Cà chớn là gì?
Quang Nguyễn
Cà chớn bắt nguồn từ tiếng Khmer có nghĩa là không đáng tin lắm từ lời nói đến hành động.
Cà chớn nghĩa là không đáng tin lắm từ lời nói đến hành động. Ảnh: Slideshare
Về từ nguyên, cà chớn trong tiếng Việt là đọc trại từ tiếng Khmer ខ្ជិល (kchel / kchưl / kchol) có nghĩa gốc là "lười biếng, vụng về, không biết xoay xở".
Ban đầu người Việt phát âm là cà chon, dần dần thành cà chớn; đồng thời hiểu theo nghĩa phái sinh là "thiếu đứng đắng, thiếu thật thà, không đáng tin".
Cà chớn hay cà trớn?
Viết đúng phải là cà chớn!
Trong Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Huỳnh Công Tín giảng cà chớn gồm 3 nghĩa:
1. Đùa nghịch, giỡn cợt không đúng chỗ đúng lúc. "Chỗ hội họp mà ăn nói, phát biểu cà chớn kiểu đó, sao mà chấp nhận được."
2. Không nghiêm túc, thiếu đứng đắn. "Mày lớn đầu mà còn cà chớn vậy, làm sao mà làm gương cho mấy đứa nhỏ được"
3. Tiếng chửi rủa ai đó. "Cà chớn, đi chỗ khác, tao không muốn thấy mặt mày". [1]
Vì cà chớn có nguồn gốc từ tiếng Khmer nên chỉ có dân Đàng Trong (tức phía Nam) thời chúa Nguyễn biết từ này, còn người Đàng Ngoài của chúa Trịnh thì tuyệt nhiên không biết. Kể cả đến ngày nay, người miền Trung và người miền Nam nào cũng có thể hiểu cà chớn là gì nhưng không phải người miền Bắc nào cũng biết!
Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) không đưa từ cà chớn vào sách mà chỉ ghi nhận cà trớn với cái nghĩa: "quá đà, không nghiêm túc. Ăn nói cà trớn". [2] Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc các nhà biên soạn đưa cà trớn vào từ điển này là không chính xác.
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, cà chớn là phương ngữ Nam Bộ được đọc trại từ tiếng Khmer ខ្ជិល với phiên âm là kchel / kchưl / kchol, tức là sau k- (cà) là ch- (el/ ưl/ ol) chứ không phải là tr- để có thể đọc thành trớn được, mà đọc đúng phải là chớn.
Cà chớn cũng đồng nghĩa với ba trợn. Nói ai đó cà chớn là có ý chê nhưng cũng không có nghĩa là hoàn toàn xấu. Chẳng hạn, "hẹn hò gì mà tới giờ này nó vẫn chưa đến, đúng là đồ cà chớn", hay “chiếc xe hôm nay cà chớn thiệt, đạp hoài không nổ ”. Đôi khi cũng có thể nặng hơn, chẳng hạn: "thằng này có ăn có học mà nói chuyện cà chớn cà cháo quá vậy?"
Dù sao thì cà chớn cũng mang ý nghĩa nhẹ hơn so với cà lơ là khẩu ngữ dùng để chỉ những cử chỉ, hành vi không đứng đắn của kẻ du đãng và lêu lổng. [3]
Chú thích
[1]. Huỳnh Công Tín. (2007). Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB Khoa Học Xã Hội. Tr. 231, 232.
[2]. Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên. (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. Tr. 98.
[3]. Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt, Sđd, tr. 97.
Thư mục
• Ngô Chân Lý. (2012). Tự học chữ Khmer. NXB Thông Tấn.
• Kim Sơn, Ngọc Thạch, Trần The. (2011). Từ vựng Khmer - Việt. NXB Giáo Dục.
• Huỳnh Công Tín. (2007). Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB Khoa Học Xã Hội.
• Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên. (2003). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé!
|