An Nam là gì? Tại sao gọi là Annamite (An nam mít)? | Atabook.com
Cập nhật lần cuối vào ngày 02/10/2023

An Nam là gì?

Quang Nguyễn
Quang Nguyễn

An Nam là tên gọi của Việt Nam ngày xưa được đặt bởi những kẻ xâm lược, đô hộ với hàm ý ban đầu là trấn áp, dẹp yên phương Nam.


Lính An Nam thời Pháp thuộc
Lính An Nam thời Pháp thuộc. Ảnh: Planetfigure

Tên gọi An Nam có từ khi nào?

Tên gọi An Nam đã xuất hiện trong nhan đề của một trong những bộ sử lâu đời nhất còn lưu truyền cho đến nay do một cá nhân người Việt soạn vào khoảng đầu thế kỷ XIV là An Nam chí lược của Lê Tắc (1263 - 1342). Tuy nhiên, địa danh An Nam vốn đã manh nha từ trước đó rất lâu vào thời Bắc thuộc, ít nhất là từ thế kỷ III thời Bà Triệu, tức Triệu Thị Trinh (226 - 248). 

Nguyên là vào năm 248, cả hai quận của Giao Châu là Cửu Chân và Giao Chỉ đều nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Ngô. Thanh thế của các cuộc khởi nghĩa lớn mạnh đến nỗi ngay cả các nhà sử học của Ngô phải thừa nhận là “toàn thể Châu Giao chấn động”. [1] Trong số đó, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu có thanh thế vang dội hơn cả với quân số lên tới hàng vạn người. [2]

Đứng trước nguy cơ tan rã của chính quyền đô hộ ở Giao Châu, Tôn Quyền - quân chủ của nhà Ngô khi đó, đã phải cử viên danh tướng Lục Dận [3] làm thứ sử Giao Châu với chức An Nam hiệu úy đem khoảng 8.000 quân sang Giao Châu đàn áp cuộc khởi nghĩa. [4]

Cái tên An Nam manh nha xuất hiện trong sử sách chính là bắt đầu từ sự kiện này: năm 248!

Đến năm 679, nhà Đường cho đổi Giao Châu tổng quản phủ (lập năm 622) thành An Nam đô hộ phủ [5], gồm 13 châu với 59 huyện. [6]

Như vậy, tên gọi An Nam chính thức có từ năm 679.

Năm 1164, vua Tống Hiếu Tông 宋孝宗 của nhà Tống sắc phong vua Lý Anh Tông của triều Lý nước ta làm An Nam quốc vương thay cho tước hiệu Giao Chỉ quận vương trước đó; đồng thời đổi Giao Chỉ quận thành An Nam quốc. Đây là lần đầu tiên một hoàng đế Trung Hoa công nhận nước ta là An Nam quốc thay vì chỉ xem là Giao chỉ quận (mặc dù nước ta khi đó có tên là Đại Việt và đã độc lập với Trung Quốc hơn hai, ba trăm năm trước đó)An Nam gọi là "nước" bắt đầu từ đó. [7] 

Cuốn Dư địa chí do Nguyễn Trãi biên soạn vào năm 1435 nói khá cụ thể về việc này như sau:

 
Hồng bàng thị bắt đầu cống sính nhà Chu gọi là Việt thường thị. Từ Đinh Tiên hoàng đến Lý Anh tông, cống sính nhà Tống thì tên nước là Giao Chỉ. Từ Anh tông [Lý Anh Tông] đến bây giờ, cống sính nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh thì đều gọi tên nước là An-nam". [8]   

Theo Đại Nam thực lục, đến năm 1804 đời vua Gia Long năm thứ 3 của nhà Nguyễn, trong chiếu bố cáo trong ngoài về việc đặt quốc hiệu là Việt Nam có đoạn viết: 
 
"Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa." [9] 

An Nam có nghĩa là gì?

