Soái ca là gì?
Quang Nguyễn
Soái ca có nghĩa là anh chàng đẹp trai, dùng để chỉ một người đàn ông hoàn hảo bước ra từ các tiểu thuyết ngôn tình.
Về từ nguyên, soái ca bắt nguồn từ chữ Hán 帥哥 [shuàigē]. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, soái ca có thể chỉ là từ lóng (slang) - tức là một phương ngữ xã hội không chính thức của chữ Hán mà thôi.
Tại sao gọi là soái ca?
Soái ca 帥哥 là một từ ghép gồm soái (帥) + ca (哥). Chúng ta đi vào tìm hiểu cụ thể từng từ như sau:
• Soái chữ cũ đọc là súy, được Từ điển tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học) định nghĩa là "tướng tổng chỉ huy quân đội thời phong kiến; chủ soái (nói tắt)". [1]
Từ soái được dùng để ghép với một số từ như:
- Nguyên soái/ nguyên súy (元帅 - phiên âm yuánshuài): danh xưng quân hàm sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội của quốc gia, trên cả đại tướng (chẳng hạn nguyên soái Ivan Kh. Bagramyan của Liên Xô cũ). Quân hàm này thường được xem là tương đương với quân hàm Thống tướng trong quân đội của một số quốc gia theo hệ thống cấp bậc quân sự Mỹ, dù nguyên nghĩa của chúng không thực sự đồng nhất.
- Soái phủ/ Súy phủ (帥府 - phiên âm shuài fǔ): chỗ tướng tổng chỉ huy quân đội thời phong kiến đóng khi đưa quân đi đánh trận; tổng hành dinh. Thời Pháp thuộc, soái phủ là Dinh của Thống đốc Nam Kỳ
- Soái hạm (帥舰 - phiên âm shuài jiàn): chiếc tàu chỉ huy một đoàn tàu chiến
Theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, soái còn là "chức quan ngạch cai trị cầm đầu một nước hay xứ thuộc địa của Pháp hồi xưa: Chánh soái (Toàn quyền), Phó soái (Thống đốc)" [2]
|
• Ca (哥): có nghĩa là "anh", chẳng hạn đại ca (大哥 = anh cả, anh lớn), nhị ca (二哥 = anh hai).
Như vậy, soái ca (帥哥) có nghĩa là "người đàn ông bản lĩnh, đứng đầu, oai phong lẫm liệt". Còn nghĩa mở rộng là "anh chàng đẹp trai, có ngoại hình ưa nhìn".
Soái ca được sử dụng từ lúc nào?
Không chỉ ở Việt Nam mà trên các diễn đàn ở Trung Quốc, giới trẻ nước này cũng có những bàn luận khá sôi nổi về ý nghĩa của soái ca cũng như thời điểm bắt đầu sử dụng soái ca là từ khi nào.
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, soái ca có thể không phải là ngôn ngữ chính thức của chữ Hán mà chỉ là một từ lóng (slang). Lý do là vì trong các từ điển lớn như Khang Hi tự điển, Từ Hải, Từ điển Trung Quốc hiện đại, ... đều không có ghi nhận từ soái ca. Kể cả trong các tác phẩm văn học từ trước như Tống, Nguyên, Đại Minh, Đại Thanh cũng như trong các tư liệu lịch sử của Trung Quốc cũng đều không nhắc đến từ này.
Phần lớn các ý kiến cho rằng từ soái ca hình thành kể từ khi văn học mạng của Trung Quốc hình thành từ năm 1998, đặc biệt khi các tiểu thuyết ngôn tình phát triển như vũ bão đầu thế kỷ 21. Chàng soái ca như một Mr. Perfect bước ra từ thế giới ngôn tình với ngoại hình ưa nhìn, mắt sáng, vóc dáng thư sinh nho nhã. Một điều khiến soái ca chiếm trọn vẹn cảm tình của con gái chính là soái ca sẵn sàng từ bỏ hết mọi hào quang, quyền lực, tiền bạc của bản thân để chiếm lấy tình cảm của cô bé lọ lem. Soái ca lạnh lùng với mọi người nhưng lại dịu dàng với người mình yêu, luôn có những hành động và lời nói khiến con tim các cô gái dù băng giá đến thế nào cũng tan chảy.
