Bự tổ chảng là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 05/11/2023

Bự tổ chảng là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Chảng là tên một nhân vật có thật ở đất Bình Định. Bự Tổ Chảng có lẽ xuất phát từ giai thoại giữa ông Chảng và vua Thái Đức nhà Tây Sơn. 

 
Ông Chảng tên thật là Đinh Văn Nhưng (có tài liệu ghi là Đinh Viết Nhưng), người ở thôn Bằng Châu [1] huyện Tuy Viễn [2], Bình Định. Còn trong cuốn Võ nhân Bình Định (NXB Trẻ, 2001), hai tác giả Quách Tấn và Quách Giao cho rằng ông Chảng là tục danh của Đinh Cường hoặc còn gọi là Đinh lão (ở) Bằng Châu, vốn là dòng dõi của Đinh Liệt (1400 - 1471) - bậc công thần khai quốc nhà Lê sơ.  

Mặc dù tính khí ngang ngạnh, không chịu luồn cúi ai nhưng ông Chảng vẫn được người dân trong vùng trọng vọng bởi sự chất phác, cương trực, thương người, giàu nghĩa khí. Ngoài ra, ông có võ nghệ cao cường và là một võ sư có tiếng. Tương truyền, ông Chảng vừa là thầy dạy võ, vừa nhận Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) làm con nuôi.

Lúc ba anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, chính ông Chảng là người đã "đem hiến cả bầy ngựa đông đến ba bốn trăm con[3] cho nghĩa quân. Đến khi Nguyễn Nhạc xưng vương tại thành Hoàng đế (năm 1778), nhà vua đã cho rước ông vào triều để phong tước nhưng ông từ chối. Sau, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc phải thân hành đến nhà viếng và được ông Chảng đón tiếp thân mật, đơn giản như đón người thân.

Trong lúc trò chuyện, khi vua Thái Đức nhắc đến ý định phong cho ông Chảng chức
Điện tiền đại đô đốc tả thân vệ úy, tước Sanh Sơn bá thì ông bảo: - "Việc ông ban tước cho tôi, tôi thấy hơi nghịchÔng làm vua là vua với thiên hạ, chớ đối với tôi, ông vẫn thuộc hàng con cháu. Con cháu mà ban chức tước cho ông, cha thì không thuận rồi. Nếu ông muốn thì tôi sẽ theo, nhưng chi bằng để tôi phê rồi ông lục thì hơn".

Nhà vua chiều theo ý ông Chảng. Ông bèn cầm bút viết 4 câu chữ Nôm, được phiên âm như sau:

Bùng Binh chi tướng
Uýnh cướng chi quan
Bộn bàng chi chức
Chảng Chảng ngang thiên.


Nghĩa là: Tướng lớn, Quan to khiến người được phong mừng quýnh lên; Chức nhiều, Chảng ngang hàng với trời. [4] Theo ý này, ông Chảng không có chức tước gì cụ thể, nhưng chức gì cũng có, từ tướng tới quan và đó là chức ... ngang thiên, tức là ngang với ông trời, quyền trên cả vua, vì vua mới chỉ là "con trời" (thiên tử) mà thôi!

Thực ra, ông Chảng có tự phong mình chức gì thì cũng chẳng sao, bởi vua Thái Đức quá hiểu tính của ông. Do đó, nhà vua đã lục để ông Chảng toại nguyện. 


Nếu có dịp tham quan Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định), bạn sẽ bắt gặp một bức tranh tái hiện lại cảnh ông Chảng vào thành Hoàng đế  viếng thăm vua Thái Đức. Ông ngồi trên một cái ghế thang có bốn người khiêng, hai bên có vài chục thợ cày, người cầm cào cỏ, cuốc, chỉa, xuổng... là những dụng cụ làm nông thay cho cờ, biển hèo, tua, và hai bên ghế ngồi che hai cây dù tát nước lợp bằng lá nón để thay thế lọng che. Phía sau, phía trước lại có hai đoàn người ăn mặc quần áo nông dân vừa đi vừa thổi kèn, đánh trống bằng miệng tưng bừng rộn rịp, mọi người kéo ra xem rất đông, vui như hội.

Tranh ông Chảng ở bảo tàng Quang Trung
Tranh tái hiện cảnh ông Chảng vào thăm vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Ảnh: Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn)

Sau khi nhà Tây Sơn mất, ông Chảng đổi từ họ Đinh sang họ Đào để tránh sự truy sát của nhà Nguyễn. Hiện nay, con cháu của ông Chảng vẫn sinh sống ở khu vực thị xã An Nhơn (Bình Định). Ở vùng đất này, nhiều người vẫn còn nhắc đến thành ngữ ngang như ông Chảng, ông Chảng ngang thiên hoặc Bùng Binh đại tướng quân và nhiều giai thoại về nhân vật này.

Như vậy, sở dĩ tổ chảng gắn liền với sự to bự, là bởi vị trí của ông Chảng có một không hai: Ông không phải là quan lớn mà chỉ là một người nông dân nhưng lại có quyền ngang thiên, tức quyền trên cả vua. Vậy há vị trí của ông chẳng phải bự tổ chảng hay sao?

Có lẽ hai tiếng tổ chảng về sau đã theo những người dân từ miền Trung vào tới đất Nam Bộ và trở thành một trong những phương ngữ đặc trưng của vùng đất này chăng?

Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín (NXB Khoa Học Xã Hội, 2007) giảng tổ chảng  nghĩa là to đùng, to tướng, to quá mức bình thường. "Nhà có mấy người mà nấu chi nồi cơm tổ chảng như vậy con" (tr. 1185). Còn bự chảng là to, lớn hơn hết. "Một chục xoài chỉ có ba trái này là bự chảng, còn mấy trái kia chỉ nhỏ nhỏ thôi, bớt đi chị ơi" [5]

Trong phương ngữ Nam Bộ, có khá nhiều từ đồng nghĩa với tổ chảng, bự chảng như chà bá lửa, tổ bà ("Cái bánh tổ bà vậy, ăn làm sao cho hết, chia bớt cho chị đi con"), tổ cha / tổ mẹ ("Con sông tổ cha / tổ mẹ, ai mà lội qua cho nổi"), tổ nái ("Cái phà tổ nái này chở cầu mấy chục chiếc xe đó mà"), bự cồ ("Chị Ba mần con gà bự cồ này mà có ba người ăn, làm sao mà hết được"), v.v..


Chú thích:

[1]. Nay thuộc phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

[2]. Tuy Viễn là một huyện cũ thuộc Đại Việt, được thành lập vào năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông đánh chiếm vùng Đồ Bàn của Chiêm Thành và chia vùng này thành 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn thuộc phủ Hoài Nhơn. Năm 1832, vua Minh Mạng nhà Nguyễn tách Tuy Viễn thành hai huyện là Tuy Viễn và Tuy Phước thuộc phủ An Nhơn. Quy chiếu địa danh xưa và nay, huyện Tuy Viễn trước kia gồm các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn ngày nay.

[3]. Theo Võ nhân Bình Định, sách đã dẫn.

[4]. Bản dịch của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quí Địch.

[5]. Huỳnh Công Tín. (2007). Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB Khoa Học xã Hội. Tr. 221.



Tài liệu tham khảo

• Nguyễn Đình Đầu. (2002). Địa chí Bình Định, tập Địa bạ và Phép quân điền. Quy Nhơn: Sở Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường tỉnh Bình Định.

• Quách Tấn, Quách Giao. (2001). Võ nhân Bình Định. NXB Trẻ.

• Huỳnh Công Tín. (2007). Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB Khoa Học xã Hội.

 
Bình luận (0)