Bê đê (pê đê) là gì?
Quang Nguyễn
Pê đê (bê đê) là từ mượn của tiếng Pháp pédéraste dùng để chỉ người đồng tính nam với hàm ý miệt thị.
Pê đê (bê đê) trong tiếng Việt là từ mang hàm ý miệt thị những người đồng tính luyến ái nam. Ảnh: Aly Song/ Reuters
Trong tiếng Việt, những từ lóng đồng nghĩa với pê đê (bê đê) mang tính kỳ thị, xúc phạm người đồng tính luyến ái nam có thể kể như bóng, lại cái, xăng pha nhớt, v.v..
Ngoài ra, một số người do không phân biệt được hoặc không hiểu lắm về những người đồng tính nên dùng luôn từ pê đê để gọi những người đồng tính luyến ái nữ.
Tại sao gọi là bê đê (pê đê)?
Về từ nguyên, pê đê (bê đê) là một từ Việt mượn của tiếng Pháp, bắt nguồn từ chữ pédéraste, viết tắt là pédé được Từ điển Pháp Việt của Viện Ngôn ngữ học (NXB TP. Hồ Chí Minh, 2002) giảng là: "Người (đàn ông) thích có quan hệ tình dục với người trai trẻ. Đồng tính luyến ái nam". [1]
Pédéraste trong tiếng Pháp mượn từ chữ Hy Lạp cổ paiderastếs (nguyên ngữ: παιδεραστής); trong đó, pais (παιδ) có nghĩa là "con trai", "cậu thiếu niên", còn erastếs (εραστής) có nghĩa là "người ham thích", "người si mê".
Trong Dictionnaire Grec - Français (Hachette, Pháp, 1935), Anatole Bailly (1833 - 1911) định nghĩa paiderastếs là: "qui aime les jeunes garçons", nghĩa là "người (đàn ông) si mê bé trai (trẻ vị thành niên)". [2]
Từ paiderastês (παιδεραστής) ban đầu dùng để chỉ một phạm trù thuộc về đạo đức học thời Hy Lạp cổ đại xoay quanh mối quan hệ đặc biệt giữa những cậu trai trẻ ở tuổi vị thành niên với những người đàn ông trưởng thành có ham muốn tình dục đồng giới. Những cậu thiếu niên này được đối đãi giống như những ca sĩ thần tượng tuổi teen thời hiện đại, cũng được tặng quà và được săn đón nhưng là bởi những người đàn ông lớn tuổi hơn.
John Addington Symonds (1840 - 1893) trong tác phẩm A Problem in Greek Ethics in năm 1883 nói rằng các triết gia của Hy Lạp cổ đại, chẳng hạn như Plato coi những mối quan hệ đồng giới này là phương thuốc cho sự chuyên chế - nền tảng của một xã hội văn hóa và là hình thức tình yêu thuần khiết nhất; đồng thời, Symonds cũng đưa ra quan điểm như sau:
"Cái mà người Hy Lạp gọi là paiderastia, hay tình yêu con trai, là một hiện tượng của một trong những thời kỳ rực rỡ nhất của văn hóa nhân loại, ở một trong những quốc gia có tính tổ chức cao nhất và năng động nhất. Đó là đặc điểm giúp đời sống xã hội Hy Lạp được phân biệt rõ ràng nhất với đời sống xã hội của bất kỳ dân tộc nào khác tiếp cận người Hy Lạp về mặt đạo đức hoặc tinh thần". [3]
Paiderastês du nhập vào Pháp từ thế kỷ XVI qua tác phẩm La Démonomanie des sorciers xuất bản vào năm 1580 của Jean Bodin (1530-1596) - một học giả uyên bác người Pháp.
Theo thời gian, pédéraste trong tiếng Pháp đã trải qua quá trình thay đổi nhiều về mặt ngữ nghĩa. Đến thế kỷ XIX, Pierre Joseph Proudhon (1809 - 1865) - một chính trị gia người Pháp, là người đã đưa ra khái niệm pédéraste dùng để chỉ quan hệ tình dục giữa những người đàn ông.
Sau đó, pédéraste lại tiếp tục có sự biến đổi về mặt ngữ nghĩa nhưng khá hỗn loạn với nhiều cách hiểu khác nhau; thậm chí đến ngày nay, việc sử dụng từ này vẫn có thể dẫn đến hiểu lầm. Nhiều người Pháp tránh sử dụng hoặc có tâm lý e ngại sử dụng từ này khi phát ngôn vì không chắc người đối diện có hiểu như mình đang hiểu hay không!
