Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt (chữ ghép của Phúc Tằng và Việt Yên quê ông). Cha ông dạy học và làm thuốc, có thời đã theo Quốc Dân Đảng, là bạn của Xứ Nhu, tức Nguyễn Khắc Nhu; còn mẹ ông bán hàng xén.
Thuở nhỏ, Hoàng Cầm học tiểu học ở Bắc Giang. Ông làm thơ khá sớm, lúc mới lên 8 tuổi. Những bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên báo Bắc Hà vào năm 1936, ký tên Bùi Hoài Việt. Ngoài ra, ông còn có truyện ngắn đăng trên báo Đông Pháp.
Năm 1937, ở tuổi 15, lúc còn học đệ tứ ở Bắc Ninh, Hoàng Cầm đã sáng tác kịch thơ Hận Nam Quan (được in vào năm 1942). Đây chính là tác phẩm đã giúp Hoàng Cầm thành danh.
Năm 1938, Hoàng Cầm đỗ Diplôme (Cao đẳng tiểu học) ở Bắc Ninh. Sau đó ông lên Hà Nội học trường Thăng Long và bắt đầu nghề văn. Ở tuổi 16, ông vừa học vừa làm cho nhà xuất bản Tân Dân và tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy của Vũ Đình Long.
Thời gian này ông sáng tác nhiều truyện ngắn với bút hiệu Hoàng Cầm, trong đó nổi tiếng với Hận ngày xanh - phóng tác từ Graziella của Lamartine và những truyện rút trong Ngàn lẻ một đêm.
Năm 1940, Hoàng Cầm đỗ Tú Tài, tiếp tục sáng tác và làm việc với Vũ Đình Long từ năm 1940 đến năm 1944. Cũng trong năm 1940, ông cưới người vợ đầu Hoàng Thị Hoàn.
Năm 1942, Hoàng Cầm viết kịch thơ Kiều Loan - một sáng tác nổi tiếng khác của ông.
Cuối 1944, vì tình hình chiến sự, Mỹ ném bom chợ Hàng Da, nhà xuất bản Tân Dân phải dọn về làng Tám ở ngoại thành. Hoàng Cầm trở về Bắc Giang đưa gia đình về quê Thuận Thành (Bắc Ninh).
Tháng 9 năm 1945, Hoàng Cầm cùng Hoàng Tích Chù lập ban kịch Đông Phương.
Ngày 26 tháng 11 năm 1946, Kiều Loan được trình diễn lần đầu tại nhà Hát Lớn Hà Nội. Vở chỉ diễn được một buổi duy nhất, sau bị ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Giải phóng Hà Nội ra lệnh cấm với lý do Pháp đã tấn công Hải Phòng. Ban Kịch Đông Phương đem Kiều Loan đi lưu diễn ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình... tại các đình làng.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, chiến tranh bùng nổ, ban kịch Đông Phương phải giải tán.
Năm 1947-1948: Hoàng Cầm và Tuyết Khanh (diễn viên chính, đóng vai Kiều Loan) sống chung, giữa 1947, hai người cùng gia nhập Vệ Quốc Đoàn.
Trong khoảng thời gian này, Hoàng Cầm sáng tác Đêm liên hoan. Sau đó thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền đầu tiên trong quân đội. Điều khiển và phát triển đoàn Văn Nghệ Liên Khu Việt Bắc từ 1948 đến 1952.
Năm 1948, ông sáng tác Bên kia sông Đuống.
Tháng 7-8 năm 1950, Đại Hội Văn Nghệ I họp tại Việt Bắc đã quyết định loại trừ: tuồng, chèo, vọng cổ, và kịch thơ... ra khỏi nền văn nghệ cách mạng. Hoàng Cầm phải tuyên bố "treo cổ" kịch thơ của mình.
Tháng 7 năm 1952, tướng Nguyễn Chí Thanh điều động Hoàng Cầm về làm đoàn trưởng đoàn Văn Công Tổng Cục Chính Trị đến đầu năm 1955.
