Lê Duẩn tên thật Lê Văn Nhuận, sinh ra trong một gia đình nông dân. Ông sớm giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926.
Từ năm 1928, ông tham gia và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đến năm 1930 thì trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1931, ông là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ và cũng năm đó, ông bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm, giam tại các nhà lao Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo.
Tháng 10 năm 1936, ông được trả tự do do thực dân Pháp tại Việt nam bị áp lực trước thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp và phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta Việt nam. Vừa ra khỏi nhà tù, ông tham gia ngay vào các hoạt động cách mạng sôi nổi ở các tỉnh miền Trung.
Năm 1937, ông được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Tại đây ông cùng với tập thể Xứ ủy lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở miền Trung.
Năm 1939, Lê Duẩn được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và cuối năm đó đã cùng Tổng Bí thư của Đảng lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (viết tắt là BCHTW), quyết định thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương thay Mặt trận Dân chủ, chuyển hướng cuộc đấu tranh cách mạng sang một thời kỳ mới.
Năm 1940, ông lại bị địch bắt tại Sài Gòn, kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai.
Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được đón về đất liền.
Từ năm 1946, ông được ra Hà Nội làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm đó, ông được Hồ chủ tịch và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Từ năm 1946 đến năm 1954, với cương vị là Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông đã lãnh đạo Đảng bộ miền Nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, ông được bầu vào BCHTW và Bộ Chính trị.
Từ năm 1954 đến năm 1957, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, ông ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong thời gian này, ông đã kiên trì bám trụ ở những vùng nông thôn hẻo lánh miền Tây, miền Trung Nam Bộ đến trung tâm thành phố lớn Sài Gòn, Đà Lạt... để củng cố các cơ sở cách mạng.
Là người vừa nắm rõ đường lối của Trung ương vừa có trình độ lý luận, hiểu chủ nghĩa Mác, lại vừa nắm rõ địa lý ở miền Nam trong thời gian ở miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng, từ năm 1957 Lê Duẩn được Trung ương chỉ thị ra Bắc để lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, ông được bầu vào BCHTW và Bộ Chính trị, đảm nhận trọng trách Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng. Ông giữ vị trí này trong suốt 16 năm.
Từ năm 1967, do tình hình bệnh tật và sức khỏe suy giảm của chủ tịch Hồ Chí Minh, ông được cho là người có quyền lực cao nhất trong Bộ chính trị.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) và lần thứ V (1982) của Đảng, ông được bầu lại vào BCHTW, Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư BCHTW Đảng; từ năm 1978 ông là Bí thư Quân uỷ Trung ương.
Lê Duẩn qua đời vào ngày 10 tháng 07 năm 1986, tại Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi.
Lê Duẩn và quan điểm đối với Trung Quốc
Khi còn sống, theo một số nhận định, Lê Duẩn lúc nào cũng cho rằng hiểu Trung Quốc là chuyện sống còn của dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiến tranh chống Mỹ, rất nhiều lần Trung Quốc muốn dùng những khoản viện trợ để lồng ghép vào đó những toan tính riêng của họ, nhưng ông không nhận bất cứ một khoản viện trợ nào mà ông cho là có nguy cơ đối với nền độc lập của Việt Nam. Một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt Nam với Trung Quốc đã từng nhận xét về ông: "Với Tổng Bí thư Lê Duẩn, cái gì nhịn được thì nhịn, nhưng ông tuyệt đối không bao giờ nhượng bộ những điều quá đáng, nguy hại cho an ninh quốc gia". Vì tư tưởng này, ông đã trở thành lãnh đạo Việt Nam làm Trung Quốc "gai mắt" trong giai đoạn ấy.
Trong lần gặp đầu tiên trong năm 1963 ở Vũ Hán, nơi mà Mao Trạch Đông đã tiếp một phái đoàn của Đảng lao Động Việt Nam. Trong buổi họp đó, Lê Duẩn nói là đã hiểu ý định thật sự của Mao Trạch Đông là muốn khống chế Việt Nam và đã cảnh cáo ông ta là Việt Nam có thể đánh bại các lực lượng Trung Quốc dễ dàng. Mao Trạch Đông đã cố tình hỏi ông: “Đồng chí, có đúng là dân tộc ông đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Ông nói: “Đúng như vậy”. Mao Trạch Đông hỏi tiếp: “Lại một lần nữa, có đúng không, đồng chí, là các ông đã đánh bại quân nhà Thanh?” Ông lại trả lời: “Đúng như vậy.” Mao Trạch Đông lại hỏi: “Và cả quân nhà Minh nữa?” Tới lúc đó, ông nói thẳng thừng: “Đúng, và luôn cả quân đội của ông nữa, nếu các ông tìm cách xâm lược đất nước tôi".
Trong cuộc gặp Chu Ân Lai năm 1971, ông trả lời: “Đồng chí có thể nói bất cứ điều gì đồng chí thích, nhưng tôi sẽ không nghe theo. Đồng chí là người Trung Quốc, tôi là người Việt Nam. Việt Nam là của chúng tôi; không phải là của đồng chí.” Dù bị trả lời hằn học, nhưng trong bản tường trình cuộc họp của Chu Ân Lai đã nhắc đến lòng ái quốc cương trực của ông.
Lê Duẩn không quý mến người Trung Quốc, nhưng ông phân biệt rõ một bên là “dân tộc Trung Quốc”, một bên là những người Trung Quốc phản động. Ông không đổ lỗi cho cả dân tộc Trung Quốc vì những chính sách gây hấn của những người lãnh đạo của họ: "Chúng ta chỉ muốn nói đến họ là một tập đoàn (clique). Chúng ta không nói đến tổ quốc của họ. Chúng ta không nói người Trung Quốc xấu với chúng ta. Chúng ta nói đó là tập đoàn phản động Bắc Kinh".