Ông xã là gì? Bà xã là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 16/09/2023

Ông xã là gì? Bà xã là gì? 

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Ông xã nghĩa gốc chỉ xã quan – một chức dịch trong làng thời trước; nghĩa hiện đại là khẩu ngữ dùng để gọi thân mật người chồng.


Ông xã là gì
Ông xã nghĩa gốc dùng để chỉ xã quan - một chức dịch trong làng có từ đời nhà Trần. Ảnh minh họa



Nguồn gốc của cách gọi Ông Xã


Xã nghĩa là gì?


Về từ nguyên,  là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở chữ ghi là 社 [shè ]. Đây là một chữ hội ý được cấu thành bởi chữ 示 và chữ Thổ 土 vốn có nghĩa ban đầu chỉ thần đất (thổ thần) hoặc đền thờ thần đất.

Xưa kia, mỗi triều đại nổi lên đều lập đền thờ, thờ thần xã 
神 coi về đất đai, thần tắc  coi về mùa màng; nói gộp lại là xã tắc (社稷) để chỉ một nước. Triều đại khác nổi lên thế nào cũng hủy bỏ hai đền thờ ấy và lập đền thờ thần xã thần tắc của mình để chứng minh rằng triều đại này đã được các thần thừa nhận. [1] 


Về sau,  còn được dùng để chỉ đơn vị hành chính cơ sở được Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng: "ngày xưa cứ mỗi khu 25 nhà làm một ; phàm họp nhiều người làm một việc gì cũng gọi là " [2] ; còn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng ngoài cái nghĩa "thần đất đai" còn có nghĩa là "làng lớn, lấy theo lệ cũ, có từ 200 dân trở lên" [3] 


Xã là gì? Xã quan là gì?
Giải thích của Huình-Tịnh Paulus Của về nghĩa của từ xã và xã quan trong Đại Nam Quấc âm tự vị
 

Ông xã là ông ... gì?


Trong Đại Nam Quấc Âm tự vịHuình-Tịnh Paulus Của giảng từ ông cũng đồng nghĩa là "quan", cụ thể:

 

Ông: tiếng xưng hô quan trưởng cùng kẻ tuổi cao tác lớn; tiếng quan trưởng xưng mình.

- Ông lớn: quan lớn

- Lệnh ông tiếng xưng quan lớn [4] 


Như vậy, có thể thấy ông xã là từ dùng để xưng hô xã quan, tức (ông) quan xã, với sự tôn kính. 

Alexandre de Rhodes trong Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Rome, 1651),  giảng ông xã đồng nghĩa với ông cai xã, dùng để chỉ người đứng đầu xã. [5]


Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì cho rằng ông xã (hay thầy xã) là gọi tắt của "xã trưởng" hoặc viên quan cai trị một thành phố, một thị xã thời Pháp thuộc. [6]

 
Chức vụ xã quan, xã trưởng ra đời từ khi nào?


Về chức xã quan thì Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giảng là "quan đốc sức việc làng, chức cũ, đời nhà Trần" [7] 
 

Trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim chép về sự ra đời của chức xã quan khá cụ thể: 

Năm Nhâm Dần (1242), Thái Tôn chia nước Nam ra làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt quan cai trị là An phủ sứ 安撫使, chánh phó 2 viên. Dưới An phủ sứ có quan Đại tư xã 大司社 và Tiểu tư xã 小司社 . Từ ngũ phẩm trở lên thì làm Đại tư xã, lục phẩm trở xuống thì làm Tiểu tư xã, mỗi viên cai trị, hoặc hai xã, hoặc ba bốn xã. Mỗi xã lại có một viên xã quan là Chánh sử giám 正史監. Lộ nào cũng có quyển dân tịch riêng của lộ ấy”. [8]


Như vậy, xã quan có từ thời vua Trần Thái Tông, ban đầu tên là Chánh sử giám 正史監.

