở tuổi 18.

Tháng 5 năm 1930, do tham gia biểu tình trước Dinh Tổng thống Pháp đòi hủy án tử hình các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Bái nên ông bị bắt giam và sau đó bị trục xuất về nước.

Tháng 6 năm 1930, sau khi về nước, ông bắt đầu dạy văn chương, lịch sử tại trường tư thục Huỳnh Công Phát; đồng thời, tham gia vận động cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 8 năm 1930, ông bắt đầu hoạt động cho Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Từ năm 1931 đến tháng 8 năm 1932, ông được cử đi học tại trường Đại học Phương Đông ở Moscow (Liên Xô cũ) và tốt nghiệp sớm 1 năm.

Ngày 31 tháng 08 năm 1933, ở tuổi 22, ông được bầu làm Bí thư xứ ủy Nam Kỳ; tham gia xuất bản báo Cờ Đỏ và bộ sách Cộng sản tùng thư. Trong thời gian này, với tài diễn thuyết, kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm hoạt động tại Liên Xô, Pháp, ông thường xuyên tham gia các buổi diễn thuyết trước hàng nghìn người ở Sài Gòn và trở nên nổi tiếng.

Tháng 6 năm 1935 đến tháng 3 năm 1941, ông bị kết án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo, sau đó bị biệt giam ở trại Tà Lài (Đồng Nai).

Tháng 3 năm 1941 đến 1943, sau khi vượt ngục, ông cùng với một số nhà cách mạng xây dựng lực lượng, tái lập Xứ ủy Nam Kỳ.

Tháng 10 năm 1943, ông được bầu lại làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

Tháng 8 năm 1945, ông tham gia lãnh đạo Cách Mạng Tháng Tám ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ.

Tháng 9 năm 1945, ở tuổi 34, ông là Chủ tịch Ủy Ban Kháng chiến Nam Bộ, phát lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến.

Từ 1946 - 1948, ông chủ yếu hoạt động tại Thái Lan và Campuchia để xây dựng lực lượng hải ngoại để tham gia kháng chiến Nam Bộ.

Từ 1949 đến 1954, ông về Việt Bắc, là giảng viên triết học, được cử làm Tổng giám đốc Nha thông tin Việt Nam, sau đó chuyển sang công tác ở Bộ Giáo dục, tham gia xây dựng ngành dự bị Đại học và Sư phạm cao cấp.

Tháng 11 năm 1954, ông là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ Trường Đại học sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm khoa học Hà Nội, giảng dạy môn Khoa học chính trị, Triết học, Lịch sử thế giới, Lịch sử Việt Nam.

Từ 1955-1956, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư. Cũng trong thời gian này, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa lịch sử, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học tổng hợp Hà Nội.

Từ 1962 - 1975, ông công tác tại Viện Sử học thuộc Ủy Ban Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Từ năm 1975 - 2010, ông nghỉ hưu và tiếp tục nghiên cứu khoa học tại TP. Hồ Chí Minh. Trong khoảng thời gian này, ông sáng lập Hội khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, là chủ tịch đầu tiên và chủ tịch danh dự trọn đời của Hội (năm 1986), được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1992), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2003). Năm 2002, ông sáng lập giải thưởng Trần Văn Giàu với mục tiêu trao giải cho các tác giả với các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng về Nam Bộ và khu vực cực nam Trung Bộ.

Năm 1996, giáo sư Trần Văn Giàu được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 công trình về Lịch sử Việt Nam gồm 5 bộ, 18 tập (1956-1957).

Dù không có con cái nhưng trong sự nghiệp giáo dục, Trần Văn Giàu đã đào tạo nhiều học trò xuất sắc, trong đó có bốn người được xem là tứ trụ sử học Việt Nam đương đại gồm Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng

 

Sách của Trần Văn Giàu 


Sự Phát Triển Của Tư Tưởng Ở Việt Nam Từ Thế Kỷ XIX Đến Cách Mạng Tháng Tám - Tập 1Sự Phát Triển Của Tư Tưởng Ở Việt Nam Từ Thế Kỷ XIX Đến Cách Mạng Tháng Tám - Tập 1
NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020
Mua sách 

Sự Phát Triển Của Tư Tưởng Ở Việt Nam Từ Thế Kỷ XIX Đến Cách Mạng Tháng Tám - Tập 2Sự Phát Triển Của Tư Tưởng Ở Việt Nam Từ Thế Kỷ XIX Đến Cách Mạng Tháng Tám - Tập 2
NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020
Mua sách 
Sự Phát Triển Của Tư Tưởng Ở Việt Nam Từ Thế Kỷ XIX Đến Cách Mạng Tháng Tám - Tập 3Sự Phát Triển Của Tư Tưởng Ở Việt Nam Từ Thế Kỷ XIX Đến Cách Mạng Tháng Tám - Tập 3
NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020
Mua sách 
Bình luận (0)