Anh hùng là gì | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 12/03/2023

Anh hùng là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

Anh hùng có nghĩa là người tài giỏi xuất chúng, làm những việc phi thường. Anh hùng có thể là con người thật sự hoặc chỉ là nhân vật hư cấu.


Về từ nguyên, anh hùng là phiên âm Hán Việt của từ 英雄 [yīng xióng]. 

Trong Hán Việt từ điển giản yếu, Đào Duy Anh giảng: "Anh là vua của loài hoa, hùng là vua loài thú – Anh hùng là người hào kiệt xuất chúng

Lê Văn Hòe trong Tầm nguyên từ điển xuất bản tại Hà Nội năm 1942 giảng anh hùng như sau: “Anh là phần đẹp đẽ nhất trong cây cỏ tức là bông hoa, hoặc là thứ cây cỏ đẹp đẽ nhất trong loài cây cỏ, nghĩa bóng là đẹp; hùng là giống đẹp và khỏe nhất trong loài thú, hoặc là con thú giống đực, nghĩa bóng là khỏe. Người tài trí hơn đời gọi là người anh hùng, gọi thế là có ý so sánh người ấy như bông hoa, như con thú mạnh nhất. Nay anh hùng có nghĩa là người không sợ chết hoặc đã lập được võ công”. 


Tào Tháo và Lưu Bị luận anh hùng
Lưu Bị và Tào Tháo luận anh hùng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Ảnh: duchinese.net

Dưới đây chúng tôi sẽ đi sâu vào phân tích Hán tự của 2 từ Anh () và Hùng () để bạn đọc rộng đường tham khảo:

 Anh 英 là chữ hình thanh kết cấu trên dưới, do bộ Thảo 艹 ở trên chỉ nghĩa(1) và chữ Ương 央 phía dưới chỉ âm. Thảo 艹 là hoa cỏ, nên Anh 英 nghĩa gốc là "hoa các loài cây cỏ". Vì vậy mà vật gì tốt đẹp khác thường đều gọi là Anh. Trong từ Anh Hùng: "Anh" 英 là hình cây cỏ mới mọc xanh tươi, nên Anh có nghĩa là ưu tú, tài giỏi, vượt trội.

Tam Quốc diễn nghĩa
 có ghi lại câu của Khổng Dung nói với Thái Sử Từ như sau: “Quân tuy anh dũng, nhiên tặc thế thậm thịnh, bất khả khinh xuất” 君雖英勇, 然賊勢甚盛, 不可輕出” (Tạm dịch: Ông tuy tài giỏi, dũng mãnh, nhưng thế giặc to lắm, không nên coi thường).

Hùng 雄 là chữ hình thanh kết cấu trái phải, bao gồm bên trái là chữ Hoành 厷 chỉ âm và bên phải là bộ Chuy 隹 chỉ ý. Chuy 隹 là chữ tượng hình miêu tả một con chim đuôi ngắn nên Hùng 雄 là chim trống, là giống đực, là đàn ông. Trong từ Anh Hùng 英雄 thì Anh (ưu tú, vượt trội) kết hợp với Hùng (người nam) thành nghĩa người nam tài giỏi, vượt trội(2)


Trong Nam Hoa Kinh, Trang Tử viết: “(Ai Đài Tha) hựu dĩ ác hãi thiên hạ, họa nhi bất xướng, trí bất xuất hồ tứ vực, thả hữu thư hùng hợp hồ tiền, thị tất hữu dị hồ nhân giả dã” (哀駘它)又以惡駭天下, 和而不唱, 知不出乎四域, 且有雌雄合乎前, 是必有異乎人者也 - Tạm dịch: (Ai Đài Tha) lại xấu xí làm mọi người phát sợ, họa nhưng không xướng, trí không ra khỏi bốn cõi, vậy mà đàn ông, đàn bà xúm xít lại trước mặt. Chắc hắn phải có gì khác người".

Trong quyển Khảo luận về Đoạn Trường Tân Thanh xuất bản tại Sài Gòn năm 1960, hai tác giả Doãn Quốc Sỹ và Việt Tử có một đoạn phân tích về chữ anh hùng khá thú vị, chúng tôi trích dẫn bên dưới để bạn đọc rộng đường tham khảo:


"Vốn là một dân tộc nhỏ bé ở cạnh nước Trung Hoa khổng lồ, người Việt hiểu rằng nếu mình không mạnh thì bị tiêu diệt, nên chí làm trai, chí anh hùng đã được vạch định trong ca dao tục ngữ. Ta hãy thử xét ý thức anh hùng trong ca dao:

Người anh hùng là một phi thường thái rất hiếm có:

Một đời được mấy anh hùng,
Một nước được mấy đức ông trị vì


Người anh hùng phải lập chí và trì chí cẩn thủ:

Làm trái quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội nợ nần chớ lo.