Trong chữ An Nam thì chữ An 安 phía trên là bộ Miên 宀 nghĩa là mái nhà, phía dưới là bộ Nữ 女 nghĩa là con gái. Ý nghĩa chiết tự của chữ An là "con gái sống dưới mái nhà thì mới là an". Chính từ An 安 này mới có những từ ghép như An dân 安民 nghĩa là vỗ về nhân dân; làm cho dân yên.

Như vậy, cái tên An Nam ban đầu có nghĩa là "bình định, trấn áp, dẹp yên phương Nam" với cái chức An Nam hiệu úy của Lục Dận vào năm 248 (thế kỷ III); đến năm 679 (thế kỷ VII), khi nhà Đường đã đô hộ nước ta và đặt tên An Nam đô hộ phủ thì cái tên An Nam lúc này thể hiện mong muốn của kẻ đô hộ rằng "vùng đất phương Nam (mà chúng đang chiếm đóng) sẽ yên ổn và không nổi dậy giành độc lập". 

Kể cả khi công nhận nước ta là An Nam quốc từ năm 1164 (thay vì Giao Chỉ quận như trước đó) thì theo Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án, chữ An ở trên chữ Nam cũng là có ý ngăn ngừa nước ta. [10]


Tại sao thực dân Pháp gọi người Việt là Annamite (An nam mít)? 

Thời Pháp thuộc, người Pháp mặc nhiên gọi nước ta là An Nam và gọi dân ta là Annamite, mặc dù nước ta từ đời Đường, trải qua nhiều thế kỷ chống lại sự trấn áp phương Nam của Trung Quốc đã đổi tên nước nhiều lần và ngay cả ở thời điểm đó, nước ta đang có tên là Đại Nam. [11]

Cách gọi này thể hiện sự trịch thượng và ác ý của thực dân Pháp đối với dân ta vì họ biết rất rõ ý nghĩa của chữ An Nam mà chính quyền đô hộ phương Bắc gọi nước ta trước đây, khi dịch rất đúng sang tiếng Pháp là: "(le) Sud pacifié", nghĩa là "phương (nước) Nam (bị) dẹp yên". [12]     

Từ Annamite với biến thể Việt hóa là Annam mít (hoặc An nam mít) mang hàm ý miệt thị không chỉ bởi người Pháp đô hộ và còn cả những người Việt được "khai sáng văn minh" bởi "mẫu quốc Pháp" đối với những người Việt "chưa được khai sáng". Nhiều người Việt dùng từ này với đồng bào mình có lẽ tự coi mình - về mặt văn hóa, gần gũi với những kẻ thống trị hơn với các đồng bào bị trị của mình.

Trong bài viết có nhan đề An-Nam-Mít trên Tràng An báo số 439 (ra ngày 28 tháng 7 năm 1939), tác giả có bút danh là Cóc Bịch đã viết rất cụ thể về chữ Mít trong An-nam-mít. Chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn một đoạn để bạn đọc rộng đường tham khảo:

An-nam, An-nam, nguyên An-nam chúng ta có chữ “mít” ấy đâu. Từ khi người Pháp qua đây mà sau chữ “An-nam” mới thêm vào một chữ “mít” nữa. Cái chữ “mít” thêm vào đó, nói cho phải, không phải người Pháp cố ý chế nhạo người Annam ta đâu. Chẳng qua người ta theo “âm loại” (famille des mots) mà đặt ra. Annamite cũng như Fançais [13] hay Chinois đó thôi.
 
Khốn thay ! cái tiếng “mít” lại là một tiếng bất lợi trong thứ tiếng An nam. Người nào dốt nát thì bị cười là “dốt như hột mít”, người nào u mê,, thì bị chê là “hột mít chẳng biết gì”. Thành ra tiếng "mít" ấy để tặng riêng cho hạng người vô tri vô giác.
 
Thế mà hay! người Pháp họ qua đây lâu ngày, tuồng như họ cũng hiểu “mít” là một tiếng hủ lậu quê mùa của dân bổn xứ. Nên chỉ nói đến ba tiếng “An-nam-mít” thì họ tỏ ra bộ khinh bỉ, khó chịu lắm thay, thấy cái gì trái mắt, thì họ lên tay: Eh, Annamite! nghe chuyện gì trái tai, thì họ vụt miệng: Oh! Annamite! Rồi bất cứ trăm xấu nghìn xa gì gì, đều đổ trên đầu An-Nam-mít cả.
 
