Đầu cua tai nheo là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 25/08/2023

Đầu cua tai nheo là gì?

AtaBook.com - Truyền bá tri thức.

Đầu cua tai nheo nghĩa là đầu đuôi sự việc, mọi thứ, mọi chi tiết ngóc ngách (của sự việc, câu chuyện) hoặc chỉ những chuyện chắp vá, không đâu vào đâu.
 

Trong tiếng Việt, đầu cua tai nheo là thành ngữ được nhiều từ điển định nghĩa không đồng nhất. Chẳng hạn, trong khi Từ Điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng là "chỉ những chuyện chắp nhặt, không đâu vào đâu[1] thì Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên lại giảng là "đầu đuôi sự việc". [2]

Ngoài ra, nhóm tác giả Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam ghép đầu cua tai nheo đồng nghĩa với đầu cua tai đỉa, đầu cua tai ếch và giảng là "đầu đuôi sự việc với những tình tiết lộn xộn”. [3]


Tai nheo nghĩa là gì?

Theo phép đối, "đầu" sẽ đối với "đuôi" nhưng trong thành ngữ này thì "đầu" lại đối với "tai"; còn "cua" là danh từ chỉ con vật có tám chân hai càng thuộc loài giáp xác có phần đầu và ngực ẩn trong mai cứng, thông thường sẽ được đối với một danh từ chỉ con vật thì trong thành ngữ này, "cua" đối với "nheo"

"Nheo" là con cá Nheo


Trong cuốn Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, từ nheo gồm hai nghĩa sau:


1. Loài cá ở nước ngọt, không vảy, có nhớt. 

2. Díu mi mắt lại mà trông: Trông mặt trời chói, nheo mắt lại. Nheo mắt lại mà ngắm cho đúng[4]


Như vậy, nheo trong "đầu cua tai nheo" chính là con cá Nheo.

Cá Nheo là một loại cá nước ngọt có tên khoa học là Parasilurus asotus L. thuộc họ cá nheo (Siluridae) - một họ cá da trơn, không có vảy, đầu hơi bẹp, miệng rộng và có hai râu dài ở hàm trên, bốn râu ngắn ở hàm dưới, vây lưng nhỏ còn vây hậu môn thì dài. 

Cá Nheo
Cá Nheo (Parasilurus asotus L.) - một loại cá nước ngọt, da trơn

Loài cá này còn được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là niềm ngư hay di ngư, gồm các bộ phận như thịt, mắt, gan, đuôi và nước dãi cá. [5]

"Tai" trong "tai nheo" nghĩa là cái mang của con cá Nheo

Tai là một từ Hán Việt bắt nguồn ở chữ ghi 鰓 [sāi] được Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng là: "mang cá, go". [6] 

Các quyển từ điển Hán Việt khác của các tác giả như Trần Văn Chánh, Nguyễn Quốc Hùng cũng đều giảng tai 鰓 có nghĩa là (cái) mang cá – tức cơ quan hô hấp của cá.

Như vậy, tai nheo trong câu thành ngữ "đầu cua tai nheo" có nghĩa là "(cái) mang (của con) cá Nheo".

Cua và cá Nheo đều là động vật sống dưới nước và đều thở bằng mang; nhưng nếu đầu (của) con cua mà đi với cái mang (của) cá nheo thì rõ ràng đầu cua tai nheo là chuyện chắp vá chẳng đâu vào đâu.
  

Bài viết này được sửa đổi và cập nhật gần đây nhất bởi Quang Nguyễn.


Chú thích

[1]. Dẫn theo: An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây, tập 1. NXB Trẻ. Tr. 40.

[2]. Viện Ngôn ngữ học. (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. Tr. 299.

[3]. Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào. (2000). Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam. NXB Văn Hóa Thông Tin. Phiên bản eBook của EbolicTr. 240.

[4]. Hội Khai Trí Tiến Đức. (1954). Việt Nam Tự Điển, in y nguyên hình thức cũ của bản năm 1931. NXB Văn Mới. Tr. 410.

[5]. Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa. Cá nheo và vị thuốc niềm ngư. Đăng ngày 24/7/2012. Truy cập ngày 10/8/2023.

[6]. Thiều Chửu. (2009). Hán Việt tự điển. NXB Văn Hóa Thông Tin. Tr. 989. 



Sách hay về Thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam

Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam - Vũ Ngọc PhanTục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam (Vũ Ngọc Phan)
NXB Văn Học, 2020
Mua sách

Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt NamTừ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nguyễn Lân)
NXB Văn Học, 2014
Mua sách

Từ điển thành ngữ tiếng ViệtTừ điển thành ngữ tiếng Việt
NXB Dân Trí, 2019
Mua sách  

 



Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời chúng tôi một tách cà phê nhé! 

Bình luận (1)