Năm 1954, Hoàng Cầm được cử tổ chức buổi Liên hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa vào màn quan họ Bắc Ninh "Yêu nhau cởi áo cho nhau", nhưng bị phản đối là "đả đảo!" "đồi trụy!". Tướng Nguyễn Chí Thanh phải can thiệp để đoàn văn công tiếp tục trình diễn hết màn quan họ.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954 thủ đô Hà Nội được giải phóng, Hoàng Cầm và đoàn văn công Tổng Cục Chính Trị về tiếp quản Hà Nội.
Ngày 01 tháng 01 năm 1955, Văn công quân đội chia làm ba đoàn, Hoàng Cầm điều khiển đoàn 1, chuyên về kịch nói. Trong thời gian này, ông tham dự việc đòi cải tổ chính sách văn nghệ quân đội cùng Trần Dần, Tử Phác, Lê Đạt... và phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
Tháng 4-1955, ông nộp đơn xin giải ngũ hoặc đổi sang Hội Văn Nghệ, vì bị Cục phó Cục Tổ Chức, thuộc Tổng Cục Chính Trị, buộc phải bỏ bà Lê Hoàng Yến - nàng thơ và cũng là người vợ cuối cùng của Hoàng Cầm.
Tháng 11 năm 1955, ông được đổi ngành sang Hội Văn Nghệ, trách nhiệm nhà xuất bản Văn Nghệ.
Tháng 2 năm 1956, Hoàng Cầm cùng Lê Đạt chủ trương Giai Phẩm Mùa Xuân. Tháng 9-1956, ông lại cùng Nguyễn Hữu Đang chủ trương Nhân Văn.
Tháng 6-7 năm 1958, ông chịu kỷ luật cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng... tuy nhẹ hơn, chỉ bị một năm khai trừ khỏi Hội Nhà Văn, giống như Phùng Quán.
Năm 1982, ông bị bắt, tù 18 tháng vì tác phẩm Về Kinh Bắc.
Năm 1988, ông được "phục hồi".
Năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật do chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định tặng riêng.
Ngày 06 tháng 05 năm 2010, Hoàng Cầm qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi.
Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận định: "Kháng chiến của Việt Nam không thể thành công nếu không có nhạc của Văn Cao, không có thơ của Hoàng Cầm".
Những nàng thơ - người tình của Hoàng Cầm
Nhà thơ Hoàng Cầm đã tự nhận trong tập 99 tình khúc (tập thơ tình, xuất bản năm 1955, Giải thưởng Nhà nước 2007), cuộc đời của ông có 13 "nàng thơ", 13 người phụ nữ đã khiến cho cả tâm hồn người đàn ông và tâm hồn thi sĩ trong ông rung động.
Người "tình' đầu tiên của Hoàng Cầm là chị Vinh, lớn hơn ông 8 tuổi, nguyên mẫu của "người chị" trong Lá diêu bông. Lúc Hoàng Cầm 12 tuổi lẵng nhẵng đi theo chị Vinh (20 tuổi) trên một cánh đồng trơ gốc rạ, chị Vinh mải miết đi tìm một thứ lá chị nói mà Hoàng Cầm không nhớ tên là gì (sau này ông gọi là “lá Diêu Bông”). Chị đã thách thằng bé Bùi Tằng Việt khi đó: “Đứa nào tìm thấy thì chị lấy làm chồng!”. Sau này ông có gặp lại chị Vinh hai lần nhưng những xúc cảm rung động đầu đời thời niên thiếu trong ông không còn nữa, thay vào đó là nỗi xót xa về sự tàn phai nhan sắc của thần tượng tình yêu của ông thuở thiếu thời.
Hoàng Cầm có tất cả ba người vợ. Người vợ đầu là Hoàng Thị Hoàn, em gái ông Hoàng Hữu Nghị, hiệu trưởng trường La Clarté ở Bắc Giang, cưới năm 1940 do gia đình đi hỏi cưới cho ông. Hai người sinh con trai đầu lòng Bùi Hoàng Kỳ, và hai con gái Bùi Hoàng Yến và Bùi Hoàng Oanh. Bà Hoàn và con gái út Hoàng Oanh mất năm 1949. Còn cô con gái Bùi Hoàng Yến - một nghệ sĩ kịch, cũng sớm bạc mệnh.
