Khi mới ra đời, Kim Vân Kiều Tân Tập lấy tên là Đoạn Trường Tân Thanh; tuy nhiên cái tên phổ biến nhất của tác phẩm này là Truyện Kiều. Đây là tác phẩm thơ Nôm nổi tiếng của nền văn học cổ đại Việt Nam, được sáng tác bởi đại thi hào Nguyễn Du ( 1766-1820).
Ít ai biết rằng, Nguyễn Du viết Truyện Kiều dựa trên một cuốn tiểu thuyết đã từng bị lãng quên và bị coi là rẻ tiền ở Trung Quốc, tác phẩm Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Chính sự nổi tiếng của Truyện Kiều đã khiến một học giả người Trung Quốc lục tìm lại tác phẩm của nước mình bị vùi sâu trong quên lãng từ cuối đời nhà Thanh cho đến những năm 50 của thế kỷ XX.
Có thuyết cho rằng Truyện Kiều ra đời sau khi Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc (1814). Lại có thuyết nói ông viết trước đó, có thể vào khoảng thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1809).
Kim Vân Kiều Tân Tập được nhà xuất bản Quảng Văn Đường khắc in năm 1906 (thời vua Thành Thái). Ngoài ra còn có các bản sau:
• Kim Vân Kiều tân truyện: Kim Ngọc lâu tàng bản, Tự Đức thứ 25 (1872).
• Kim Vân Kiều tân truyện: Thịnh Mĩ đường tàng bản, Tự Đức thứ 32 (1879).
• Kim Vân Kiều tân truyện: Quan Văn đường tàng bản, Tự Đức thứ 32 (1879).
• Kim Vân Kiều tân truyện: Văn Nguyên đường tàng bản, Tự Đức thứ 32 (1879).
• Kim Vân Kiều tân truyện: Bảo Hoa các tàng bản, Tự Đức thứ 32 (1879)
• Thúy Kiều Truyện tường chú: Chiêm Vân Thị chú đính, Thành Thái (1905?)
Truyện Kiều là một tác phẩm để đời, sống mãi với thời gian. Kể từ khi ra đời cho đến nay, Truyện Kiều đã thu hút sự chú ý của đông đảo người đọc không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới. Truyện Kiều đã được in và tái bản nhiều lần, được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau và từ đó đã xuất hiện không ít các lời bình Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều. Không những thế Truyện Kiều còn đi vào các tác phẩm hội họa, âm nhạc, sân khẩu, điện ảnh. Nhiều người Việt Nam, qua truyền miệng, thuộc Truyện Kiều như thuộc lòng bàn tay vì nó chứa đựng nhiều hoàn cảnh, nhân vật, trải nghiệm có thể tìm thấy trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình dù rằng câu chuyện được viết cách đây hơn 200 năm.
Nguyễn Du (tên chữ Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ (鴻山獵戶), sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (tức ngày 3 tháng 1 năm 1766) tại phường Bích Câu, Thăng Long. Ông sinh ra trong một gia đình đông anh em vì cha ông Nguyễn Nhiễm ( 1708-1776) có đến 3 bà vợ, ông là con của bà vợ thứ 3, bà Trần Thị Tần ( 1740-1778).
Thời thơ ấu, ông sống trong nhung lụa do cha làm quan nhưng đến năm 12 tuổi, khi cả cha lẫn mẹ mất, ông lúc thì sống với người anh cùng cha khác mẹ, lúc thì sống với bạn của cha.
Mặc dù đỗ thi Hương năm 1783 nhưng mãi đến năm 1802, ông mới ra làm quan dưới thời nhà Nguyễn. Từ lúc này đến khi qua đời năm 1820, ông giữ một số chức quan nhỏ, có lúc được cử đi làm chánh sứ bên Trung Quốc (1813-1814). Đây có thể là giai đoạn ông làm quen với văn học Trung Quốc và đọc tác phẩm Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân.
“Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc, như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật , thất ngôn luật, ca, hành...nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt hơn cả là tài làm thơ bằng chữ Nôm của ông, mà bằng chứng là ở Truyện Kiều, đã cho thấy thể thơ lục bát “có khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn của thể loại truyện thơ. Chính trên cơ sở này mà trong thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của một bức tranh hiện thực đa dạng. Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, Nguyễn Du hiện ra: vừa dạt dào yêu thương, vừa bừng bừng căm giận. Đây là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du. Từ thơ chữ Hán đến truyện Kiều, nó tạo nên cái sức sống kỳ lạ ở hầu hết tác phẩm của ông.”
(Trích vài viết “Nguyễn Du-Tác giả và tác phẩm”của Nguyễn Huệ Chi in trong tạp chí Văn Học tháng 11-1966).