Trong Chuyện Đông chuyện Tây, ông An Chi sau khi cho rằng pédéraste có nghĩa là "người si mê trẻ con" thì ông khẳng định cái nghĩa đích thực của pédéraste là "kẻ đàn ông hành dâm vào hậu môn của một bé trai. Nghĩa này đã cho ra nghĩa rộng thông dụng hiện nay là: kẻ loạn dâm hậu môn". [4]
Tuy nhiên, theo chúng tôi, cái nghĩa mà ông An Chi đưa ra cũng chỉ là một trong những nghĩa của từ pédéraste vốn đã và đang nhập nhằng trong tiếng Pháp hiện đại mà thôi. Trên báo Le Monde (Pháp) năm 2002, trong bài viết nhan đề Pédéraste ou pédophile, tác giả Jean Vidal cũng thắc mắc rằng đáng lẽ từ pédéraste phải được dùng để chỉ hành vi xâm hại tình dục bé trai thay vì từ pédophile (có nghĩa là "ấu dâm") như cách hiểu hiện nay, thì pédéraste lại được dùng để chỉ tình trạng đồng tính luyến ái nam. Tác giả tỏ ra ngạc nhiên rằng những độc giả của Le Monde có trình độ cao hơn mình về tiếng Hy Lạp cổ đại và về từ nguyên, lại không nêu ra sự bất thường này dẫn đến lối hiểu sai lệch đã trở thành thông dụng như hiện nay. [5]
Tại sao nên dừng lại việc dùng từ bê đê (pê đê) để gọi người đồng tính?
Theo chúng tôi, người Việt cần ngưng dùng từ pê đê để gọi những người đồng tính vì những lý do sau đây:
1. Đồng tính luyến ái không phải là bệnh mà đó là những người có xu hướng tính dục đồng giới mà thôi. [6] Vì vậy không có lý do gì lại dùng từ pê đê để làm cái cớ miệt thị họ cả.
2. Nghĩa gốc của từ pê đê trong tiếng Hy Lạp cổ vốn nói về mối quan hệ đồng giới giữa người đàn ông trưởng thành với các cậu trai trẻ ở tuổi vị thành niên, hoặc nói rộng hơn là chỉ hành vi xâm hại tình dục bé trai chứ không bao hàm được hết ý nghĩa về những người đồng tính ở tuổi trưởng thành có quan hệ tình cảm với nhau. Cho nên, sử dụng từ pê đê để chỉ những người đồng tính luyến ái nam là không đầy đủ ý nghĩa và không chính xác.
3. Ngay cả ở Pháp - quốc gia mà tiếng Việt đã mượn từ pédéraste để gọi những người đồng tính luyến ái nam, người Pháp cũng tránh hoặc hạn chế sử dụng từ này vì bản thân ngữ nghĩa của nó cũng đã biến đổi khá hỗn loạn với nhiều cách hiểu khác nhau. Vậy thì cớ gì người Việt lại cứ phải sử dụng từ mượn đó để miệt thị?
Trong những năm gần đây, với sự phát triển của cộng đồng LGBT [7], những từ mang tính kỳ thị và xúc phạm người đồng tính nam như pê đê, bóng, lại cái, bán nam bán nữ, v.v. dần dần không còn được sử dụng phổ biến như trước kia. Đây là điều đáng hoan nghênh, cho thấy xã hội ngày càng chấp nhận và đối xử những người thuộc cộng đồng LGBT như những người bình thường.
Hiện nay ở Việt Nam, từ phổ biến để gọi những người đồng tính luyến ái nam cũng là một từ mượn tiếng nước ngoài, nhưng đó là từ Gay trong tiếng Anh. Còn người đồng tính luyến ái nữ thì được gọi là Les (viết tắt của từ Lesbian trong tiếng Anh).
[6]. Từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh Tâm thần và từ năm 1994, đồng tính luyến ái không còn bị coi là bệnh, không có tên trong bảng DSM 5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần).
[7]. LGBT là tên viết tắt của 4 chữ cái đầu của cộng đồng những người gồm: Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính tuyến ái), Transgender (chuyển giới).
Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé!
|