Người vợ thứ hai của Hoàng Cầm là bà Tuyết Khanh, gốc Hải Phòng - diễn viên chính của vở Kiều Loan Hoàng Cầm quen trong thời gian ông và Hoàng Tích Chù lập ban kịch Đông Phương lưu diễn khắp nơi ở miền Bắc.
Bà Tuyết Khanh là người đầu tiên được vào vai Kiều Loan một cách trọn vẹn (không phải đang tập thì bỏ giữa chừng như 13 cô khác) trên sân khấu. Tuyết Khanh diễn xuất sắc đến nỗi các bạn văn nghệ của Hoàng Cầm như Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Hoàng Chương phải khen lấy, khen để; riêng nhà thơ Vũ Hoàng Chương mê Tuyết Khanh như điếu đổ.
Hoàng Cầm và bà Tuyết Khanh tổ chức đám cưới trong chiến khu Việt Bắc. Chính Hoàng Cầm là người đặt tên cho cô con gái đầu lòng là Kiều Loan để nhắc nhớ vở kịch đã đưa ông và Tuyết Khanh đến với nhau. Khi con gái được hơn bốn tháng thì Hoàng Cầm và bà Tuyết Khanh chợt nhận ra, Kiều Loan không thể lớn lên trong cảnh luôn luôn di chuyển, với măng rừng, củ mài và muỗi rừng. Vì vậy, sau đó bà Tuyết Khanh đã chia tay, bế bé Kiều Loan về Hà Nội trong nước mắt và chia ly.
Rồi dòng đời đưa đẩy, bà lấy chồng khác. Năm 1954, bà ôm con, theo chồng vào Nam. Sau năm 1975, bà định cư ở Mỹ. Qua Mỹ, bà Tuyết Khanh đi tu, ăn chay niệm Phật.
Người vợ thứ ba và cũng là người vợ cuối cùng của Hoàng Cầm là bà Lê Hoàng Yến - con gái của một lương y đất Hải Dương đồng thời là cựu hoa khôi Hà Thành, lúc đó bà đã có 6 con riêng. Hai ông bà lấy nhau từ tháng 5-1955 và sinh được hai người con. Bà là người hiền thục, thương yêu chồng con hết mực và có nhiều dấu ấn nhất trong sự nghiệp thơ ca của Hoàng Cầm.
Sau này Hoàng Cầm đã viết: “Ngày hai bữa cơm nghèo, mấy tấm áo quần đã sờn rách, một lũ con nhỏ dị lau nhau đi học, chơi đùa, đau ốm, tất cả tôi trao gánh nặng cuộc đời ấy cho người vợ...”.
Không chỉ quán xuyến cái ăn, cái mặc cho cả nhà, bà Hoàng Yến còn là một “tín đồ” của dòng thơ Hoàng Cầm. Tất cả bản thảo thơ của ông đều được bà cất giữ cẩn thận như là của “gia bảo”. Những đêm mưa gió, cả gia đình co cụm lại trong căn nhà lụp xụp, dột nát. Vậy mà những chỗ khô ráo nhất lại là nơi để bà di dời, cất giữ bản thảo thơ ông. Đời làm vợ của bà có thể gói gọn trong 2 câu thơ mà thi sĩ Hoàng cầm viết tặng vợ: “Tôi có người vợ nghèo/ Đời vất vả gieo neo...”.
Năm 1985, bà Lê Hoàng Yến đột ngột từ trần vì bị căng huyết áp trong lúc danh phận của nhà thơ Hoàng Cầm chưa được “phục hồi” và vẫn trong cảnh “vô cùng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa một, từng dúm gạo một” như sau này ông kể lại.
Hoàng Cầm đã viết những câu thơ tê tái sau cái chết đột ngột của bà: "Em xa anh và rất gần nước mắt". Nhà thơ Hoàng Cầm qua đời sau bà Hoàng Yến 25 năm, nhưng đến khi ông mất, bà vẫn là người vợ cuối cùng, là nàng thơ đẹp nhất trong đời thi sĩ đất Kinh Bắc hào hoa Hoàng Cầm.
Sách của Hoàng Cầm