Quê hương (Thơ Giang Nam) | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 16/09/2022

Quê hương

Thơ Giang Nam
Atabook.com - Chia sẻ. Kết nối. Truyền cảm hứng.


Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
"Ai bảo chăn trâu là khổ''
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Có những ngày trốn học
Đuổi bướm cạnh bờ ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào tôi đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích...

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ, tôi đi
Cô bé nhà bên có ai ngờ!
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi!
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời mà lòng tôi ấm mãi...

Hòa bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Tôi lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con khó nói lắm anh ơi!
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...

Rồi hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi, quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.


Hoàn cảnh ra đời bài thơ Quê Hương của Giang Nam


Bài thơ Quê hương được nhà thơ Giang Nam viết vào năm 1960 tại căn cứ bí mật của Tỉnh ủy Khánh Hoà đóng dưới chân núi Hòn Dù phía tây thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khi ông bàng hoàng nghe tin vợ ông - bà Phạm Thị Triều, và con gái ông bị địch giết hại trong nhà tù Phú Lợi (Bình Dương).

Trong niềm đau đớn tột cùng, ngay trong đêm nghe tin dữ, ông đã viết nên bài thơ “Quê hương” như vẽ nên một sự thật đau xót:

Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi
Đau xé lòng anh chết nửa con người…


Có thể nói, đây là bài thơ hay nhất trong đời thơ của Giang Nam. Theo Hoài Thanh kể lại, năm 1961, khi xét giải thưởng thơ Tạp chí Văn nghệ, có ý kiến đề nghị trao giải nhất cho bài thơ Quê hương nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong bối cảnh lúc đó bài thơ có thể ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu nên đề nghị chỉ trao giải ba, cuối cùng giải pháp dung hoà được nhất trí: bài thơ được tặng giải nhì giải thưởng thơ năm 1960-1961 của Tạp chí Văn nghệ.


Tưởng rằng vợ con đã bị địch giết hại, nhưng thật may đây là nhầm lẫn. Năm 1962, sau 3 năm bị bắt, vợ và con gái được thả về do địch không tìm ra căn cứ để kết tội. Gia đình nhỏ được đoàn tụ trong nước mắt.

Nhưng cuộc đoàn tụ này không phải là sau cùng. Do công tác nên Giang Nam và vợ con vừa gặp mặt lại phải một lần nữa chia tay. Năm 1968, "cô du kích" trong bài thơ lại bị địch bắt một lần nữa. Mãi đến năm 1973, sau khi Hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, bà được thả ra, gia đình Giang Nam mới đoàn tụ lần nữa tại Củ Chi. 



Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, Giang Nam vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Đến năm 1978, ông lại ra Hà Nội làm Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam nên ông bà lại tiếp tục xa nhau. Mãi đến năm 1989 sau khi tách tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Tỉnh ủy Khánh Hòa xin ông về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã thì gia đình nhỏ mới thực sự đoàn tụ.

Đến tháng 4-2013, cuối cùng thì cô "du kích" trong bài thơ Quê hương đã thật sự ra đi ở tuổi 82.

Dù bài thơ được sáng tác bởi sự nhầm lẫn về thông tin nhưng đã để lại cho những thế hệ yêu văn học Việt một bài thơ cảm động cũng như một mối tình son sắt đồng hành cùng sức sống của bài thơ suốt hơn 50 năm qua. 


Tham khảo và trích dẫn

• Giang Nam, Tháng Tám ngày mai, NXB Văn học, 1962
Website cùng hệ thống

AtaHome.vn 
Kênh thông tin bất động sản - Nền tảng mua bán, cho thuê nhà đất #1 Bình Dương.
Bình luận (0)