Còn về chức xã trưởng thì 
Lê Triều chiếu lịnh thiện chính có chép lại chiếu lệnh của vua Lê Huyền Tông vào năm 1669 (năm Cảnh Trị thứ 7) về chức vụ này như sau:

 

"Chức xã trưởng là một viên giữ phong hóa (...) phải chuyển tư cho huyện quan ở các huyện trong xứ, chuyển sức cho xã dân, kén chọn trong con em các nhà lương gia, các nho sinh, các con cháu quan viên, các nhiêu nam, các sinh đồ, cùng là người nào có học thức, tính hạnh thanh liêm, công bằng và cần cán, bầu lấy một người làm xã quan, để cho viên ấy làm tiêu biểu cho hương xã,  khám xét các từ tụng, cùng là hàng năm nay hai kỳ xuân thu, theo những giáo điều của nhà nước mà dạy bảo xã dân, khiến cho dân biết điều lễ nghĩa, khuynh hướng vào nhân nhượng. Đến sự tra xét từ tụng, chiếu theo lệ “đài lễ”, cho xã quan được nửa phần, xã sử cùng xã tư chung nhau được nửa phần, để có đủ cách làm việc.

Cứ ba năm, cho phép huyện quan khảo khóa các xã quan một lần, xét trong các xã quan và xã sử xã tư, ai có đức hạnh liêm chính, biết dạy dân làm tốt phong tục, dẹp được việc kiện tụng, thì trình lên quan Thừa ty, quan Thừa ty làm tờ khải bẩm lên, sẽ giao xuống cho xét sự thực, rồi chuyền trình cho Bộ Lại,
thăng xã quan làm huyện quan, xã sử xã tư cũng chuyển thăng làm xã quan, để tỏ cách khuyển khích.


Nếu trên nha môn có việc quan sai khiến sự gì, chỉ được phép bắt xã sử và xã tư cùng với thôn trưởng đi chỉ dẫn, chứ không được trách cứ đến xã quan, để cho viên này có tư cách mà làm việc. Ai trái lịnh này, cho xã quan được tố cáo, sẽ khép vào tội trái lịnh. Ví bằng xã trưởng (tức xã quan) viên nào tham nhũng gian giảo, và làm bậy, cho phép xã dân ấy tố cáo đến huyện quan; một khi xét có sự thực, việc nhẹ thì bắt phạt, việc nặng thì bắt tội phải sung quân. Khi ấy lại bầu xã trưởng khác, để tiện tiếp tục công việc, làm tiện lợi cho dân xã. Nếu huyện quan khảo khóa mất sự thực, cũng bị tội biếm chức hay bãi chức. [9]


Tóm lại, ông xã nghĩa gốc là cách xưng hô quan xã (tức xã quan, hoặc xã trưởng). Tùy độ tuổi và cả độ thân mật, người ta vẫn có thể gọi ông xãbác xã, cụ xã, thầy xã, thậm chí là ... thằng xã!
 

Trong Thông loại khóa trình xuất bản năm 1888, Trương Vĩnh Ký ghi lại bài vè Ăn vỏ quít có nhắc tới ông xã:

Xu xa xu xít
Bán quít chợ đông
Bán hồng chợ vẽ
Bán ba thằng bé
Bán mẹ thằng cô
Bán cô thằng lào
Bán thuốc cho tao
Ba đồng một điếu
Ông xã bắt thiếu
Một đồng tiền trinh
Thằng Ngô nóng mình
Trắng răng như Sở. [10]


Việc gọi ông xã thành cách xưng hô thân mật với chồng có lẽ là từ chuyện các bà vợ muốn tôn ông chồng của mình lên trong mắt của mình và cả trong mắt của người khác, bởi dù gì ông xã vẫn là người có chức vị cao hơn người dân thường trong xã hội thời trước. Vì vậy, mỗi khi nhắc đến ông xã trong các cuộc nói chuyện với người khác, thông thường các bà các chị đều nói một cách tự hào là "ông xã nhà em", "ông xã nhà chị", "ông xã nhà tôi", ...  



Bà xã là gì?