Cũng vì một chữ “mít” ấy mà người ta không có tiền đi xe tới nhà thương, mà tờ báo Tây ở Hải-phòng lại nói rằng: “người An-nam không biết đau khổ”?
 
Cũng vì một chữ mít ấy, mà cầu Tràng Tiền lâu ngày thì sắt bị rét [14], mà một tờ báo Tây ở Huế lại nói rằng: “người An-nam đái mục cầu đi”.
 
Cũng vì một chữ mít ấy, mà tàu Phénix chìm là tự đâu đâu, mà một tờ báo Tây ở Saigon lại nói rằng: có khi vì sáu người Annam đi theo nấu bếp, bất cẩn sự gì đó nên tàu mới bị nạn”. 
 
Té ra, chuyện gì hư hèn, là đổ cho An-nam-mít cả. "Mít!", Mít!" tự người Pháp nghe thì nó ăn nhịp với hai tiếng "Annam" lắm. Nhưng như trên đã nói, nguyên Annam chúng tôi trước kia có dính gì với "mít" đâu. "Mít" làm sao mà đánh đổ quân Nguyên 60 vạn ở sông Bạch-đằng? Mít làm sao mà dẹp tan quân Thanh 20 vạn ở sông Nhị-hà? Mít làm sao đuổi được Chiêm-thành, lùa được Chân lạp, thần phục được Ai lao? Thật vậy từ người Pháp qua đây, Annam chúng tôi mới thành ra "mít" đó".

Cũng trong bài viết, khi đặt vấn đề bao giờ Annam mới khỏi "mít", tác giả Cóc Bịch đã tóm lược về lịch sử tên gọi Annam, trong đó có nhắc lại sự kiện vua Thanh đã chiều ý vua Gia Long mà đổi quốc hiệu An-nam thành Việt-nam, và tác giả khẳng định: "Hai chữ Annam còn đổi được thay, huống là chữ "mít"? Một ngày kia Annam mà không "mít" nữa: thì tiếng mít ấy nó tự nhiên mất đi" [15]

Xin nhắc lại rằng, bài báo trên của tác giả Cóc Bịch (mà chúng tôi đồ rằng đó là học giả Phan Khôi) đăng vào năm 1939, tức là đang trong thời kỳ Pháp thuộc và người Pháp vẫn đang đô hộ nước ta; nhưng lời lẽ của tác giả rất đanh thép, không hề tỏ ra kiêng dè chính quyền Pháp và những người theo Tây lúc bấy giờ.

Thật ra, nếu xét về mặt ngữ học thuần túy thì cái hậu tố -ite của "mít" (mite) ngay sau chữ An Nam chẳng có tội tình gì cả vì đây là hậu tố dùng để cấu tạo tính từ quan hệ (adjectif relatif) đến một vùng đất hoặc một xứ sở nhất định do từ căn biểu hiện; những tính từ này cũng thay đổi từ loại (thành danh từ) để chỉ người của vùng đất hoặc xứ sở đó. [16] 


Chú thích

[1]Ngô chí, quyển 8, dẫn theo Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. (1983). Lịch sử Việt Nam, tập 1. Hà Nội: NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp.

[2], [4]. Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. (2001). Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1. NXB Giáo Dục. Tr. 90.

[3]. Lục Dận (陸胤) chính là cháu của Đại đô đốc Lục Tốn (陸遜) - một tướng lĩnh quân sự nổi tiếng của Đông Ngô thời Tam quốc.

