Mâu thuẫn là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 25/10/2023

Mâu thuẫn là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Mâu thuẫn là danh từ dùng để chỉ tình trạng xung đột, chống chọi nhau; tình trạng trái ngược nhau, phủ định nhau về một mặt nào đó.
 

Mâu thuẫn là gì
Mâu thuẫn bắt nguồn từ câu chuyện vừa bán mâu vừa bán thuẫn trong sách Hàn Phi Tử. Ảnh: Tistory

 
Về từ nguyên, mâu thuẫn là phiên âm Hán Việt của chữ 矛盾 (đọc là máo dùn). Từ mâu thuẫn vốn bắt nguồn từ câu chuyện thứ 2 trong thiên 36 của sách Hàn Phi Tử do Hàn Phi (280 - 233 TCN) - học giả nổi tiếng cuối thời Chiến Quốc ở Trung Quốc, chép lại.

Nguyên văn câu chuyện như sau:

"Những người cày ruộng ở Lịch Sơn giành bò ruộng nhau. Thuấn [1] đến đó cày. Được một năm thì những người cày nhường bờ ruộng. Những người đánh cá ở ba sông Hoàng Hà tranh nhau về bãi. Thuấn đến đấy đánh cá. Được một năm, họ nhường cho người lớn tuổi. Những người làm đồ gốm ở Đông Di làm đồ dùng xấu. Thuấn đến làm đồ gốm. Được một năm thì đồ gốm chắc.

Trọng Ni [tức Khổng Tử] than: "Cày ruộng, đánh cá, làm đồ gốm đều không phải là chức quan của Thuấn. Nhưng Thuấn đến làm là để sửa cái hư hỏng. Thuấn quả là người có nhân thay! Tự mình ở vào nơi khó nhọc mà dân theo ông ta. Cho nên nói: "Thánh nhân lấy đức để cảm hoá vậy".

Có người hỏi nhà nho: "Trong lúc đó thì Nghiêu [2] ở đâu?". Người kia đáp: "Nghiêu làm thiên tử". Nhưng như vậy tại sao Trọng Ni lại cho Nghiêu là thánh? Bậc thánh nhân xét đoán sáng suốt ở trên, để khiến cho thiên hạ không có điều gian dối. Nay những người cày, những người đánh cá không tranh giành, những người làm đồ gốm không làm đồ xấu, Thuấn có đức gì mà cảm hoá họ? Thuấn mà sửa chữa cái hư hỏng thì đó là Nghiêu có chỗ kế. Cho Thuấn là hiền thì phải gạt bỏ cái sáng suốt của Nghiêu, cho Nghiêu là thánh thì phải gạt bỏ sự cảm hoá bằng đức của Thuấn. Không thể giữ cả hai điều đó được.

Có người nước Sở bán thuẫn và mâu. Anh ta khoe cái thuẫn (cái khiên): "Cái thuẫn của tôi chắc, không có vật gì đâm nó thủng được". Anh ta lại khoe cái mâu (cái giáo): "Cái mâu của tôi sắc, đâm cái gì cũng thủng". Có người hỏi: "Nếu lấy cái mâu của anh mà đâm cái thuẫn của anh thì như thế nào?". Người kia không có cách gì trả lời [3].

Nói chung, cái thuẫn không có cái gì có thể đâm thủng với cái mâu đâm cái gì cũng thủng không thể cùng đứng trong đời được. Nay Nghiêu và Thuấn không thể khen cả hai người được. Đó là loại chuyện như mâu với thuẫn vậy.

Vả lại, Thuấn sửa chữa điều hư hỏng, phải một năm mới chữa được một điều hư hỏng, phải ba năm mới chữa được ba điều hư hỏng. Sức Thuấn có hạn, tuổi thọ của Thuấn có hạn. Nhưng điều hư hỏng trong thiên hạ không bao giờ hết. Lấy cái hữu hạn để đuổi theo cái vô hạn, thì những điều sửa chữa được thực ít vậy. Việc thưởng phạt là cái khiến cho thiên hạ phải làm theo.

Lệnh ban ra nói: "Người nào làm đúng phép thì thưởng, không đúng thì phạt". Lệnh đến buổi sáng thì buổi chiều sẽ thay đổi. Trong mười ngày là trong bốn biển đều xong hết, cần gì phải chờ đợi đến trọn năm? Thuấn không biết lấy điều đó nói với Nghiêu để Nghiêu theo mình, lại tự mình làm chẳng phải là không có cái thuật trị nước đó sao? Vả lại, lấy thân mình làm điều khổ cực để sau đó giáo hoá nhân dân là điều Nghiêu và Thuấn làm còn khó thay. Còn dựa vào cái thế để sửa chữa kẻ dưới thì một vị vua tầm thường cũng làm được dễ dàng. Muốn cai trị thiên hạ, mà lại bỏ cái điều một ông vua tầm thường cũng cho là dễ làm, để nói cái mà Nghiêu và Thuấn đều cho là khó thì chưa có thể gọi là làm chính trị được".

Từ mâu thuẫn chính là bắt nguồn từ câu chuyện trên.
 
Trong triết học Mác - Lênin, quy luật mâu thuẫn (tức Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập) là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật và là quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật, là hạt nhân của phép biện chứng.

Chú thích

[1]Đế Thuấn (帝舜), cũng gọi Ngu Thuấn (虞舜), là một vị vua huyền thoại thời Trung Quốc cổ đại, nằm trong Ngũ Đế. Ông được Đế Nghiêu nhượng vị trở thành vua Trung Hoa, được khắc họa qua sự tích Thiện nhượng (禪讓) đầu tiên trong lịch sử. Cùng với các Đế Nghiêu và Đại Vũ, Đế Thuấn được Nho giáo coi là một trong 
những vị Quân vương kiểu mẫu, và là những tấm gương đạo đức trong văn hóa Trung Hoa.

[2]Đế Nghiêu (帝堯), cũng gọi là Đường Nghiêu (唐堯), là một vị vua huyền thoại của Trung Quốc thời cổ đại, một trong Ngũ Đế. Ông là người nhường ngôi cho Đế Thuấn. Trong thư tịch cổ, Đế Nghiêu thường được ca tụng là một vị vua tài giỏi và đạo đức, lòng nhân từ và sự cần cù của ông được coi là kiểu mẫu cho mọi bậc Đế vương khác của Trung Quốc.

[3]. Nguyên văn của đoạn này như sau:

Sở nhân hữu dục thuẫn dữ mâu giả, dự chi viết: “Ngô thuẫn chi kiên, vật mạc năng hãm dã”. Hựu dự kỳ mâu viết: “Ngô mâu chi lợi, ư vật vô bất hãm dã”. Hoặc viết: “Dĩ tử chi mâu, hãm tử chi thuẫn, hà như?” Kỳ nhân phất năng ứng dã. (楚人有鬻盾與矛者,譽之曰吾盾之堅 物莫能陷也 又譽其矛曰吾矛之利 於物無不陷也 或曰以子之矛,陷子之盾,何如 其人弗能應也 ). 


Thư mục

1 Hàn Phi, dịch giả Phan Ngọc. (2017). Hàn Phi Tử. NXB Văn Học.

Bình luận (0)