Chí đó phải rộng rãi bao la, bao quát mọi việc:

Làm trai năm liệu bảy lo mới hào
...................
Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan.


Trải qua một lịch sử điêu đứng, mỗi lần nhờ người ngoài - cầu viện binh Tàu - là một lần mất nước, nên người anh hùng Việt phải tuyệt đối tự lập, không nhờ ai:

Nên ra tay kiếm tay cờ
Chẳng nên thì chớ, chẳng nhờ tay ai.


Họ phải cương quyết:

Đây ta như cây giữa rừng
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.


Không bao giờ sợ việc khó khăn:

Làm trai đã quyết thi hành,
Đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây.


Một nước châu chấu luôn luôn phải đối phó với con voi khổng lồ, nên người anh hùng Việt không thể tính toán theo phương pháp khoa học được. Một cuộc cách mạng dù tổ chức khoa học đến đâu cũng chênh lệch về lực lượng. Những cuộc chống đối của Lạc Việt đều một chọi trăm, chọi ngàn - kỹ thuật nghệ thuật hóa là bí quyết thành công, bù trừ vào chỗ khiếm khuyết sút kém về lực lượng.

Đời sống thực tế tranh đấu đã đúc luyện cho người dân Việt một quan niệm anh hùng rõ rệt như thế. Quan niệm ấy được bổ túc bằng tư tưởng Nho gia.

Nội dung chữ anh hùng theo Nho gia đã được triển khai bởi nhiều triết gia nên khá đầy đủ. Theo nghĩa đen thì anh là tinh túy loài hoa, là loài hoa cao đẹp hơn cả, mà hùng là loài thú to lớn mạnh hơn các loài khác.

Vậy thì anh hùng là người hơn tất cả người khác bằng cả tinh thần (hoa) và thể chất (hùng). Chính cũng vì lẽ đó nên đức tính của người anh hùng gồm tất cả: Trí, nhân, dũng còn tài thì phải đủ kinh luân, gồm văn võ.

Anh hùng như thế hiếm thay, đúng với câu ca dao Việt:

Một đời được mấy anh hùng
Một nước được mấy đức ông trị vì.


Tống Nho còn thêm vào hai điều kiện nữa: tự chế ngự được mình và chế ngự được người nữa. Thế có nghĩa là người anh hùng phải tự tu lại phải lập sự nghiệp hiển hách.

Tây phương cũng cùng một ý niệm ấy. Họ định nghĩa anh hùng là kẻ nổi danh về những hành động khác đời và tâm hồn cao thượng (Le héros est celui qui se distingue par des actions extraordinaires et par sa grandeur d'âme).

Như thế người anh hùng theo Tây Phương là người đã hiển đạt, và Tây phương cũng đồng ý với Đông phương về cả hai phần tài và đức. Lấy những điển ấy làm mực, ta thủ xét xem Từ Hải có đáng là anh hùng hay không?".


Chú thích

(1) 艹 cùng với 艸 là hai hình thức của bộ Thảo, chỉ dùng để ghép với các phần khác để thành lập chữ mới có liên quan đến Thảo mộc, còn chữThảo 草 thực sự là chữ Hình Thanh, được ghép bởi chữTảo 早 là Sáng sớm chỉ Âm và bộ Thảo 艹ở phía trên chỉ Ý. Vì bộThảo 艹 luôn luôn nằm phía trên, nên được gọi làThảo đầu 草頭.


(2) Đối lại với Hùng 雄 là Thư. Về mặt cấu tạo, Thư 雌 cũng là chữ hình thanh bao gồm Thử 此 bên trái chỉ âm và bên phải là Chuy 隹 biểu thị ý nghĩa. Thư 雌 nghĩa là con chim mái, là giống cái, là người nữ như trong từ Anh Thư nghĩa là người phụ nữ tài hoa, xuất sắc. 

Tham khảo

• Doãn Quốc Sỹ, Việt Tử - Khảo luận về Đoạn Trường Tân Thanh, NXB Nam Sơn, Sài Gòn, 1960

• Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà nội, 2005

• La Quán Trung, Tam Quốc Diễn Nghĩa, bản ebook

• Lê Văn Hòe, Tầm Nguyên Từ Điển, Quốc học thư xã, Hà Nội, 1942

• Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Trang Tử Nam Hoa Kinh, NXB Trẻ, 2021

Bình luận (0)