Từ điển tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên) giảng bà xã là khẩu ngữ dùng để gọi đùa và thân mật người vợ. [11] Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng ghi nhận bà xã là từ lóng để gọi vợ nhà. [12]

Tuy nhiên, xét về nguồn gốc thì bà xã cũng là người có vai vế hẳn hoi trong xã hội thời trước, đơn giản vì bà là vợ của ông xã trưởng. Điều này cũng tương tự như bà lý vốn là cách gọi vợ của ông lý trưởng thời trước. Hoặc như người ta vẫn gọi vợ của đương kim Tổng thống một quốc gia là đệ nhất phu nhân vậy. Mặc dù bà xã, bà lý hay đệ nhất phu nhân, v.v. đều không phải là một chức danh được dân bầu và không có nhiệm vụ chính thức nào cả nhưng vẫn là người có địa vị trong xã hội nhờ ... chồng của mình.


Về sau, giống như trường hợp phái sinh của ông xã thì bà xã cũng trở thành cách gọi vợ thân mật của các ông chồng như cách hiểu hiện nay. 


Chú thích


[1]
. Tư Mã Thiên, dịch giả Phan Ngọc. (1988). Sử ký. Hà Nội: NXB Văn Học. Tr.138.

[2].
 Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. NXB Văn Hóa Thông Tin. Tr. 535.


[3], [7]. Huình-Tịnh Paulus Của. (1896). Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tome 2. Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Tr. 1184.


[4].
 Huình-Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tome 2, Sđd, tr. 792.


[5]. Alexandre de Rhodes. (1651). Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum . Rome: Thánh bộ Truyền bá Đức Tin. Tr.880.


[6], [12]. Lê Văn Đức, hiệu đính Lê Ngọc Trụ. (1970). Việt Nam tự điển. Sài Gòn: NXB Khai Trí. Tr.1813.


[8]. Trần Trọng Kim. (1943). Việt Nam sử lược. quyển 1. Hà Nội: NXB Lê Thắng. Tr.137.


[9]Nguyễn Sĩ Giáp phiên dịch, Vũ Văn Mẫu đề tựa. (1961). Lê Triều chiếu lịnh thiện chính. Sài Gòn: NXB Bình Minh. Tr.141.


[10]. Trương Vĩnh Ký. (1888). Thông loại khóa trình, số 5. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale Rey & Curiol. Tr.9.


[11]. Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên. (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. Tr.23

 

 

Thư mục


• An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây, tập 1. NXB Trẻ.

• 
Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. NXB Văn Hóa Thông Tin. 

• Huình-Tịnh Paulus Của. (1896). Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tome 2. Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie.

• Lê Văn Đức, hiệu đính Lê Ngọc Trụ. (1970). Việt Nam tự điển. Sài Gòn: NXB Khai Trí. 

• Nguyễn Sĩ Giáp phiên dịch, Vũ Văn Mẫu đề tựa. (1961). Lê Triều chiếu lịnh thiện chính. Sài Gòn: NXB Bình Minh.

 Trần Trọng Kim. (1943). Việt Nam sử lược. quyển 1. Hà Nội: NXB Lê Thắng.

 Trương Vĩnh Ký. (1888). Thông loại khóa trình. Sài Gòn: Imprimerie Commerciale Rey & Curiol.

• Alexandre de Rhodes. (1651). Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum. Rome: Thánh bộ Truyền bá Đức Tin.

• Tư Mã Thiên, dịch giả Phan Ngọc. (1988). Sử ký. Hà Nội: NXB Văn Học.

• Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên. (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.




Sách hay về phong tục Việt Nam


Đất lề quê thói - Nhất ThanhĐất lề quê thói
Mua sách  
Tải sách


Việt Nam phong tục - Phan Kế BínhViệt Nam phong tục
Mua sách  
Tải sách


Phong tục đất phương NamPhong tục đất phương Nam
NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019
Mua sách   


Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nayLễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay
NXB Hồng Đức, 2023
Mua sách  


 
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)