Nguồn gốc địa danh Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết
Quang Nguyễn
Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết thường được gọi chung là Tam Phan - dùng để chỉ vùng đất thuộc Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay. Những địa danh này từ lâu đã nổi tiếng có nhiều cá ngon với câu ngạn ngữ "cơm Nai - Rịa, cá Rí - Rang" được Trịnh Hoài Đức trích dẫn trong Gia Định Thành Thông Chí viết vào thế kỷ XIX.
Tháp Chàm PoKlong Garai – Ảnh: Jamen Ivan
Tại sao gọi là Phan Rang?
Từ thế kỷ XV, vùng đất Phan Rang Ninh Thuận ngày nay được các sách cổ và bản đồ cổ ghi bằng nhiều tên gọi khác nhau như Bang Đô Lang, Bang Đồ Long, Phan Lung, Phan Lang, Man Rang, Ran Ran, v.v..
Có ít nhất hai ý kiến khác nhau giải thích về nguồn gốc địa danh Phan Rang:
1. Địa danh Phan Rang xuất xứ từ tên gọi của một tiểu quốc Champa tồn tại từ năm 857 có tên là Panduranga
Panduranga (Phạn ngữ: पाण्डुराग) [1] là tiểu quốc cuối cùng của vương quốc Champa (Phạn ngữ: चम्पा) trước khi chính thức sáp nhập vào Việt Nam năm 1832 thời vua Minh Mạng khi vị vua nhà Nguyễn này tiến hành thống nhất hành chính toàn cõi Đại Nam (tên gọi của Việt Nam lúc bấy giờ), trong đó có việc xóa hẳn quy chế tự trị của tiểu quốc Champa này.
Theo các nhà nghiên cứu, dân tộc Champa buổi đầu gồm hai bộ lạc là bộ lạc Cau (Phạn ngữ trong bi ký là Kramuka Vams’a) cư trú trên địa bàn từ Phú Yên đến Bình Thuận (tức phía nam đèo Cù Mông trở vào) và bộ lạc Dừa (Narikela Vams’a) cư trú trên địa bàn từ Bình Định đến Quảng Nam (tức từ phía bắc đèo Cù Mông trở ra).
Nếu căn cứ theo kiến giải trên thì tiểu quốc Nam Chăm mang tên Panduranga là của dân tộc Cau và hiện nay trở thành tên của tỉnh lỵ của Ninh Thuận: thành phố Phan Rang.
Tuy nhiên, điều này cũng vấp phải sự nghi ngờ vì thực tế cương vực của tiểu quốc Panduranga khá rộng, ít nhất là bao gồm cả Bình Thuận, Ninh Thuận và một phần của Đồng Nai hiện nay chứ không chỉ giới hạn một khu vực thuộc thành phố Phan Rang ngày nay.
Bản đồ vương quốc cổ Champa với 5 tiểu quốc
2. Địa danh Phan Rang là biến dạng của Panrang
Panrang cũng viết là Pandurangga, Pandarang, Phun Darang, Phrang darang vốn là từ địa phương viết theo tiếng Chăm hiện đại (akhar thrah) để chỉ xứ Phan Rang ngày nay.
Tại sao gọi là Phan Rí?
Phan Rí là phiên âm của danh từ Chăm Parik trước đây dùng để chỉ một vùng đất nằm giữa Kraong (tức sông Lòng Sông thuộc địa bàn huyện Tuy Phong ngày nay) và Pajai (tức Phú Hài thuộc địa bàn thành phố Phan Thiết hiện nay).
Thời vương quốc cổ Champa còn tồn tại, Phan Rí từng là một trong 4 vùng hành chính của tiểu quốc Champa Panduranga (gồm Panrang – Kraong – Parik – Pajai ).
Ngày nay, chỉ còn 2 địa danh mang tên Phan Rí là Phan Rí Cửa (một thị trấn thuộc huyện Tuy Phong - Bình Thuận), Phan Rí Thành (một xã thuộc huyện Bắc Bình - Bình Thuận).
Tại sao gọi là Phan Thiết?
Phan Thiết hiện là tỉnh lỵ của Bình Thuận. Có ít nhất hai ý kiến khác nhau giải thích về nguồn gốc tên gọi địa danh này:
1. Phan Thiết là sự biến dạng của từ Chăm Hamu Lithít (tức "xóm ruộng ở gần biển")
Hamu nghĩa là "xóm ruộng", còn Lithít nghĩa là "ở gần biển". Người Chăm thường gọi tắt là Mu Thit, nên trước đây được phiên âm là Man Thiết hoặc Mang-thit (thời Pháp thuộc) trước khi trở thành Phan Thiết của ngày hôm nay.
2. Phan Thiết là tên của hoàng tử Po Thit
Hoàng tử Po Thit là em của công chúa Po Sah Inư và là con của vua Chăm Par Ra Chanh, tức Trà Chanh) đóng đồn trấn ngữ vùng đất này vào thế kỷ XIV được người Việt đọc trại ra mà thành Phan Thiết. Po tiếng Chăm trong Po Thit có nghĩa là "hoàng tử".
Chú thích
[1] Có ý kiến cho rằng Panduranga lẽ ra phải viết là Pangdurangga mới thể hiện đúng theo lối chuyển tự akhar thrah (2 pauh ngưk). Nhưng bởi kĩ thuật máy chữ, nhiều người viết đã bỏ N-có-dấu-nặng-trên thành N-không-gì-cả, riết rồi thành quen [Xem thêm: Tiếng Chăm của bạn số 07: Sai và đúng]
Thư mục
• Nguyễn Đình Tư. (1974). Non nước Ninh Thuận Phan Rang. Sài Gòn: NXB Sống Mới
• Gerard Moussay. (1971). Từ điển Chàm Việt Pháp. Phan Rang: Trung tâm văn hóa Chàm.
• Bùi Khánh Thế chủ biên. (1995). Từ điển Chăm Việt. NXB Khoa Học Xã Hội.
• Inrasara. (2003). Tự học tiếng Chăm. NXB Văn Hóa Dân Tộc.
• Inrasara.com | Chế Vỹ Tân: nguồn gốc các địa danh