Nhàn cư vi bất thiện là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 18/02/2023

Nhàn cư vi bất thiện là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện nghĩa là kẻ tiểu nhân hễ mà ở không, nhàn rỗi quá sẽ sinh hư hỏng và hay làm những điều xằng bậy. 


Xuất xứ của câu nhàn cư vi bất thiện là ở mục Thành Ý thuộc chương Đại học (大學)(1) trong sách Lễ Ký (禮記)(2).

Nguyên văn đầy đủ là:

"Tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện, vô sở bất chí, kiến quân tử nhi hậu yếm nhiên, yểm kỳ bất thiện, nhi trước kỳ thiện. Nhân chi thị kỷ, như kiến kỳ phế can nhiên, tắc hà ích hĩ! Thử vị thành ư trung, hình ư ngoại, cố quân tử tất thận kỳ độc dã".

小人閒居為不善, 無所不至, 見君子而後厭然, 掩其不善, 而著其善。人之視己, 如見其肺肝然, 則何益矣!此謂誠於中, 形於外, 故君子必慎其獨也.


Dịch nghĩa: 

Hạng người tiểu nhân ăn không ngồi rồi thường làm chuyện xằng bậy, việc xấu gì cũng làm được. Nhưng khi thấy người quân tử thì thì núp núp ló ló, lấm lét lẩn tránh, cố che giấu điều xấu xa đồng thời tìm cách phô trương cái hay, cái tốt. mà cố trưng bày điều tốt. Nhưng kỳ thực, lúc người ta nhìn mình, thì cũng biết được vì như nhìn thấu rõ tim gan, thử hỏi, che giấu như vậy liệu có ích gì? Đó gọi là sự thật ở bên trong tất thể hiện ra bên ngoài, cho dù muốn che đậy đi nữa cũng không thể vậy. Cho nên người quân tử khi chỉ có một mình, nhất định phải hết sức cẩn thận ý tứ.

 
Nhàn cư vi bất thiện
Kẻ tiểu nhân hễ mà ở không, nhàn rỗi quá sẽ sinh hư hỏng. Ảnh: sggp.org.vn

Cùng phân tích từng từ cụ thể trong câu Tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện 小人閒居為不善:

Tiểu nhân 小人: dùng để chỉ người có nhân cách tầm thường, không chiếu cố đến lợi ích của người khác. Như Khổng Tử (孔子) có nói trong Luận Ngữ (論語): "Tử vị Tử Hạ viết: Nhữ vi quân tử nho, vô vi tiểu nhân nho" (子謂子夏曰: 女為君子儒, 無為小人儒 - Tạm dịch: Khổng Tử bảo Tử Hạ rằng: Ngươi hãy làm nhà nho quân tử, đừng làm nhà nho tiểu nhân).

Nhàn 閒: Đây là chữ nhàn chính thể 閒 gồm chữ Môn (門– cánh cửa) và chữ Nguyệt (月- vầng trăng). Khi con người nhàn rỗi thì có thể ngắm trăng, giao hòa với thiên nhiên. Tuy nhiên, chữ nhàn trong câu tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện là chữ nhàn giản thể 闲 gồm chữ Môn (門; 门) và chữ Mộc (木). Con người giống như một khúc gỗ cài trên nóc cửa. Đa số mọi người không thể chịu nổi cảnh nhàn nhã, đặc biệt là tư tưởng. Nếu khi nhàn nhã không tựa cửa ngắm trăng, thưởng thức và kết nối với mẹ tự nhiên luôn dưỡng dục con người thì họ sẽ nghĩ tới những chuyện khác, thậm chí là những chuyện bất hảo. Người như vậy ắt sẽ nông nổi, không có phép tắc, không có quy củ, lời nói và hành vi cũng khó làm được hợp tình hợp lý.

 居: Chữ Cư vốn có nghĩa là nơi ở, nơi cư trú. Đây là một chữ Hình thanh điển hình, gồm bộ Thi 尸 biểu nghĩa và Cổ 古 là thành phần biểu thị âm đọc. Tuy nhiên, trong câu Nhàn cư vi bất thiện thì cư kết hợp với từ trước đó (nhàn 闲) tạo thành nhàn cư 居 nghĩa là ở không, không có việc gì làm.