Ngoài ra, ở Trung Quốc, soái ca hiện nay còn là từ để xưng hô với các nam thanh niên nhằm thu hút sự chú ý của anh ta. Những người thường xuyên sử dụng từ soái ca để xưng hô như thế này là những người bán hàng hội chợ, phục vụ bàn, ...
Câu chuyện vui về soái ca:
Trong một buổi xếp hàng mua vé xem phim rất đông đúc, một cô gái vỗ vai anh chàng phía trước và thì thầm: - "Soái ca, có thể cho tôi xếp hàng lên phía trước được không?"
Không ngờ nam thanh niên quay đầu lại nhìn cô một cách giận dữ, giọng gay gắt: - "Nói gì nói lại lần nữa xem?"
Cô gái sửng sốt, ấp úng: - "Anh có thể cho tôi. . .?”
Nam thanh niên lập tức ngắt lời: - "Không phải câu đó. Từ nào hồi nãy nói đầu tiên nói lại tôi nghe!
Cô gái gãi đầu: - “Soái ca ....”
Nam thanh niên lập tức tránh sang một bên, vừa lùi về phía sau, vừa vươn tay ra, vừa nghiêng người và nói dịu dàng: -" Xin mời người đẹp! Cứ tự nhiên!" |
Soái ca và ... những hệ lụy
Hiện nay, soái ca được dùng một cách ... vô tội vạ. Chẳng hạn, năm 2010, một anh chàng lang thang tên là Trình Quốc Vinh, sinh năm 1976, người Giang Tây bất ngờ trở thành hiện tượng mạng ở Trung Quốc nhờ một vài bức ảnh "đẹp xuất thần". Anh này được gắn với nhiều biệt danh rất kêu, trong đó có từ soái ca ... ăn mày.
Nói cách khác, thời điểm đó, miễn ai đẹp trai thì tất cả đều thành Soái ca, cho dù anh ta có làm nghề ăn mày đi chăng nữa!
Ở Việt Nam thời gian gần đây nổi lên hiện tượng mạng có biệt danh là Thông "soái ca" làm mưa làm gió với video gần 40 triệu lượt xem cùng câu nói rất "chất": Những thằng khác ngại tán em, tại ngán anh". Thường thì soái ca được mặc định là đẹp trai, có vẻ ngoài ưa nhìn nhưng Thông soái ca này thì lạ lắm!
Nói tóm lại, trong một thế giới phẳng với không gian mạng rộng lớn, cộng với sự phát triển mạnh mẽ của Youtube, Facebook và nhất là Tiktok gần đây nên việc tiếp thu văn hóa và các xu hướng trên thế giới là rất bình thường, nhất là với thế hệ trẻ năng động, hiện đại ngày nay.
Tuy nhiên, việc quá yêu thích những soái ca trong phim ảnh và ngôn tình có thể sẽ khiến một số cô gái xây dựng cho mình một hình tượng chàng trai quá hoàn hảo và quyết chỉ yêu khi gặp những chàng trai này. Nhưng sự thực ngoài đời sẽ có rất ít những chàng trai phù hợp những tiêu chuẩn đó khiến nhiều người cứ mãi sống trong ngôn tình và thấy thất vọng với cuộc sống ngoài đời thực. Điều này sẽ phần nào đó giống như nhân vật Đông Ki Sốt trong tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Cervantes mà thôi.
Chú thích
[1]. Viện Ngôn ngữ học, chủ biên Hoàng Phê. (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. Tr. 861.
[2]. Lê Văn Đức, hiệu đính Lê Ngọc Trụ. (1970). Việt Nam tự điển. Sài Gòn: NXB Khai Trí. Tr. 1296.