[5]. Cái tên An Nam đô hộ phủ tồn tại đến năm 757 thì bị đổi thành Trấn Nam đô hộ phủ. 9 năm sau đó lại trở về tên cũ. Tới năm 866, An Nam đô hộ phủ được phong Tĩnh Hải Quân, ngang hàng với các vùng đất trong nội địa nhà Đường. An Nam đô hộ phủ cũng là đô hộ phủ tồn tại lâu nhất trong 6 đô hộ phủ do nhà Đường lập ra (6 đô hộ phủ gồm Bắc Đình đô hộ phủ - giữ Tân Cương, Thiền Vu đô hộ phủ - giữ Nội Mông Cổ, An Tây đô hộ phủ - giữ Tây Vực , An Bắc đô hộ phủ - giữ Ngoại Mông Cổ , An Đông đô hộ phủgiữ Cao Câu Ly (tức bán đảo Triều Tiên ngày nay) và An Nam đô hộ phủ - giữ Giao Chỉ).

[6]. Tương ứng một phần Choang Quảng Tây, Miền Bắc và miền Trung Việt Nam từ Hà Tĩnh hiện nay trở ra.

[7]. Quốc sử quán triều Nguyễn. (2007). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập 1. NXB Giáo Dục. Tr. 392.

[8]. Nguyễn Trãi. (1960). Dư địa chí. Hà Nội: NXB Sử học. Tr. 24.

[9]. Quốc sử quán triều Nguyễn. (2002). Đại Nam thực lục, tập 1 - Chính biên, đệ nhất kỷ, quyển XXIII - Thực lục về Thế tổ Cao hoàng đế. NXB Giáo Dục. Tr. 588.

[10]. Ngô Thì Sĩ. (1960). Việt sử tiêu án - Từ Hồng Bàng đến ngoại thuộc nhà Minh. Sài Gòn: NXB Văn Hóa Á Châu. Tr. 154. 

[11]. Quốc hiệu Đại Nam được vua Minh Mạng nhà Nguyễn đặt từ năm 1838 kéo dài đến năm 1945 thời vua Bảo Đại, tồn tại trong 107 năm.

[12]. An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây, tập 5. NXB Trẻ. Tr. 126.

[13]Tức Francais (?) Có lẽ báo khi ấn loát bị thiếu từ. Chúng tôi giữ nguyên văn bài viết.

[14]. Tức sét (?). Chúng tôi giữ nguyên văn bài viết.

[15]. Cóc Bịch. (28-7-1939). An-Nam-Mít. Tràng An báo. Số 439, tr. 2.

[16]. An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây, tập 5. NXB Trẻ. Tr. 125.



Thư mục

• Cóc Bịch. (28-7-1939). An-Nam-Mít. Tràng An báo. Số 439.

• An Chi. (2006). Chuyện Đông chuyện Tây, tập 5. NXB Trẻ. 

• Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. (1983). Lịch sử Việt Nam, tập 1. Hà Nội: NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp.

• Quốc sử quán triều Nguyễn. (2002). Đại Nam thực lục, tập 1. NXB Giáo Dục. 

• Quốc sử quán triều Nguyễn. (2007). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập 1. NXB Giáo Dục.

• Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. (2001). Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1. NXB Giáo Dục.

• Ngô Thì Sĩ. (1960). Việt sử tiêu án - Từ Hồng Bàng đến ngoại thuộc nhà Minh. Sài Gòn: NXB Văn Hóa Á Châu. 

• Jules Silvestre. (2020). Đế quốc An Nam và người dân An Nam. NXB Đà Nẵng.

• Lê Tắc. (2009). An Nam chí lược. Hà Nội: NXB Lao Động.

• Nguyễn Trãi. (1960). Dư địa chí. Hà Nội: NXB Sử học.


 

Sách hay viết về An Nam


Tâm lý dân tộc An NamTâm lý dân tộc An Nam
NXB Hội Nhà Văn, 2019
Mua sách

Hội kín xứ An NamHội kín xứ An Nam
NXB Hội Nhà Văn, 2019
Mua sách

Đế quốc An Nam và người dân An NamĐế quốc An Nam và người dân An Nam
NXB Đà Nẵng, 2020
Mua sách  


An Nam truyệnAn Nam truyện
Tải sách  
Mua sách
 


Nếu Quý vị thấy bài viết này hữu ích, hãy mời Quang Nguyễn một tách cà phê nhé! 

Bình luận (0)