Vi 為: Chữ Vi vốn có nghĩa gốc là làm. Ở thể Giáp Cốt, vi 為 miêu tả hình bàn tay người đang điều khiển con voi bắt nó làm việc cho con người. Ngoài ra, chữ Vi 為 còn thường dùng làm liên từ, trợ từ mang một ngữ nghĩa khác nhau tùy theo mỗi chức năng ngữ pháp đảm nhận. Như trong nhàn cư vi bất thiện thì vi nghĩa là gây nên, dẫn tới. 

Bất 不: có nghĩa là không
 
Thiện 善: có nghĩa là thiện lành, lương thiện, tốt, khéo. Chữ thiện 善 trong giáp cốt văn là sự hội hợp của hai bộ thủ Dương 羊(con dê) và mục 目(mắt), biểu thị ý nghĩa nhìn thấy điều tốt đẹp.

Khi thấy một số người (nhất là thanh niên) không có việc gì làm, rảnh rỗi tán hươu tán vượn, lại hay kháo nhau những điều có vẻ mờ ám, nhiều người sẽ bảo bọn người đó là những kẻ nhàn cư vi bất thiện.
 
Trong công việc, có một phương châm rất hay mà một người quản lý thường truyền đạt tới nhân viên của mình là “Keep busy”, nghĩa là luôn giữ mình bận rộn, bởi thực tế, trừ những người thực sự lười biếng, còn lại, người nào trong công việc mà không có việc gì làm sẽ dễ sinh tâm lý chán nản hay còn gọi là sức ỳ tâm lý khiến công việc không thể nào trôi chảy được.

Nhàn cư vi bất thiện trong tiếng Anh là Idle hands are the devil's tools.

Chú thích

(1) Đại học được xem là một trong bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, gồm Đại Học (大學), Trung Dung (中庸), Luận Ngữ (論語 ) và Mạnh Tử (孟子). Đại Học ở đây có nghĩa là học vấn uyên bác, tinh sâu. Đại học có 11 chương với tư tưởng xuyên suốt là "Trị quốc bình thiên hạ" đề ra cương lĩnh Tam cương (Minh Minh Đức, Tân Dân, Chỉ Ư Chí Thiện) và Bát mục (Cách vật, Trí tri, Thành Ý, Chính Tâm, Tu Thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ). Chương Đại Học trong Lễ Ký tương truyền do Tăng Tử (tức Tăng Sâm - học trò của Khổng Tử) chép lại.

(2) Lễ Ký (hay còn gọi là Kinh Lễ) là một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử tương truyền do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến Quốc viết, ghi chép các lễ nghi thời trước. Lễ ký cùng với Chu Lễ (sách ghi chép về chế độ quan lại cùng những tập tục lễ nghi của đời Chu) và Nghi Lễ (sách ghi chép các loại lễ nghi trước thời Tần, trong đó chủ yếu ghi chép lễ nghi của sĩ đại phu) được gọi chung là Tam lễ.

Tài liệu tham khảo

1.Nhữ Nguyên (biên soạn), Lễ Ký (Kinh điển về việc Lễ), hiệu đính: Trần Kiết Hùng, NXB Đồng Nai, 1996

Sách hay dành cho bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc  
 

• Thành ngữ Trung Việt thông dụng không những giúp bạn đọc hiểu thêm những thành ngữ Trung Hoa mà còn là một cách học để nhớ lâu và nhanh nhất tiếng Hoa. 

• Đặc điểm văn hóa Trung Quốc qua tranh sơn thủy  
khảo cứu một cách có hệ thống và chuyên sâu về các đặc điểm văn hóa Trung Quốc được biểu hiện qua tranh sơn thủy truyền thống, với chủ thể văn hóa là dân tộc Hán, trong không gian xã hội Trung Quốc, trục thời gian (chủ đạo là giai đoạn cổ – trung đại) kéo dài từ lúc tranh sơn thủy được hình thành đến cuối thời Thanh (1911). 

• Cẩm nang du lịch Trung Quốc  sẽ giúp bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong chuyến du lịch Trung Quốc với hàng loạt những thông tin thiết thực và gợi ý hữu ích từ các chuyên gia.

Bình luận (0)